Hiểu và nắm rõ công tác vận động dân tộc, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các tỉnh Tây Nam Bộ đã có nhiều chương trình phát huy vai trò của những người có uy tín trong quá trình xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ trái sang) với các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nam Bộ. (Ảnh:TA) |
Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành phố, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8,5% (khoảng hơn 1,4 triệu người, trong đó dân tộc Khmer (chiếm 6,9%), dân tộc Hoa (chiếm 1,47%), dân tộc Chăm (chiếm 0,09%), còn lại là các dân tộc khác như: Tày, Nùng, Thái, Mông…
Xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực MTTQ các tỉnh Tây Nam Bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã triển khai tổ chức thực hiện, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường phát huy vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong công tác vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động, các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Tây Nam Bộ đã tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên như: Ban Dân tộc, Công an, Dân vận... nhằm phát huy vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Từ đó, đã xây dựng được gần 4.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nam Bộ ở tất cả các lĩnh vực như: Lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, trong bảo tồn giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, trong bảo vệ an ninh trật tự . Kết quả cụ thể của các địa phương, đơn vị đã khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo bà Phan Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Cần Thơ, hiện Cần Thơ có 474 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, vai trò người tiêu biểu có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố Cần Thơ được thể hiện trên nhiều mặt, rõ nét nhất là trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trước đây và hiện nay đang là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cụ thể, người có uy tín có nhiều đóng góp tích cực như: vận động nhân dân ý thức vươn lên học tập để xóa nghèo, xóa dốt, đóng góp công sức của mình bằng những ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; phát triển sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, làm công tác từ thiện, xã hội và đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi của người tiêu biểu có uy tín. Người tiêu biểu còn tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành điểm nóng, tham gia đấu tranh với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Tại An Giang, với 115 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần vào việc hướng dẫn, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang còn thường xuyên thông tin kịp thời những thủ đoạn âm mưu của các thể lực thù địch trong và ngoài nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các hành vi lợi dụng dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, những người có uy tín tiêu biểu ở An Giang còn thường xuyên nắm diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng trong bà con dân tộc thiểu số để phản ánh cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tranh thủ sự phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động bà con tham gia các phong trao thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương,... Qua đó, đã có nhiều điển hình tích cực ở một số địa phương như: Vai trò nòng cốt của các vị sư sãi, A cha, người có uy tín ở các xã Tân Tuyến, Núi Tô, Lương Phi (huyện Tri Tôn), xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên) trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; vai trò tích cực của các vị giáo cả, người có uy tín trong việc vận động đồng bào Chăm ở xã Đa Phước (huyện An Phú), xã Châu Phong (Thị xã Tân Châu) và xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Tại Cà Mau, những năm qua, bằng uy tín của mình, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thực hiện và vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, các tệ nạn xã hội, đi đầu trong các phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo đồng thời giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ việc triển khai thực hiện chính sách, hằng năm, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tôn vinh, bầu chọn được 67 người có uy tín tiêu biểu, gồm 61 đại biểu nam và 06 đại biểu nữ; có 04 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm và có 16 đảng viên.
Những điển hình sống động
Trong số những tập thể, cá nhân điển hình được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khen thưởng tại Hội nghị “Phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” diễn ra mới đây, đã nổi lên nhiều “nhạc trưởng” thật sự, được bà con khâm phục.
Một trong những điển hình tiêu biểu là Hòa thượng Tăng Nô, 74 tuổi, người dân tộc Khmer, Trụ trì chùa Khleang ở Thành phố Sóc Trăng. Hòa thượng hiện là Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng. Hòa thượng được nhiều người đánh giá là người sống đức hạnh, gương mẫu, quán xuyến mọi hoạt động trong chùa cũng như trong công tác phật sự của Tỉnh Hội Sóc Trăng. Hòa thượng tham gia tích cực việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc, các lễ hội, phong tục tập quán, nghi lễ tôn giáo… góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hòa thượng còn luôn dành thời gian hướng dẫn Ban quản trị chùa quản lý sư sãi trong việc thực hiện giáo lý, giáo luật của Phật giáo Nam tông Khmer; đồng thời hướng dẫn sư sãi và phật tử tích cực tham gia sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần….
Không những thế, Hòa thượng Tăng Nô còn luôn phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tập trung tu sửa khang trang các chùa để đồng bào phật tử tổ chức các lễ nghi theo phong tục truyền thống; tạo điều kiện cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức các lễ hội như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôl Ta, lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo… được đông đảo đồng bào dân tộc hưởng ứng, tham gia; qua đó, đã tạo sinh khí phấn khởi cho đồng bào dân tộc trong các dịp lễ hội.
Đó còn là ông Lâm Anh Lữ, 69 tuổi, là người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc Hoa ở Thành phố Cà Mau. Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình, ông còn hết lòng với các hoạt động xã hội. Ông đã nỗ lực để duy trì việc giảng dạy tiếng Hoa tại trung tâm do ông tự mở. Hiện tại, trung tâm thường xuyên có 7 - 8 lớp học, tổng số 70 đến 90 học sinh theo học. Chi phí hằng năm khoảng 300 triệu đồng do Trung tâm tự trang trải hoàn toàn do ông vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân. Cùng với đó, ông Lữ tích cực ủng hộ các hoạt động nhằm duy trì phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống, lễ hội của người Hoa trong và ngoài tỉnh Cà Mau. Đặc biệt ông Lâm Anh Lữ đã vận động cộng đồng người Hoa tích cực tham gia hoạt động từ thiện, trợ giúp người nghèo... Cụ thể năm 2010 hưởng ứng chương trình “Nhịp cầu mơ ước” của tỉnh, xây dựng được 2 cây cầu giao thông nông thôn, tại vùng căn cứ kháng chiến năm xưa, trị giá 180 triệu đồng...
Với vai trò người có uy tín tiêu biểu và là thành viên Ban Quản trị chùa Xiêm Cán, Tổ trưởng Tổ tự quản dòng tộc họ Thạch ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu - ông Thạch Quết, sinh năm 1947, dân tộc khmer luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mọi nhiệm vụ. Ông luôn tích cực vận động các thành viên trong Tổ tự quản dòng tộc, đồng bào phật tử nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ, đấu tranh tố giác các loại tội phạm và tệ nạn xã hội… Cùng với đó, ông còn vận động bà con dân tộc Khmer tham dự các hội nghị do xã, ấp tổ chức. Đặc biệt trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông thường xuyên vận động bà con đi bầu đúng luật định. Ngoài ra, một số tranh chấp trong nội bộ bà con ở ấp, ông còn trực tiếp tìm hiểu, giải thích và động viên để bà con hàn gắn, chia sẽ, thông cảm với nhau, từ việc làm đó đã góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.
Nói về những người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh khẳng định: Chính họ là người điển hình cho việc dân vận khéo, góp phần vào việc tham gia xây dựng chính sách để khi chính sách ra cuộc sống thì sẽ vào cuộc sống, tham gia giám sát phản biện xã hội. Chính những người này là những người góp ý với cán bộ, đảng viên, là những cộng tác viên, tuyên truyền viên của Đảng, Nhà nước ở khu dân cư, ở cơ sở, thể hiện sinh động mối quan hệ Đảng với nhân dân.
Đánh giá cao vai trò của những người có uy tín tiêu biểu ở các tỉnh Tây Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ: Các địa phương cần tiếp tục nhân rộng những việc làm hay, mô hình, cá nhân tiêu biểu. Công tác vận động đồng bào dân tộc hơn ai hết chỉ đồng bào dân tộc mới vận động tốt, vì người dân tộc luôn có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, cần tăng cường khen thưởng, biểu dương và tôn vinh những cá nhân là người tiêu biểu để kịp thời động viên họ. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng đội ngũ kế cận của người uy tín, tiêu biểu./.
Nguổn: dangcongsan.vn