• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Thời sự 09/08/2024 20:00

(Tổ Quốc) - Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ góp thêm một "địa chỉ đỏ," làm phong phú hơn mạng lưới các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của vùng Chiến khu Việt Bắc.

Sáng 9/8, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan báo chí.

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các đại biểu cắt băng khánh thành công trình

Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), giữa núi rừng ATK Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại khu vực xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đầu năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia. Tới nay, sau 7 tháng thi công, công trình Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng.

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh 2.

Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhắc lại, tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người căn dặn: "Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!".

Tiếp thu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 04/4/1949 đến ngày 06/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này.

Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, ... Các học viên sau khi tốt nghiệp nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh 3.

Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh giới thiệu về những hình ảnh, hiện vật bên trong Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, sau 6 tháng 22 ngày bất kể thời tiết nắng mưa thất thường, công việc tu bổ, tôn tạo đã hoàn tất. Giờ đây, bên Hồ Núi Cốc, soi bóng xuống vùng đất lịch sử Tân Thái, một quần thể di tích được thiết kế và thi công phỏng dựng trên cơ sở những ghi chép và tư liệu để lại về một giảng đường tre nứa trên đồi và ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, như hai bảo tàng thu nhỏ, được Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thực hiện hai trưng bày "Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946-1954" và "Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - 1949". Nổi bật không kém là "quảng trường mini" rộng 200m2, với bức phù điêu cao gần 3m rộng gần 8m.

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi Lễ

Bày tỏ vui mừng, phấn khởi tại sự kiện khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tôn tạo Di tích. Công trình thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là dịp để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới. Hơn lúc nào hết, vai trò là lực lượng tuyến đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là "cầu nối" giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng tôi luyện phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để khơi nguồn, lan tỏa những điều tốt đẹp, kiên quyết phê phán, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo Việt Nam khai thác, sử dụng hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một Di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch "về nguồn" của Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sau sự kiện này, các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng; bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh 5.

Công trình Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã đến dâng hương tại Di tích lịch sử Quốc gia 27/7, trao tặng 30 suất quà cho các gia đình chính sách và học sinh nghèo huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