• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khát khao đạt giải VinFuture của thần đồng Việt 15 tuổi học Tiến sĩ ở New Zealand

Thời sự 04/07/2022 06:56

(Tổ Quốc) - Sau nhiều năm nỗ lực học tập, nghiên cứu ở New Zealand, hai chị em thần đồng Việt có khát khao được cống hiến cho đất nước và đặc biệt mong muốn đạt giải VinFuture.

Kỳ 1: Cách dạy 2 con hơn 10 tuổi học Đại học - Tiến sĩ ở New Zealand của người mẹ Việt

Kỳ 2: Những ngày ăn cháo trắng và hành trình học Tiến sĩ ở New Zealand của thần đồng 15 tuổi

Hai chị em Ngô Ngọc Châu (Vicky Ngo) SN 2007 và Phạm Vi An (Alisa Pham) SN 2011 đã đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ ở New Zealand. Vicky được đặc cách học lên thẳng tiến sĩ ở tuổi 15. Đây là một điều chưa từng có trong tiền lệ của nền giáo dục New Zealand. Chưa một sinh viên nào được tuyển thẳng từ hệ đại học lên thẳng tiến sĩ mà không phải qua chương trình thạc sĩ.

Alisa là sinh viên nhỏ tuổi nhất học đại học Công nghệ Auckland khi chỉ mới 11 tuổi và cũng là người Việt Nam nhỏ tuổi nhất học đại học, tính đến năm 2022.

Mặc dù trải qua hàng loạt biến cố như mắc Covid-19 ba lần liên tiếp trong thời kỳ đỉnh dịch, thành phố bị phong tỏa gần 10 tháng, cả nhà phải sống bằng cháo trắng, bánh mỳ “quá đát” tại siêu thị hàng tháng trời nhưng 2 thần đồng nhỏ tuổi vẫn đạt được những thành tích đáng nể và luôn khát khao được cống hiến.

Muốn trở thành nhà báo để bảo vệ quyền trẻ em

Trường Hùng: Với việc lựa chọn học song song 2 ngành Truyền thông và Thương hiệu, Alisa mong muốn sau này mình trở thành người như thế nào?

Alisa: Lúc đầu em muốn học ngành Luật để làm Luật sư nhưng trường AUT nói em nhỏ quá không làm Luật sư được. Trong thời gian chờ đợi, em lựa chọn học hai ngành trên, khi nào đủ tuổi em sẽ quay trở lại học.

Lúc sinh sống ở New Zealand có rất nhiều lần mẹ cũng cần Luật sư. Nhưng Luật sư ở bên này tính phí quá cao, lại làm việc không tận tâm, hiệu quả không tốt. Cho nên em muốn học để trở thành một Luật sư tốt, đi giúp những người có hoàn cảnh giống như ba mẹ con.

Người giám hộ: Thực ra, vào cuối năm ngoái, ở TP HCM xảy ra vụ việc bé N.T.V.A (8 tuổi) bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong. Đọc báo biết thông tin này, Alisa đã khóc rất nhiều, vì ngày xưa bé sống gần tòa chung cư này. Con nhất định muốn học Luật để trở thành Luật sư bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị bạo hành về tinh thần ở Việt Nam.

Đầu tiên trường AUT đồng ý cho bé học Luật rồi. Nhưng sau, Phòng Sức khỏe tinh thần của nhà trường họp, thấy trong giáo trình học Luật có nhiều ví dụ liên quan đến giết người. Điều này không phù hợp với Luật Trẻ em tại New Zealand, phải chờ bé lớn hơn mới học được.

Cuối cùng Alisa phải chuyển sang học nguyện vọng hai là Truyền thông, Thương hiệu. Đối với chương trình học các chuyên ngành này, nhà trường cũng phải đổi toàn bộ ví dụ liên quan đến bạo lực trong giáo trình. Với việc học này, Alisa cũng muốn bảo vệ quyền trẻ em thông qua việc trở thành nhà báo, rồi sau đó sẽ quay trở lại trường học Luật sau.

Trường Hùng: Một cô bé 11 tuổi, đến việc đi đường còn bị lạc, vậy việc học đại học thường ngày sẽ diễn ra như thế nào?

Alisa: Việc học của em cũng giống như tất cả các bạn khác. Em cũng bị lạc nhưng em có chị Vicky rồi. Chị cho em một bản đồ trường, dẫn em đi vòng quanh trường một lần. Sau đó em cũng nhớ và tự đi, có lần em dẫn các bạn sinh viên cùng lớp tới thư viện của trường.

Người giám hộ: Alisa thường bị lạc vì trường quá rộng nên AUT phải đặt ra hệ thống hỗ trợ em, tương tự hệ thống họ từng thiết lập cho Vicky.

Trước mỗi buổi học, Alisa phải đến sớm hơn 1 tiếng. Con ngồi ở phòng sinh viên đợi một nữ sinh khóa trên và một bác bảo vệ dẫn lên lớp. Nữ sinh viên này nằm trong nhóm 5 sinh viên khóa trên thay phiên ngồi cạnh bé trong lớp, quan sát xem con có hiểu bài không và làm báo cáo độc lập với trường. Tôi cũng phải đến lớp và tham gia khóa học cùng với con.

Còn bác bảo vệ trên nằm trong nhóm 10 người hộ tống con đến lớp và các hoạt động trong trường. Cùng với đó còn có 3 giáo sư ở phòng sức khỏe tinh thần, có nhiệm vụ đánh giá xem con có thích nghi được với việc học hay không, nếu có biểu hiện căng thẳng hay quá tải, việc học của Alisa buộc phải dừng lại.

Trường Hùng: Ngày đầu tiên học đại học cùng các sinh viên lớn tuổi hơn, Alisa có cảm nhận gì? Mọi người có phản ứng gì đặc biệt hay sốc khi giảng viên thông báo em là tân sinh viên?

Alisa: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên tháng đầu tiên em học online ở nhà. Em cũng hòa nhập bình thường với các bạn, thông tin về em không công khai trong lớp nên thầy cô và bạn bè không biết rằng em nhỏ tuổi.

Ngày đầu tiên em học trên giảng đường được xếp vào nhóm với hai bạn lớn tuổi hơn. Một bạn nghĩ rằng em 18 tuổi nhưng bị còi xương. Bạn còn lại thấy ngờ ngợ nên hỏi: "Bên ngoài bạn xinh quá, không biết bạn có phải là thần đồng 11 tuổi trên báo không?". Em trả lời đúng rồi, thế là các bạn thi nhau chụp ảnh, về khoe với bố mẹ.

Hôm sau lên lớp học, các bạn trong lớp đã biết em hết rồi. Mọi người rất niềm nở, thấy em mặc áo trái, các bạn cũng mặc theo luôn. Nhưng lâu lâu có một vài bạn đến muộn, thấy em nhỏ xíu, các bạn đều nhìn em kỳ kỳ như muốn nói: "Ủa, sao đứa nào nó lạ thế?" (cười).

Trường Hùng: Có ai tỏ thái độ khinh thường hoặc không tin tưởng khi Vicky, Alisa được vào đại học khi còn quá trẻ?

Alisa: Dạ, không. Các bạn rất thân thiện.

Người giám hộ: Không xảy ra tình trạng này đâu anh. Vì từ bậc tiểu học cho tới đại học ở New Zealand đều phổ biến một điều luật cấm phân biệt đối xử theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Nếu giáo viên thiên vị hoặc đưa ra nhận xét khiếm nhã với học sinh thì sẽ bị nghỉ dạy, còn đối với học sinh thì sẽ bị đuổi học.

Thầy cô chấm bài của Alisa theo tiêu chuẩn của trường, chứ không phải vì một sinh viên 11 tuổi thiếu kinh nghiệm mà cho điểm thấp hơn. Cho nên, Alisa không gặp khó khăn vì nổi tiếng hay nhỏ tuổi. Mọi người đối xử với Alisa như với người bình thường.

Đề nghị giáo sư chấm lại bài tập nhóm vì điểm thấp

Trường Hùng: Có khi nào em từng phát hiện lỗi sai và chữa bài giảng cho các giáo sư, giảng viên trong trường?

Alisa: Có một lần, anh ạ. Em nhớ trong môn học đầu tiên "Lời thoại và hình ảnh". Bài tập lớn môn này chiếm 40% số điểm, yêu cầu nhóm của em thiết kế một bìa tạp chí dành cho đối tượng trẻ con từ 0 đến 4 tuổi, dựa trên chủ đề làm vườn và giới tính.

Đây là một bài tập rất khó, vì trẻ từ 0 đến 4 tuổi đâu có biết chữ, đâu biết phân biệt giới tính (nam, nữ, đồng tính, song tính, chuyển giới), lại còn lồng ghép việc làm vườn. Bìa do em tự thiết kế, có 4 bạn (2 nam, 2 nữ) đang thực hiện việc trồng cây với dòng chữ "Làm vườn là sở thích cho tất cả mọi người".

Bài của nhóm em không được điểm cao nhất, giáo sư cho biết do thiếu mã vạch để chứng minh đây là một ấn phẩm báo chí, hoặc đây là một ấn phẩm chưa hoàn thiện. Tuy nhiên do đã quan sát kỹ từ trước đó, em thấy rằng hầu hết bìa tạp chí cho trẻ con từ 0 đến 4 tuổi không có mã vạch như người lớn nghĩ.

Em đã phản biện lại điều này với giáo sư, yêu cầu các bạn trong nhóm viết đơn lên trường đề nghị chấm bài lại. Hiện nay giáo sư đã đưa vấn này lên hội đồng nhà trường để xem xét đề nghị của em một cách nghiêm túc.

Vicky: Em có phần khác với Alisa, điểm số của em hầu hết được A, A , nên không phải đấu tranh gì. Nhưng khi còn là sinh viên đại học, em có tham gia trợ giảng và cùng làm đề án nghiên cứu khoa học cùng giáo sư. Việc làm đề án này thông thường phải có trình độ tiến sĩ mới được làm.

Trường Hùng: Đời sống của hai "thần đồng" cùng chung một nhà có khác gì với những bạn cùng lứa tuổi hay không?

Người giám hộ: Nhà có hai thần đồng nên số lượng công việc phải chia sẻ rất công bằng. Vicky rửa chén thì Alisa lau bát. Vicky vệ sinh bồn rửa mặt thì Alisa vệ sinh bồn cầu. Nhìn chung các công việc trong nhà, hai chị em tự thống nhất và mặc cả với nhau.

Vicky: Hai chị em ở với nhau cũng giống như bao chị em khác, đôi khi cũng cãi nhau, cũng đùa với nhau. Chẳng hạn, lâu lâu bận em nói Alisa làm dùm đi, Alisa đáp lại cũng bận và hối thúc em làm đi (cười).

Trường Hùng: "Thần đồng", "thông minh nhất thế giới", "hai chị em siêu nhân"… Vicky, Alisa có thích mọi người gọi như vậy?

Người giám hộ: Ở nhà tôi gọi Alisa là hột mít. Còn Alisa tự nhận mình là cái trống, vì bụng con rất phệ. Mỗi lần mẹ vui đều vén bụng Alisa lên đánh bùm bùm (cười). Alisa nói, mẹ có vui không vì nhà mình có một cái trống, còn biết nói nữa (cười).

Alisa không nghĩ đến những danh xưng trên đâu, vì chẳng có thần đồng nào mặc áo ngược đi học cả.

Vicky: Em cũng không nghĩ em là thần đồng đâu. Ngoài việc học ra, em cũng không phải là siêu nhân hay những người phi thường mà mọi người nghĩ. Em cũng có nhiều khiếm khuyết lắm như hậu đậu, có hôm tự dưng em làm bể chén. Hoặc em cũng hay quên, vừa mới tắm xong, tới chiều mẹ hỏi, nghĩ mình chưa, lại đi tắm lại.

Khát khao đạt giải VinFuture của thần đồng Việt 15 tuổi học Tiến sĩ ở New Zealand - Ảnh 1.

Trường Hùng: Là những "thần đồng", nằm trong 2% người thông minh nhất thế giới, Vicky, Alisa có nghĩ mình là người khác biệt với thế giới bên ngoài và có bao giờ cảm thấy sợ và phiền toái khi mình quá giỏi"?

Alisa: Em cũng không thấy sợ hay một cảm giác lo lắng gì cả. Ngoài việc học, em cũng có nhiều điều giống như các bạn cùng lứa tuổi, có nhiều vấn đề quan tâm khác như vẽ tranh và tham gia các hoạt động xã hội.

Vicky: Em cũng không nghĩ mình khác biệt lắm, ngoài việc có thể học cao hơn ở một cái tuổi nhỏ hơn. Hay nếu như bị áp lực từ công chúng, cái gì mình cũng phải biết thì em sẽ ngại hỏi han người khác và như vậy bản thân sẽ không học thêm được những điều mới mẻ. Cho nên em không để áp lực đó ảnh hưởng nhiều đến bản thân, gây trở ngại trong việc học.

Người giám hộ: Việc trở thành thần đồng và thuộc nhóm 2% những người thông minh nhất thế giới đối với Vicky, Alisa rất bình thường. Ví như Alisa cứ hứng lên là rất thích vẽ, nếu không có giấy con sẽ vẽ hết ra chân tay, giống như bị xăm hình. Đi học con thường khoe với các bạn: "Hôm nay tôi vẽ mấy cái này này!" (cười).

Về mục tiêu sống, cả hai con đều đang bận tạo ra những giá trị cho bản thân và chia sẻ giá trị này cho cộng đồng thông qua việc tham gia những hoạt động thiện nguyện. Các con không có nhiều thời gian để tâm tới những việc khác, hay để tâm tới việc mình có nổi tiếng hay không.

17 tuổi sẽ học xong Tiến sĩ, sợ không ai dám nhận làm việc khi về nước

Trường Hùng: Hai em có bao giờ nghĩ rằng, với sức học ‘phi thường’ của mình, sau này sẽ trở thành quan chức cấp cao hoặc một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, là niềm tự hào cho Tổ quốc?

Vicky: Có chứ anh. Em nghĩ, thực ra nếu mình đã muốn cống hiến thì ở đâu và vị trí nào cũng được. Nhưng nếu mình có thể làm ở một vị trí cao hơn, sức ảnh hưởng tạo ra cũng sẽ lớn hơn.

Điều này có ý nghĩa hơn, thay vì chỉ đi làm cho thật nhiều tiền, hoặc làm từ thiện vào cuối tuần như em hiện giờ chẳng hạn. Nhưng trước khi nghĩ đến làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, em bao giờ cũng muốn được đóng góp cho đất nước mình trước.

Cụ thể hơn, hiện giờ em đang theo học về ngành bảo mật công nghệ thông tin. Em thấy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng cốt lõi là công nghệ thông tin, hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng bắt kịp xu thế khi triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, tuy nhiên cùng với đó là những nguy cơ rủi ro về bảo mật của hệ thống thông tin trên phạm vi quốc gia. Vì lẽ đó, khi làm luận án tiến sĩ ở lĩnh vực này, em mong rằng về sau sẽ được tham gia vào các đề án của Chính phủ về khoa học dữ liệu để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong trường hợp chưa có duyên được cống hiến tại đây, em mong muốn tham gia vào các dự án phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Tập đoàn Vingroup. Ngay từ khi còn nhỏ, em đã biết đến hành trình lập nghiệp phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên đất nước Ukraine, và sau đó ông cũng đã về Việt Nam cống hiến, mang thương hiệu của người Việt Nam hiên ngang ra thế giới như ô tô VinFast. Và em đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ câu chuyện của ông, trong việc định danh người Việt tại nước ngoài.

Khát khao đạt giải VinFuture của thần đồng Việt 15 tuổi học Tiến sĩ ở New Zealand - Ảnh 2.

Mới đây, ba mẹ con em có theo dõi Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất (20/1/2022), một giải thưởng tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin. Em đã rất xúc động và tự hào, mong muốn rằng sau này mình sẽ là chủ nhân của giải thưởng danh giá đó.

Người giám hộ: Hôm đó, Vicky xem xong, con có nói với tôi, con nghĩ rằng học thêm mấy năm nữa cũng giỏi như những nhà khoa học đó. "Con sẽ trong hàng ngũ những người giỏi nhất, nhưng người ta có thuê con không, khi con không đủ 18 tuổi hả mẹ?", Vicky nói.

Vì nếu theo lộ trình như hiện tại, Vicky làm xong đề án tiến sĩ lúc đó cũng 17 tuổi rồi. Hai năm nữa thôi, câu hỏi đặt ra là, nếu Vicky muốn về Việt Nam cống hiến đơn vị nào sẽ nhận, ai sẽ thuê con làm, trong khi con chưa đủ độ tuổi lao động căn bản. Vướng mắc này cũng tương tự như ở New Zealand, đã có nhiều tập đoàn mời bé làm việc nhưng hành lang pháp lý không cho phép.

Để con không quá thất vọng, tôi có động viên con, "Việc của con là tỏa sáng, việc của mẹ làm tìm hành lang cho con tỏa sáng". Luôn luôn như thế, gia đình tôi phân vai rất rõ ràng, việc của các con là tỏa sáng, việc của mẹ là đấu tranh với cả thế giới. Còn nói về mong muốn lớn nhất của mẹ con tôi hiện giờ là muốn được về Việt Nam cống hiến một cách "danh chính ngôn thuận".

Alisa: Em có thể vể Việt Nam cống hiến, nhưng tốt hơn, em muốn được cống hiến cho quê hương từ trong các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Cụ thể tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.

Người giám hộ: Tôi nghĩ ước mơ đó của Alisa là có cơ sở. Vì vào năm 7 tuổi, năm đầu tiên sang New Zealand học tập, Alisa và chị gái phải di chuyển bằng xe bus đi học. Nhà cách trường 20km cả đi lẫn về, tổng thời gian di chuyển và đợi xe bus là gần 2 tiếng.

Vạch kẻ đường cho người đi bộ tại điểm xe bus đó bị mờ khiến Alisa khó khăn trong việc di chuyển sang đường. Con nói với tôi tình trạng này lại gây nguy hiểm cho người đi bộ, đặc biệt là trẻ em. "Vậy ai là người chịu trách nhiệm cho điều này hả mẹ?", Alisa hỏi.

Khi đó tôi cũng không để ý nên chỉ trả lời con là Bộ trưởng Bộ Giao thông New Zealand. Ai ngờ, sau khi về nhà con viết thư tay đề nghị vị Bộ trưởng sơn lại vạch kẻ đường vì thực trạng này quá nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, trong quá trình ngồi xe bus hơn 1 tiếng đồng hồ, con thấy kính xe màu đen sì, trẻ con không ngắm cảnh được, thế nên con cũng kiến nghị thay kính trắng cho xe bus.

Điều này có vẻ rất vô lý ở Việt Nam, thường các ba mẹ sẽ la mắng con, suy nghĩ hoang đường. Nhưng tôi không nghĩ thế, triết gia OSHO đã nói, trẻ con là thánh nhân, và người lớn cần phải học hỏi rất nhiều ở trẻ. Tôi đã khuyến khích Alisa viết và dắt tay con gửi bức thư đó tới Bộ trưởng.

Chẳng thể ngờ được rằng, 3 tháng sau, gia đình nhận được bức thư trả lời ông Phil Twyford, Bộ trưởng Bộ Giao thông New Zealand. Ông Twyford ghi nhận sự đóng góp của Alisa, nhưng phần việc này thuộc phụ trách của lãnh đạo ngành giao thông vận tải nơi bé đang sinh sống, TP Auckland. Sau đó ông có chỉ đạo và chuyển bức thư này tới vị phụ trách trên, ít ngày sau vạch kẻ đường đã được sơn lại và phần kính đen bên hông một số tuyến xe bus đã đổi sang kính trắng.

Khả năng giao tiếp xã hội của Alisa còn được chứng minh ở một câu chuyện khác, khi vừa mới đây một chương trình truyền hình nổi tiếng ở New Zealand đã phát sóng trực tiếp để phỏng vấn Alisa. Điều này rất khó khi thực hiện với một đứa trẻ 11 tuổi, thông thường nếu thực hiện nhà đài sẽ ghi hình offline. Nhưng vì kỹ năng giao tiếp và khả năng nói tiếng Anh của Alisa rất tốt nên nhà đài đã quyết định thực hiện để thu hút lượng người xem trực tuyến.

Sau tôi tìm hiểu được biết đây là một chương trình truyền hình rất nổi tiếng ở New Zealand, chuyên phỏng vấn Thủ tướng, Bộ trưởng. Và từ đầu năm cho đến nay, chỉ có hai người được phỏng vấn, người trước đó là Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Giúp được 6 bạn nhỏ học vượt cấp vào đại học

Trường Hùng: Bên cạnh lịch học dày đặc như vậy, điều gì thôi thúc các em tham gia sáng lập Ngôi nhà trí tuệ New Zealand cũng như việc trao tặng sách, tổ chức các lớp học Toán, tiếng Anh, phương pháp miễn phí cho các bạn học sinh khó khăn?

Alisa: Từ lúc 7 tuổi, em may mắn được sang New Zealand xem chim cánh cụt và học tập. Trong khi tại Việt Nam có nhiều bạn, anh chị cũng không có được cơ hội giống như em. Vì vậy thông qua việc dạy tiếng Anh, chia sẻ phương pháp học, em muốn giúp đỡ mọi người có một hoàn cảnh tốt hơn.

Khát khao đạt giải VinFuture của thần đồng Việt 15 tuổi học Tiến sĩ ở New Zealand - Ảnh 3.

Vicky: Nếu mình học thật giỏi thì chỉ tốt một phần cho mình thôi. Điều quan trọng nhất ở đây, theo em nghĩ là phải dùng những kiến thức mình được học để chia sẻ cho những người, cộng đồng xung quanh.

Em có biết một chút Toán, những môn học cấp 3 (Lý, Hóa), một chút kinh nghiệm học sớm và có thể chia sẻ với các bạn trong mảng kiến thức đó. Đó cũng là một phần lý do mà cả em và Alisa đều tham hoạt động thiện nguyện ở Ngôi nhà trí tuệ New Zealand và Tủ sách nhân ái.

Đồng hành cùng với các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, mỗi năm em và Alisa đều tổ chức trao những suất học bổng "Vươn xa". Suất học bổng không thiên về giá trị hiện vật, mà cung cấp cho các phương pháp, kỹ năng học tập để tối ưu, hiệu quả, tránh mất thời gian và lãng phí tiền bạc.

Mỗi đợt chúng em sẽ trao 10 suất học bổng, thời gian học tập liên tục trong 2 tháng. Trong số các buổi học, em nhớ một lần chia sẻ với bạn học sinh cấp 3 ở Thanh Hóa, Nghệ An. Nhưng do bị cắt điện đột ngột, lớp 20 bạn chỉ có 10 bạn tham gia được, càng về sau điện thoại các bạn hết 3G và hết pin, sau cùng chỉ có một bạn trụ lại.

