(Tổ Quốc) -“Sau 15 năm, ông chỉ mất vài giây để gọi xe ôm, hoặc taxi chỉ bằng chiếc smartphone. Mọi việc đã tiện lợi hơn rất nhiều”.
Mở đầu diễn đàn “Kinh tế số hóa - Thế giới không chờ chúng ta vào chiều 23/10 tại Hà Nội, Giám đốc Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn tài chính quốc tế Société Générale với 150.000 nhân viên trên toàn thế giới Aymeril Hoang cho biết về chính câu chuyện của mình 15 năm trước, thời gian ông đến Hà Nội.
Việt Nam đối mặt với thụt lùi công nghệ
“Khi tôi đi xe ôm, tôi phải mặc cả. Và thường bị chở lòng vòng, khiến tôi tốn nhiều tiền hơn. Sau đó, tôi mua một chiếc xe máy, nhưng đi lại cũng khá khó khăn vì không thuộc đường”- Aymeril Hoang chia sẻ.
Còn hiện tại, sau 15 năm, ông chỉ mất vài giây để gọi xe ôm, hoặc taxi chỉ bằng chiếc smartphone. Mọi việc đã tiện lợi hơn rất nhiều.
Giám đốc Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn tài chính quốc tế Société Générale - Aymeril Hoang. |
“Tôi lấy một ví dụ như vậy để nói với các bạn về sự thay đổi của nền kinh tế số tác động đến cuộc sống của chúng ta như thế nào” - Giám đốc Đổi mới sáng tạo của tập đoàn tài chính quốc tế Société Générale nói và khẳng định, chỉ có cách học tập chúng ta mới không bị tụt hậu và thích nghi được với thời kỳ công nghệ số.
Trong khi đó, đưa ra thực tế tại Việt Nam, ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJV Capital thuộc VinaCapial cho hay, Việt Nam có nhiều tiến bộ về số hóa, nhưng nền kinh tế số của chúng ta đang có nguy cơ đi thụt lùi.
Chúng ta cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để có thể có thể giúp các doanh nghiệp phát triển vững mạnh, hướng ra nước ngoài.
Ông Phúc đưa ra dẫn chứng: Theo nghiên cứu của chúng tôi, số người sử dụng Internet sẽ tăng 10%, mạng xã hội 25%, người sử dụng smartphone cũng tăng rất nhanh. Con số này cho thấy dân Việt Nam ngày càng gia nhập mạnh mẽ vào thời đại số.
Thống kê của Đại học Wharton Mỹ so sánh số giữa Việt Nam và các nước láng giềng cho thấy, Việt Nam đang dẫn đầu trong 6 nước liên quan tới công việc lập trình phần mềm cho di động với con số 1.83. Điều này cho thấy Việt Nam có kinh tế số đang phát triển, nhu cầu càng ngày càng tăng.
Số việc lập trình cho các công ty start up- khởi nghiệp, lập trình cho các công ty nước ngoài, gia công phần mềm cho nước ngoài tại Việt Nam, hoặc lập trình cho các công ty trong nước như FPT, Viettel, VNPT cũng sẽ có nhu cầu cao.
Năm 2007, hệ thống sinh thái hỗ trợ lập trình rất ít, đến nay hệ thống sinh thái đã dồi dào.
Ông Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm DFJV Capital thuộc VinaCapial. |
“Mặc dù Việt Nam phát triển về các chỉ số hoá rất mạnh nhưng Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ thụt lùi” – ông Phúc nêu và cho rằng, điều đầu tiên cần khẩn trương giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối, hội nhập vào thời kinh tế số.
Tiếp theo, trong mọi lĩnh vực cần tự động hóa ở các khâu để sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, để các sản phẩm có thể cạnh tranh ở trong nước, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trong nước.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần có chính sách để hợp tác với các công ty trong nước, nhắm vào việc tự động hóa.
Cuối cùng, Chính phủ cần có một số chính sách như giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, để công ty trong nước hoat động và chiếm lĩnh thị trường trong nước, tạo đà để họ tiến ra thế giới.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tới năm 2020, 50% nhân lực sẽ không còn cần thiết vì sự phát triển của số hóa
Về nguồn nhân lực, bà Sophie Pène - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về số hóa của Chính phủ Pháp thì cho biết, nền kinh tế số có nghĩa là mọi hoạt động của người dân trong cộng đồng đều phải liên quan đến công nghệ kỹ thuật số, như sử dụng các sản phẩm công nghệ có kết nối Internet. Do vậy, hệ thống giáo dục ở hầu hết các quốc gia, đều phải thay đổi để đào tạo ra nguồn nhân lực phù hợp.
“Hiện nay chúng ta cần phải chạy đua với máy tính. Tôi nghĩ con người chúng ta không chạy đua được với nó đâu. Đó là thách thức của chúng ta trong thời kỳ số hóa” - bà Sophie Pène nói.
Bà Sophie Pène - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về số hóa của Chính phủ Pháp. |
Bà Sophie Pène cũng đưa ra con số, khoảng 10, hoặc 20 năm tới, 65% sinh viên của chúng ta sẽ có việc làm mà chúng ta chưa thấy xuất hiện bao giờ, như hướng dẫn, dạy bảo, huấn luyện robot làm việc chẳng hạn.
Bà Sophie Pène nhấn mạnh các trường học hiện nay cần thay đổi, cần lấy học sinh làm trung tâm. Có sự tham gia của các em trong suốt quá trình học, để học sinh tự quyết định tương lai của mình.
“Đến năm 2020, 50% nhân lực sẽ không cần thiết nữa, vì sự phát triển của máy móc, công nghệ số. Từ đó sẽ dẫn đến sự biến động của thị trường việc làm. Vì thế, mô hình học tập suốt đời cần đẩy mạnh hơn nữa, để đảm bảo trong tương lai bạn không bị thay thế bởi máy móc” - bà Sophie Pène chia sẻ./.
Thái Linh