(Cinet) – Điện ảnh là công cụ quảng bá hữu hiệu nhất cho du lịch. Đây là cách phát triển du lịch quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại là vấn đề còn mới ở Việt Nam.
(Cinet) – Điện ảnh là công cụ quảng bá hữu hiệu nhất cho du lịch. Đây là cách phát triển du lịch quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại là vấn đề còn mới ở Việt Nam.
Là một đất nước giàu tiềm năng du lịch cùng với một nền điện ảnh đang trong giai đoạn phát triển. Nếu hai ngành hơp tác đồng hành cùng nhau, hiệu quả đem lại chắc chắn sẽ rất lớn.
Năm 2012, điện ảnh thế giới cho ra mắt hai siêu phẩm là Taken 2 và Skyfall (007). Đây là hai tác phẩm điện ảnh được mong chờ nhất trong năm bởi cả hai đều đã gặt hái nhiều thành công lớn ở những phần trước. Điều cần nói đến ở đây đó là cả hai siêu phẩm này cùng được quay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi được khởi chiếu, 2 bộ phim này đã tạo nên một làn sóng du lịch đổ về Istanbul. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa thể thống kê đầy đủ số khách du lịch chịu tác động từ 2 bộ phim trên mà quyết định đến Istanbul bởi cả 2 tác phẩm này mới ra mắt vào tháng 10 năm 2012, song có 1 điều chắc chắn có thể khẳng định đó Skyfall và Taken 2 đã tạo một lực hấp dẫn cho Istanbul. Trong các cuộc thăm dò ý kiến của ngành du lịch, số đông du khách cho biết họ đã lên kế hoạch sẽ tới Istanbul trong kỳ nghỉ tiếp theo lý do là họ đã bị ấn tượng mạnh bởi màu sắc, cuộc sống của thành phố mà họ đã thấy trên phim.
Bối cảnh chính trong siêu phẩm Skyfall và Taken 2 được quay tại Istanbul đã tạo nên một lực hấp dẫn lớn với du khách quốc tế về đất nước xinh đẹp này... |
Trước đó không lâu, từ một khu chợ nghèo nàn không có sức hấp dẫn, không có tiềm năng thu hút khách, vậy nhưng khu ổ chuột ở Dharavi đã nhanh chóng lột xác trở thành điểm đến hấp dẫn của Ấn Độ. Lý do là bởi bộ phim Triệu phú ổ chuột với bối cảnh chính quay tại Dharvi đã giành giải Oscar năm 2009.
Cũng như vậy , Chúa tể những chiếc nhẫn đã giúp ngành du lịch New Zealand thu hút thêm hơn 4 triệu lượt khách chỉ trong một năm. Trong năm 2014, khi mà phần tiếp theo mang tên “Hobbit” của Chúa tể những chiếc nhẫn ra rạp, ngành du lịch New Zealand hy vọng rằng đây sẽ là một cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển du lịch quốc gia.
Cảnh thiên nhiên đẹp và lãng mạn vào mùa đông tại tỉnh Akita, Nhật Bản là bối cảnh chính trong phim bom tấn IRIS... |
Đã tạo nên một làn sóng khách Hàn Quốc tìm đến Akita, Nhật Bản. Bộ phim này đã tạo sức hút đến mức chặng bay giữa Seoul - Akita đã bị hủy trước đó do vắng khách, được khôi phục lại sau khi bộ phim công chiếu... |
Năm 2010, khi bom tấn IRIS – một tác phẩm của Hàn Quốc với bối cảnh chính được quay tại Nhật Bản, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Nhật. Ngay lập tức một làn sóng khách Hàn Quốc đã đổ sang Nhật, đặc biệt tỉnh Akita ( nơi diễn ra các cảnh quay) đã có số lượng khách du lịch tăng đột biến. Vì sức hút lớn đó mà IRIS đã được phát sóng vào giờ vàng trên truyền hình Nhật Bản, điều này có thể nói là một bước đột phá bởi lượng phim quốc tế được chiếu vào giờ vàng ở Nhật Bản chỉ chiếm 4%. Chưa hết, nhờ IRIS mà đường bay giữa Akita và Seoul đã được khôi phục. Đường bay này bắt đầu hoạt động từ năm 2001 và là chuyến bay quốc tế duy nhất ở sân bay Akita. Tuy nhiên sau đó do số lượng khách quá ít nên đường bay này bị hủy bỏ. Sau khi IRIS lên sóng, số lượng khách đến Akita tăng nhanh vì thế hãng hàng không Nhật đã quyết định khôi phục lại đường bay này để thuận tiện cho việc phát triển du lịch tại Akita.
Những địa điểm quay phim IRIS phần 2 tại Seoul được ngành Du lịch thành phố tận dụng khai thác thành điểm thăm quan du lịch... |
Ngay sau khi nghe thông tin về phần 2 của IRIS chuẩn bị được khởi động, nhiều địa phương cũng như các công ty của Nhật đang vận động và cạnh tranh nhau rất gắt gao để được lựa chọn tài trợ cũng như là nơi được chọn để quay bộ phim này.
