Khi bão số 4 vào đất liền, khả năng gió mạnh tương đương bão Xangsane
(Tổ Quốc) - Bão số 4 (bão Noru) được đánh giá là cơn bão nguy hiểm. Khi vào đất liền, khả năng bão số 4 có sức gió tương tự bão Xangsane năm 2006.
Bão Noru được dự báo mạnh tương tự như bão Xangsane
Bão Noru hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 22-9, tiếp tục mạnh lên thành bão vào 23-9. Đây là cơn bão khá dị thường khi di chuyển thần tốc, tăng cấp rất nhanh, cường độ thời điểm mạnh nhất xấp xỉ một siêu bão.
Trên Biển Đông, Noru được dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tương đương cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana năm 2009 và bão Molave năm 2020.
Theo VTV, bão Noru được nhận định tương đồng với bão Xangsane, cơn bão đã từng tàn phá miền Trung nặng nề cả về người và của vào năm 2006. Với Xangsane, lần đầu tiên trong lịch sử ngành Dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam khi đó đã phải mở rộng thang đo gió, từ cấp 13 trở lên.
Sau khi vượt qua Philippines, 2 cơn bão này đều chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khá nhanh, trung bình khoảng 20km mỗi giờ. Cường độ dự kiến khi bão Noru đổ bộ vào Trung Trung Bộ là cấp 12 - 13, tức là cũng gần tương đương với Xangsane khi tâm của nó đi vào Đà Nẵng.
Bão Xangsane là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong từ năm 1986 đến 2006. Bão khiến 76 người thiệt mạng và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.
Tổng thiệt hại do cơn bão Xangsane gây ra tại các địa phương hơn 10.000 tỷ đồng. Nặng nhất là Đà Nẵng. Kế đến là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
Đối với bão số 4, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ) đối với TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi. Đây cũng là 4 địa phương được dự báo tâm bão đi qua.
Dự báo khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, khi ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14.
Trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) từ trưa 27-9, có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17.
Từ tối và đêm 27-9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Trên đất liền, từ gần sáng 28-9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.
Ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm 28-9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15.
Khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28-9 có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Phân tích về cơn bão số 4, ông Trần Hồng Thái - tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết bão số 4 rất mạnh, tâm bão sắc nét, khí áp thấp, cấu trúc bão đồng nhất từ mặt đất lên cao tới 15km.
"Nhiệt độ bề mặt nước biển dọc theo đường đi của bão, các điều kiện khí quyển đều thuận lợi và không có hiện tượng không khí lạnh tăng cường như mọi lần nên năng lượng bão rất lớn, đường đi thuận lợi nên bão nhiều khả năng mạnh trở lại trên Biển Đông.
Đây là bão ở giai đoạn trưởng thành và khả năng đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa, dự báo mạnh cấp 13-14, giật cấp 16.
Khi vào gần đất liền do điều kiện ma sát, gần bờ biển, nhiệt độ bão giảm đi 1-2 cấp, ở cấp 12-13, giật cấp 14, gần như tương đồng bão Xangsane năm 2006" - ông Thái thông tin với Tuổi trẻ.
Tin mới nhất về bão số 4
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia vừa phát tin bão khẩn cấp, cơn bão số 4 cho biết, vào hồi 13 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Từ sáng 27-9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Từ đêm 27/9, khu vực ven biển từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ đêm 27-9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15; các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28-9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng Bằng Bắc Bộ.