(Tổ Quốc)- Vượt qua giai đoạn sụt giảm lượng khách liên tiếp từ năm 2014 đến năm 2015, du lịch Việt Nam trong năm 2016 đã ghi dấu ấn vào lịch sử phát triển ngành với việc đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 400 nghìn tỷ đồng.
Nhân dịp khép lại năm 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc xung quanh thành tích ấn tượng của ngành du lịch trong năm qua và những định hướng trong năm 2017.
- Số lượng 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 được đánh giá là “kỳ tích” từ trước tới nay. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của sự tăng trưởng ấn tượng nêu trên?
Chúng ta có tăng trưởng tốt nhưng đây là sự tăng trưởng sau 2 năm sụt giảm, năm 2014 và năm 2015 do những tác động lớn. Giai đoạn sụt giảm lượng khách từ đầu năm 2014 đến giữa năm 2015 là thời gian khó khăn chưa từng có tiền lệ đối với ngành Du lịch, đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ về dự báo và ứng phó với tình hình, về cơ chế chính sách tạo điều kiện cho du lịch, về nâng cao năng lực cạnh tranh, về phát huy vai trò của doanh nghiệp... Trong bối cảnh khó khăn đó, có thể nói du lịch Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn (Ảnh: Vũ Hải Nam) |
Năm 2016, mặc dù ngành du lịch chịu tác động từ sự cố môi trường biển, song lại có thuận lợi rất lớn khi nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp ngành. Định hướng xây dựng Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã trở thành định hướng mang tính chất chiến lược của ngành du lịch. Sự vào cuộc của các cấp, ngành mang tính chất quyết định để đảm bảo cho du lịch phát triển đồng bộ.
Trong năm 2016, Tổng cục Du lịch đã nỗ lực hết sức cùng các đơn vị doanh nghiệp, lữ hành, các địa phương phối hợp thực hiện chương trình xúc tiến quảng bá du lịch ở nhiều thị trường khách quốc tế trọng điểm. Tổng cục Du lịch cũng hỗ trợ các tỉnh miền Trung khôi phục du lịch sau sự cố môi trường biển; mạnh tay tiến hành các biện pháp thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam, nhất là trong các cơ sở lưu trú nhằm dẹp tình trạng “loạn sao”...
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chỉ tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai chiến dịch e-marketing nhằm nâng cao chất lượng truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam cũng được triển khai mạnh mẽ. Có thể nói năm qua là một năm nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch Việt.
- Trong năm qua, một trong những vấn đề vốn được xem là điểm yếu của du lịch Việt Nam là công tác xúc tiến quảng bá đã có nhiều cải thiện đáng kể cả về cách thức và chất lượng. Vậy trong năm 2017, công tác này sẽ tiếp tục đổi mới không thưa ông?
Để các sản phẩm du lịch được các thị trường đón nhận, năm 2017, công tác xúc tiến quảng bá du lịch sẽ được tăng cường mạnh mẽ và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ngoài các phương thức truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn FAM/Press, tổ chức phát động thị trường tại nước ngoài, việc ứng dụng marketing điện tử được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến quảng bá ngày càng chặt chẽ.
Có thể nói năm qua là một năm nỗ lực vượt khó của ngành Du lịch Việt. (Ảnh: Nam Nguyễn) |
Năm 2017, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính tăng kinh phí từ nguồn dự phòng và các nguồn khác cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Thứ 2, chúng tôi sẽ đổi mới và tận dụng sự phối hợp hỗ trợ của những đơn vị có liên quan được hưởng lợi như cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương, Hiệp hội du lịch… , đó là những đối tác cần tăng cường để đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến quảng bá. Thứ 3, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở nước ngoài được hưởng lợi từ hoạt động hợp tác du lịch với Việt Nam, chẳng hạn như Trung Quốc.
