Khánh thành 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam dịp nghỉ lễ 30/4, tài xế cần lưu ý những gì?
(Tổ Quốc) - Hai dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ chính thức thông xe vào dịp nghỉ lễ 30/4. Đây là tin vui đối với mọi người tham gia du lịch nghỉ dưỡng bằng đường bộ khi di chuyển qua các khu vực này.
Chỉ còn 3 ngày nữa là đến kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, người dân đã bắt đầu kế hoạch đi du lịch, nghỉ ngơi. Ngoài vận tải đường hàng không, vận tải hành khách đường bộ cũng dự kiến hoạt động sôi nổi vào dịp lễ này và cao điểm mùa du lịch sắp tới. Đặc biệt, vào ngày 29 - 30/4 tới đây, 2 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được khánh thành. Đặc biệt, 2 cao tốc này đi qua địa phận nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Chính vì vậy, khi 2 cao tốc này đi vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển của người dân, tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các điểm du lịch.
Vậy, khi di chuyển trên 3 cao tốc này, tài xế cần lưu ý điều gì?
Cao tốc Mai Sơn - QL45
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc Lộ 45 (QL45) khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội - Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 giờ thay vì hơn 3 giờ như hiện nay.
Theo đó, dự kiến các phương tiện lưu thông theo hướng Hà Nội - Thanh Hoá sẽ đi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình và Cao Bồ - Mai Sơn khi đến nút giao Mai Sơn (tiếp giáp đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tại thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) sẽ tiếp tục hành trình vào cao tốc Mai Sơn - QL45.
Tại đây, trên tuyến sẽ có nút giao đầu tiên là Tam Điệp để đi vào thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) và ra QL1A. Tiếp đến là nút giao Gia Miêu (Thanh Hóa) để ra QL217B, trên QL217B, các phương tiện có thể rẽ về QL1A hoặc đi lên huyện Thạch Thành của tỉnh Thanh Hoá.
Sau khi đi qua hầm Thung Thi (dài 680m) thì sẽ đến nút giao để các phương tiện có thể vào QL217 thuộc địa phận xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Ở nút giao này, phương tiện khi ra QL217 để lên các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước hoặc ra QL1A để vào thành phố Thanh Hoá.
Sau đó sẽ đến nút giao Đông Xuân (thuộc xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Khi đến nút giao này, các phương tiện sẽ dễ dàng đi vào thành phố Thanh Hoá hoặc QL1A thông qua tuyến QL47 để đi về các tỉnh phía Nam như: Nghệ An, Hà Tĩnh… và ngược lại.
Được biết, ngoài 3 nút giao trên, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 2 nút giao khác vẫn đang trong quá trình thi công, hoàn thiện là nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang.
Như vậy, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam (qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa) có 5 nút giao. Tuy nhiên, trong dịp 30/4 - 1/5 sẽ chỉ có 3 nút giao nói trên chính thức đi vào hoạt động.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Đối với đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đã thống nhất phương án khánh thành vào sáng 29/4 và đưa vào khai thác chiều cùng ngày. Như vậy, kế hoạch điều chỉnh sớm hơn một ngày so với trước để người dân sớm lưu thông trước lễ 30/4 và đáp ứng nhu cầu du lịch tại tỉnh Bình Thuận.
Việc đưa vào sử dụng sớm tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là tin vui đối với mọi người. Đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sắp tới.
Người dân di chuyển từ TP.HCM đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận) chỉ còn 2,5 giờ thay vì phải mất 4 - 5 giờ như hiện nay; đồng thời góp phần giảm tải giao thông cho 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận trên tuyến QL1 trong kỳ nghỉ lễ và cao điểm mùa du lịch sắp tới.
Vậy, tài xế lưu thông như thế nào trên tuyến cao tốc này?
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có 7 nút giao, tuy nhiên, ngày 29/4 chỉ mới đưa vào khai thác 3 nút giao:
Điểm đầu tuyến tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), nút giao với Quốc lộ 1A tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và điểm kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Ngoài ra, để việc quản lý vận hành dự án trong thời gian thông xe được đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình và đảm bảo an ninh trật tự, Khu quản lý đường bộ IV đề nghị Ban quản lý Dự án Thăng Long bố trí 4 xe bán tải để vừa thực hiện nhiệm vụ tuần đường, vừa chở công nhân thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên; bố trí 4 xe cứu hộ để thực hiện cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố trên cao tốc.
Tại các vị trí nút giao vào cao tốc bố trí các bốt trực gác với đầy đủ hệ thống cảnh báo để nhân công trực gác làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn; tổ chức trực gác 3 ca/ngày kể từ khi thông xe nhằm hướng dẫn và ngăn chặn xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe thô sơ và người đi bộ đi vào cao tốc.
Riêng với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, mặc dù tuyến chính đã cơ bản xong nhưng còn nhiều vị trí nút giao, cầu vượt ngang chưa hoàn chỉnh. Chính vì vậy, phương án khánh thành sẽ lùi lại.
Việc đưa vào khai thác đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dịp 30/4 sẽ chưa bảo đảm tốt nhất về điều kiện an toàn cũng như thuận tiện nhất cho việc đi lại của bà con nhân dân khu vực dự án. Vì vậy, Bộ GTVT quyết định dời lại đến ngày 19/5 để khánh thành cùng với đoạn Cam Lâm - Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Khách sạn hết sạch phòng vì khai trương tuyến cao tốc dịp nghỉ lễ
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận) từ gần 5 giờ còn hơn 2 giờ. Đây là những địa phương nổi tiếng với nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, thu hút lượng lớn du khách từ các tỉnh phía Nam. Đặc biệt trong bối cảnh thời tiết khu vực phía Nam nắng nóng nên nhiều du khách đã chuyển hướng từ biển Vũng Tàu sang Phan Thiết để trải nghiệm. Điều này khiến phần lớn khách sạn, resort tại đây (Bình Thuận) đã kín phòng.
Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện tại, các khách sạn từ 3 sao trở lên ở Bình Thuận đã kín 100% phòng trong dịp lễ sắp tới. Các khu lưu trú còn lại như homestay, nhà nghỉ, khách sạn 1 - 2 sao được đặt hơn 90% và chắc chắn sẽ tăng trong vài ngày tới.
Các khách sạn khu vực Hàm Thuận Nam và Tiến Thành cũng trong tình trạng không nhận “booking” vì đã hết phòng. Dù nhu cầu đặt phòng tại Phan Thiết dịp lễ cao nhưng giá phòng và dịch vụ chỉ tăng từ 5 - 10%.
Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch được ngân sách nhà nước đầu tư lớn nhất ở địa phương trong suốt hơn 46 năm qua, được kỳ vọng sẽ là “cú hích” cho phát triển các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ nói chung và ngành giao thông vận tải; du lịch nói riêng.
Từ đường cao tốc Bắc - Nam, các đoạn đi qua Bình Thuận, sân bay Phan Thiết, đường ven biển quốc gia cho đến các trục đường kết nối các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh đã và đang mở dần “nút thắt” hạ tầng giao thông phục vụ phát triển. Không chỉ riêng du lịch Bình Thuận hưởng lợi mà tam giác phát triển du lịch TPHCM - Lâm Đồng - Đồng Nai cũng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng.