(Tổ Quốc) - Thiếu kịch bản phim, thiếu kinh phí khiến hơn 2 năm qua, không có bộ phim nào do nhà nước đặt hàng được sản xuất. Con đường vay mượn kịch bản nước ngoài để làm phim liệu được bao lâu?
Khát kịch bản
Trong hai năm qua, không có bộ phim nào do Nhà nước đặt hàng được sản xuất. Ngoài vấn đề kinh phí thì hiện nay, vấn đề kịch bản đang là lo lắng hàng đầu của Cục Điện ảnh. Bởi theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, hiện kinh phí làm phim năm 2015-2016 đã được phê duyệt, nhưng những kịch bản hay, xứng đáng để Nhà nước đặt hàng thì lại chưa có.
Nhiều bộ phim được remake được khán giả đón nhận |
TS Ngô Phương Lan cho biết: “Tác phẩm điện ảnh sẽ là đối tượng đặt hàng chứ không phải là hãng phim. Như bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, kinh phí nhà nước nhưng đặt hàng với hãng tư nhân. Vì vậy, để có kinh phí nhà nước cho các bộ phim, cơ hội đồng đều cho các hãng cả tư nhân và nhà nước (cổ phần hóa). Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong quản lý sáng tác, chúng tôi thấy buồn. Các dự án, kịch bản gửi đến Cục, chất lượng không cao. Số lượng gửi đến cũng rất ít”.
Bà Ngô Phương Lan cũng cho biết, trong 6 tháng năm 2017, Cục Điện ảnh đã gửi hai đợt thư kêu gọi các hãng gửi kịch bản nhưng vẫn không nhiều kịch bản được gửi đến, “số lượng không quá được một bàn tay”- bà Ngô Phương Lan cho hay.
Ông Đỗ Duy Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng chia sẻ: Hiện nay, duyệt phim chỉ căn cứ theo chất lượng phim không căn cứ trên chỉ tiêu hàng năm nữa. Các hãng phim tư nhân gửi nhiều phim nhưng chất lượng chưa cao. Các hãng nhà nước thì không có phim nào”. Ông Duy Anh cũng chia sẻ, trong bối cảnh đã cổ phần hóa xong các hãng phim, không còn khái niệm hãng phim nhà nước, tư nhân, chỉ còn khái niệm phim do nhà nước đặt hàng và phim tư nhân tự sản xuất. Vì vậy, không có kịch bản hay thì có ngân sách nhà nước cũng không có được phim.
Cơn khát kịch bản của điện ảnh Việt cũng được bà Lý Phương Dung, Trưởng phòng nghệ thuật (Cục Điện ảnh) chia sẻ: “Cục Điện ảnh hàng năm gửi thư đến các hãng mời gửi kịch bản để duyệt nhưng không nhận được”.
Ông Đỗ Duy Anh cũng cho biết, kể từ sau “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đã 2 năm nay, Nhà nước tạm dừng việc đặt hàng làm phim vì chưa tìm được kịch bản hay, đủ tiêu chuẩn.
Vay mượn kịch bản liệu có dài hơi?
Trong cơn khát kịch bản của điện ảnh Việt, nhiều hãng phim chọn hướng đi “an toàn”, chuyển thể các phim đã ăn khách ở nước ngoài thành phim Việt.
Khi nào khán giả vẫn còn hào hứng với những bộ phim remake thì sẽ vẫn còn dòng phim này |
Có thể kể đến hàng loạt bộ phim điện ảnh ra mắt trong thời gian gần đây như Tèo Em (Due Date), Không nói được (Vị thần tình yêu), Em là bà nội của anh (Miss Granny- Ngoại già tuổi đôi mươi); Sắc đẹp ngàn cân (200 Pounds Beauty)… Và chắc chắn, danh sách này sẽ còn nối dài trong cơn khát kịch bản hiện nay.
Không thể phủ nhận, nhiều bộ phim được làm lại từ kịch bản nước ngoài vẫn có sức hút khán giả tới rạp. Và chính điều này khiến cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX “linh hoạt” cho thể loại phim này tham dự giải. Chỉ duy có giải thưởng cho Phim hay nhất và giải Kịch bản phim hay nhất sẽ không được trao cho thể loại này.
Theo bà Ngô Phương Lan, chọn kịch bản phim nước ngoài thành công rồi remake (làm lại) thành phim Việt không phải là cách mà Cục Điện ảnh khuyến khích, tuy nhiên, những yếu tố như thắng lợi về doanh thu, khán giả, khiến các đạo diễn, các nhà làm phim vẫn hào hứng làm phim remake. Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng: “Về lâu dài thì đây không phải là con đường dễ đi. Tôi không muốn năm nào cũng nhiều thể loại phim này. Tiêu chí của LHP cũng rất rõ, chỉ những phim để lại dấu ấn sáng tạo mới khuyến khích, giải cao quý của LHP cũng không dành cho phim làm lại”.
Bà Lan cũng chia sẻ: “Hiện nay, Điện ảnh nói chung đang thiếu đội ngũ biên kịch. Một mặt là bởi sự phát triển nhiều về số lượng các bộ phim được sản xuất mỗi năm. Trước đây chỉ làm 10-20 phim mỗi năm, nay con số này lên đến 40-50 phim. Đội ngũ biên kịch chưa đủ bao sân được của mình. Và quan trọng là chạy theo nhu cầu khán giả cũng không kịp”.
Bà Lan cho rằng, đội ngũ biên kịch phải có sự đào sâu, có được trình độ phát triển đến một mức nào rồi mới phục vụ được nhu cầu của khán giả. Chưa kể, điện ảnh Việt còn muốn định hướng thẩm mỹ nữa. Vì vậy, tạm thời phải chấp nhận cách làm như vậy.
Thực tế, việc làm lại phim không phải cá biệt, với nhiều nước, cách làm này cũng khá phổ biến. Nhưng họ nhìn vào tính sáng tạo của sản phẩm điện ảnh cuối cùng và đáp ứng được nhu cầu của nước bản địa đến đâu thì bộ phim thành công đến đó, còn nếu làm lại, mua kịch bản mà lạc lõng bộ phim cũng chẳng có giá trị gì. Vì vậy, cho đến khi khán giả còn đón nhận cách làm phim remake, thì lúc đó, sẽ vẫn còn các nhà làm phim chọn con đường này./.