Trong năm 2016, Tổng cục Du lịch đã triển khai 5 chương trình xúc tiến quảng bá ở 16 địa phương của Trung Quốc, nhưng chỉ phải bỏ ra khoảng 2,5 tỷ cho chi phí tổ chức để tổ chức đoàn đi, còn toàn bộ các dịch vụ, hoạt động ở Trung Quốc do các doanh nghiệp, tổ chức được hưởng lợi bỏ tiền, chi phí tốn gấp đôi so với chi phí mà ngành du lịch Việt Nam phải bỏ ra, ít nhất tốn khoảng 5 tỷ đồng. Việc xã hội hóa theo hình thức như vậy sẽ tiết kiệm cho ngân sách và hiệu quả hơn nhiều.
Kế thừa thành quả đó, thời gian tới công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành bài bản và có trọng điểm hơn. Theo đó, mỗi thị trường mục tiêu, chúng tôi sẽ xác định gắn với từng thông điệp cụ thể.
-Có thể nói, một trong những dấu ấn quan trọng của du lịch trong năm qua là Chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt đã được triển khai hiệu quả và có sức lan tỏa lớn. Vậy xin ông cho biết, chiến dịch này có được tiếp tục triển khai trong năm 2017?
Chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua việc duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ trong hệ thống khách sạn và cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và do đích thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo trực tiếp. Tổng cục Du lịch đã triển khai rà soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ lưu trú trên các tỉnh thành là địa bàn trọng điểm của du lịch, tập trung trước hết là các phân khúc khách sạn từ 3 đến 5 sao.
Đến thời điểm này, có thể nói Chiến dịch đã thu được kết quả tốt, tạo ra được chuyển biến trong nhận thức của chính hệ thống khách sạn, cộng đồng doanh nghiệp, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của khách du lịch, truyền thông báo chí và của xã hội. Tổng cục Du lịch đã nhắc nhở khoảng 80 khách sạn, thu hồi quyết định công nhận hạng sao của 36 khách sạn từ 3-5 sao. Đặc biệt, tại một số địa phương, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã triển khai rất quyết liệt, mạnh tay, trong đó Hà Nội và Quảng Ninh là hai địa phương có nhiều khách sạn bị thu hồi công nhận hạng sao nhất.
Chúng tôi cho rằng đây là một trong những đột phá được thực hiện rất nghiêm túc, tạo được tiếng vang và có sức lan tỏa lớn. Đến thời điểm này, Chiến dịch cơ bản đã kết thúc giai đoạn đầu. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục duy trì triển khai chiến dịch này trong những năm tiếp theo.
- Được biết, năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần hai triệu so với năm 2015 nhưng trong mục tiêu đưa ra năm 2017, ngành Du lịch chỉ đưa ra con số tăng trưởng so với năm 2016 là 1,5 triệu lượt khách. Mục tiêu này có vẻ “khiêm tốn” so với kết quả mà ngành du lịch đã đạt được trong năm 2016. Ông giải thích như thế nào về vấn đề này?
Sở dĩ, Tổng cục Du lịch đưa ra mức độ tăng trưởng khiêm tốn nêu trên là để có điểm lùi do nhiều yếu tố khách quan trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới có những biến động không ngừng. Song, đưa ra con số phấn đấu đón 11,5 triệu khách quốc tế không phải là mục tiêu “cứng”, ngành Du lịch sẽ nỗ lực hết sức để vượt xa mục tiêu ban đầu. Cũng giống như năm 2016, mục tiêu ban đầu của Tổng cục Du lịch chỉ là 8 triệu lượt khách nhưng chúng ta đã đón được 10 triệu khách.
Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi chủ trương xây dựng mục tiêu khiêm tốn, nhưng trên thực tế chúng tôi sẽ phấn đấu cao hơn. Chúng tôi tính toán từng thị trường và nếu tình hình ổn định, không có sự cố bất ngờ thì rất có thể ngành du lịch vẫn đạt 2 triệu khách, tăng 20% so với 2016.
- Xin cảm ơn ông!
Lâm Minh