Nhưng dẫu hoàn cảnh như vậy, vì có nhiều bạn phải phụ giúp bố mẹ làm đồng hoặc buôn bán, các bạn vẫn ham học, cố gắng trụ lại đến "giây phút cuối cùng" để học thêm một điều mới mẻ. Điều này khiến em rất xúc động, đó là tinh thần hiếu học của dân tộc mình và càng thôi thúc em phải cố gắng học tập tốt để không khỏi hổ thẹn là người Việt Nam.

Người giám hộ: Lúc đó ở New Zealand đang là 2 giờ sáng, Vicky và Alisa dạy các bạn tới 4 giờ sáng. Thêm việc chấm bài cho các bạn, nên thường vào thứ 7 và chủ Nhật, hai bé sẽ thức từ 9 giờ tối cho tới 7 giờ sáng ngày hôm sau, liên tục gần 10 tiếng đồng hồ.

Tôi vẫn thường chia sẻ với các con, không có một lý do biện hộ nào nếu con muốn cống hiến cho xã hội. Nếu thực lòng, con sẽ cống hiến trong mọi hoàn cảnh và trong mọi khả năng mà mình có. Và dù có lúc ba mẹ con đã từng bị đói ăn nhưng chưa bao giờ dừng lại việc chia sẻ cả.

Thời điểm đó, Vicky, Alisa vẫn chưa nổi tiếng và được ngợi ca là thần đồng, các con vẫn lặng lẽ "để gió cuốn đi, để gió cuốn đi" những kiến thức, tấm lòng của mình đến với các bạn. Cho nên tôi nghĩ, việc các con trở thành thần đồng hay không cũng không quan trọng, mà quan trọng là đã tạo ra những giá trị gì và mang đến những giá trị gì cho mọi người, thúc đẩy cuộc sống ngày một tốt đẹp lên.

Học sinh của Vicky, Alisa gồm cả người New Zealand, người Trung Quốc và người Việt Nam tại New Zealand. Kể từ năm 2018 đến giờ, Vicky, Alisa đã giúp được 6 bạn nhỏ học vượt cấp vào đại học.

Trước đây, khi viết CV vào đại học, Vicky có viết rằng: "Cố gắng hỗ trợ, hướng dẫn cho 34 bạn nhỏ cũng học vượt vào đại học sớm như Vicky". Sau đó bản CV bị rò rỉ trên mạng và bị một số người Việt Nam ném đá dữ dội: "Con bé này chắc ăn uống chưa no, có gì mà giúp đỡ được ai, hay nó chỉ viết lên để chém gió".

Nhưng thời gian qua đã chứng minh rằng những điều Vicky làm là có sơ sở, con đã vượt qua những lời ác ý đó để đưa tri thức đến gần hơn với những bạn nhỏ ham học. Khi chia sẻ đến điều này, mới thấy rằng lời động viên của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đối với Vicky vào thời điểm đó có sức mạnh to lớn biết nhường nào – "bước đi với tấm lòng từ bi".

Đôi khi tôi nghĩ, cùng trong một hoàn cảnh, cùng trong một lời nói, cũng có thể khơi dậy và dập tắt cả những ước mơ tốt đẹp ấy. Và may mắn, gia đình tôi trong những phút giây ấy có còn sự đồng hành, động viên của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Và để hiện thực hóa những điều tốt đẹp vào cuộc đời này, tới đây, trong chuyến về nước thăm gia đình, Vicky, Alise sẽ có buổi giao lưu với một vài trường đại học, hơn 10 trường cấp 3, trong đó có cả hệ giáo dục thường xuyên (bổ túc). Tại mỗi buổi gặp mặt, hai chị em sẽ tặng 10 suất học bổng "Vươn xa" cho các học sinh, sinh viên của trường, với mong muốn lan tỏa tinh thần hiếu học.

