• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn"

Sức khỏe 29/05/2021 17:27

(Tổ Quốc) - Đó là chia sẻ của bác sĩ Đặng Minh Hiệu – Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trước giờ lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang.

"Khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn" - Ảnh 1.

bác sĩ Đặng Minh Hiệu – Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: BYT

Khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu

21h00 tối 29/5, BS Đặng Minh Hiệu cùng nhiều đồng nghiệp tại Đại học Y Dược TP.HCM lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang. Anh là một trong hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Chia sẻ trước giờ lên đường, bác sĩ Hiệu bày tỏ: “Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, niềm khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn. 

Chỉ mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho dân mình”.

Gác lại những trăn trở cho chuyến công tác dài và còn nhiều thách thức ở phía trước, sự vui vẻ, lạc quan trước giờ lên đường của BS. Hiệu có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần “Y đức – Khát vọng – Xung kích – Bản lĩnh” của một Đoàn viên thanh niên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Chưa biết nói với bố mẹ thế nào khi cầm tờ quyết định chưa có ngày về

Ở trong tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh thời điểm này, có nhiều y, bác sĩ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc đang ngày đêm nỗ lực để giúp địa phương kiểm soát tình hình dịch bệnh. Một trong những tấm gương cho sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đó chính là bác sĩ Hoàng Việt Tiệp (26 tuổi, BVĐK khu vực Nghĩa Lộ). Bác sĩ Tiệp là thành viên trẻ nhất trong đoàn chi viện lần hai của ngành y tế Yên Bái cho "tâm dịch".

"Khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn" - Ảnh 2.

Bác sĩ Hoàng Việt Tiệp thăm khám bệnh cho người dân tại chùa Trung Đồng. Ảnh: BYT

Trước khi lên đường vào tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ Tiệp chỉ có đúng 1 giờ đồng hồ để chuẩn bị tư trang của mình. Nhà của anh ở huyện Lục Yên, cách nơi làm việc đến 200km nên anh không kịp về thăm nhà, chào bố mẹ và em gái. Cầm theo tờ quyết định bỏ trống ngày về, anh nhấc điện thoại lên rồi đặt xuống chưa biết sẽ nói với bố mẹ thế nào để mọi người an tâm.

Sáng 26/5, đoàn công tác tỉnh Yên Bái gồm 20 cán bộ y, bác sỹ đã nhận nhiệm vụ tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đoàn chia thành 4 tổ, tổ của Tiệp về điểm nóng đang đóng chốt lại chùa Trung Đồng của xã Vân Trung.

Những ngày cuối tháng 5, tiết trời Bắc Giang nắng nóng cao độ. Nhóm của Tiệp trong mặc đồ bảo hộ kín mít, liên tục tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc cũng như chăm sóc ban đầu cho các ca nghi mắc COVID-19. Chẳng ai bảo ai, cả đoàn cứ thế làm việc đến tối muộn. Chỉ đến khi sư thầy nhắc chuyện ăn uống mọi người mới chịu nghỉ tay. 

Nhiều hôm uống sữa thay cơm 

Cùng là thành viên trong đoàn chi viện của ngành y tế tỉnh Yên Bái cho tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Bùi Thành Công (lớn hơn bác sĩ Tiệp 1 tuổi) cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ chia sẻ, ngày nhận nhiệm vụ lên đường anh chỉ kịp nói vài câu với bố mẹ: “Con đi theo lời kêu gọi của ngành y tế Yên Bái xuống Bắc Giang chống dịch”. 

"Khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn" - Ảnh 3.

Những y bác sĩ đang nỗ lực từng ngày để đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: BYT

Ngay khi đặt chân đến điểm nóng tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Công nhanh chóng thích nghi với cường độ công việc cao. Do đặc thù luôn trong tình trạng “trực chiến 24/24h” nên bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân đến là Công bật dậy làm việc. 

“Có những hôm phải vào từng thôn làm công tác truy vết, khám bệnh cho người nghi mắc COVID-19 tại nhà, bọn em quên cả ăn. Đến khi về thì suất cơm trong hộp đã nguội, trời nắng nóng nên rất nhanh hỏng. Bọn em lại uống sữa thay ăn để lấy sức làm việc”, bác sĩ Công chia sẻ.

“Làm việc ở đây rất mệt nhưng em không cảm thấy buồn. Những lúc mệt mỏi, mọi người đều nói với nhau rằng chỉ cần cố thêm một chút nữa, một chút nữa thôi...”, bác sĩ Công nói và cho biết, dù đêm chỉ ngủ được vài tiếng nhưng hôm sau anh vẫn có thể làm việc với 200% sức lực./.


Cao Tuân - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