Tất cả các mục tiêu phải dựa trên tình yêu thương vô điều kiện

Trường Hùng: Để Vicky, Alisa trở thành những thần đồng và biết mang lại những giá trị đến với mọi người, có một công lao rất lớn của chị. Chị muốn chia sẻ điều gì với những phụ huynh có con nhỏ?

Người giám hộ: Tôi nghĩ, trước tất cả những kỳ vọng về con cái, việc cần làm đầu tiên của mỗi phụ huynh là học cách làm cha mẹ. Điều tôi nói không có gì khó hiểu đâu, một học giả rất nổi tiếng ở Việt Nam – Nguyễn Hiến Lê đã có bộ sách gồm 8 cuốn về vấn đề này. Cái sự học này không mang tính thời điểm đâu mà nó là suốt cả đời, trong cùng sự trưởng thành của con cái.

Và hơn hết, tôi muốn nói, tất cả mục tiêu phải dựa trên tình yêu thương, một tình yêu thương vô điều kiện. Yêu thương chỉ đơn giản là yêu thương, chứ không phải con ngoan ngoãn, trở thành thần đồng nổi tiếng mới được yêu thương. Khi có tình yêu thương đó, bậc làm cha mẹ mới sinh ra được phương giáo dục đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh ở trẻ nhỏ.

Khát khao đạt giải VinFuture của thần đồng Việt 15 tuổi học Tiến sĩ ở New Zealand - Ảnh 4.

Tôi chỉ muốn chia sẻ thêm một điều rằng, nếu cách đây 9 năm, tại Tà Nung (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) khi tôi gặp gỡ và quyết định nhận Vicky làm con nuôi. Khi đó Vicky người gầy gò, da ngăm đen, con cũng không có gì nổi bật, nếu chẳng may có biến cố, tôi vẫn sẽ yêu thương con và chăm sóc con suốt đời.

Trong Đạo Phật, có một nhân vật tôi rất kính ngưỡng, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Ngài là biểu tượng của đối thoại và hòa giải. Ngài đã có một câu nói: "Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương".

Phải chăng đó cũng chính là tinh thần, nguồn năng lượng từ bi mà ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã mang đến với mẹ con chúng tôi.

Và để cho những điều tốt đẹp đó được tiếp nối và cuốn đi như những lời hát Trịnh Công Sơn – "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", tôi muốn gửi tới một thông điệp nhỏ bé tới mọi người ngoài kia, mọi người hãy dang rộng cánh tay để nhận con nuôi nhiều hơn. Đại dịch Covid-19 như một cơn bão lớn, bất ngờ quét qua khiến cho hơn 2.500 trẻ em tại Việt Nam lâm vào cảnh mồ côi, trong đó có nhiều bé mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thật là đau đớn biết bao nhiêu, các con cũng cùng độ tuổi với Alisa và Vicky… Xin đừng để những tư duy cũ về việc phân biệt con nuôi hay con đẻ tồn tại – con nuôi sẽ không hiếu thuận, mình nuôi nó có chắc được cái gì hay không. Việc tính toán khi nhận nuôi một con người, một sinh linh là sai lầm, bởi vì quan trọng hơn huyết thống đó chính là tình yêu thương vô điều kiện.

Nếu bạn yêu thương đủ thì đứa bé ấy sẽ nở hoa và kết trái thôi. Cho nên tôi muốn cổ vũ những ông bố bà mẹ ngoài kia nếu muốn nhận con nuôi thì hãy nhận. Nếu có khó khăn gì, tôi sẵn sàng chia sẻ với họ cách làm bố làm mẹ để có thể yêu thương được vô điều kiện. Hãy đừng vì những sợ hãi, định kiến mà dừng lại những việc tốt đẹp, đặc biệt là nuôi và dạy một con người.

Trường Hùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