Tuy nhiên, nhận thấy khả năng phát triển tăng doanh thu cho ngành du lịch mà bộ phim mang lại Hàn Quốc đã quyết định khai thác và thực hiện phần 2 của bộ phim ngay tại Soeul. Chính quyền thành phố thậm chí còn góp 300 triệu won vào kinh phí thực hiện bộ phim để có thể giữ độc quyền khai thác dịch vụ du lịch phim trường. Theo như báo cáo từ Sở Du lịch Seoul, ngay sau khi bộ phim hoàn thành, số lượng khách du lịch đến những địa điểm quay phim đã tăng lên từ 2-3 lần. Ví dụ tại một địa điểm phía Bắc Seoul nơi diễn ra một số bối cảnh phim, trung bình mỗi ngày nơi đây đón khoảng 700 khách, sau khi IRIS được quay tại đây, số khách trung bình mỗi ngày tìm đến đây đã tăng lên 1.500- 1.700 khách/1 ngày. Đấy là khi IRIS 2 mới được hoàn tất phần làm phim và chưa được công chiếu, sau khi chính thức phát hành, số lượng khách sẽ còn tăng hơn nhiều lần con số 1.500 khách. Chính quyền thành phố Soeul cũng đã nhanh chóng xây dựng 1 tour du lịch nội thành đến các điểm quay phim IRIS để tranh thủ sức hút từ bộ phim.
Còn rất nhiều những bộ phim, những con số khác có thể làm minh chứng cho sự thành công khi điện ảnh đồng hành cùng du lịch song chỉ cần một vài ví dụ nêu trên cũng đã đủ để nêu bật sự quan trọng trong việc hợp tác giữa hai ngành này.
Với nhiều quốc gia trên thế giới thì vấn đề này chẳng có gì đáng nói bởi việc hợp tác giữa du lịch và điện ảnh đã trở thành một trong những bước quan trọng của kế hoạch phát triển. Nhưng ở Việt Nam thì việc này vẫn là một vấn đề cần được bàn bạc, bởi cho đến nay 2 lĩnh vực này vẫn chưa có sự đồng hành cùng nhau.
Hội thảo Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.. |
Thực tế cũng đã có vài cuộc Hội thảo về việc cần có sự phối hợp giữa du lịch và điện ảnh được tổ chức, và mới đây trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, một cuộc hội thảo với chủ đề “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh” cũng đã diễn ra nhằm tìm ra giải pháp để điện ành và du lịch có thể đồng hành.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý trong ngành du lịch cũng như điện ảnh bởi hơn ai hết chính những người hoạt động trong nghề là những người mong muốn và trông chờ vào sự hợp tác này hơn cả. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDl Quảng Ninh đã phát biểu tại Hội thảo: Nếu có thể có những bộ phim hay sẽ tạo đà cho sự phát triển du lịch. Bộ phim “Đông Dương” và “Mùa hè chiều thẳng đứng” với một số cảnh quay tại vịnh Hạ Long đã góp phần tăng lượng nhanh khách quốc tế đến thăm quan vịnh. Vì thế nếu có thể hơp tác, thì du lịch Quảng Ninh nói chung, vịnh Hạ Long nói riêng sẽ đươc nhiều người biết tới và sẽ có bước phát triển bền vững.
Bộ phim Indochina với những cảnh quay đẹp tại Hạ Long đã góp phần tạo nên một làn sóng khách du lịch Pháp tìm đến vùng vịnh xinh đẹp và thơ mộng này của Việt Nam từ đầu những năm 90... |
Quả thật, năm 1991 sau khi bộ phim “Indochina” với tựa đề tiếng Việt là “Đông Dương” được công chiếu tại Pháp. Ngành du lịch Quảng Ninh đã ghi nhận làn sóng người Pháp tìm đến thành phố biển xinh đẹp này. Thậm trí khách sạn nơi diễn ra cảnh quay của nữ diễn viên Catherine Deneuve, đã kín phòng trong suốt một thời gian dài.
Hay như trường hợp thung lũng Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng là một ví dụ. Hà Giang vốn là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp song lại nằm ở vùng núi, đường đi lại xa xôi, vất vả vì thế du lịch không mấy phát triển. Sau khi hình ảnh cảnh trí núi non, những cánh đồng hoa cải vàng ngút mắt, những ngôi nhà với bờ rào xếp bằng đá của người đồng bào dân tộc Mông tại bản Sùng Là, Hà Giang được chọn làm bối cảnh trong phim Chuyện của Pao. Hà Giang đã trở thành địa điểm mà rất đông khách du lịch háo hức tìm đến, đặc biệt là đối tượng khách du lịch trẻ tuổi.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL cũng đã nhấn mạnh trong cuộc hội thảo: Nếu du lịch với điện ảnh có thể “bắt tay” thì đây sẽ là cơ hội tốt cho ngành du lịch. Trên thế giới rất nhiều thành phố nhờ vào điện ảnh mà trở nên nổi tiếng như Pusan ( Hàn Quốc), Cannes (Pháp)…Quảng Ninh là thành phố có nhiều lợi thế khi sở hữu Vịnh Hạ Long – kỳ quan thế giới. Nếu có thể có sự hợp tác thì đây chính là cơ hội quảng bá du lịch của tỉnh….
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ninh - Trịnh Đăng Thanh phát biểu và đóng góp ý kiến tại Hội thảo... |
Trong cuộc Hội thảo Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng bày tỏ mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư sẽ góp vốn, góp ý tưởng để có thể có những bộ phim hay được quay tại Hạ Long nói riêng và những danh thắng khác của Việt Nam nói chung. Phó Giám đốc Sở VHTTDl Quảng Ninh - Ông Trịnh Đăng Thanh cũng đã thông báo rõ tại Hội thảo: Tỉnh sẽ có chủ trương cũng như chính sách cụ thể để tạo cơ chế thông thoáng cho nghệ sĩ trong quá trình làm phim. Tỉnh sẽ phát huy mọi góc độ truyền thông và cơ chế để cả điện ảnh và du lịch đềi có lợi khi bắt tay hợp tác.
Thực tế, các nhà làm phim, các đạo diễn cũng rất muốn làm những bộ phim hay về các danh thắng trong nước. Rất nhiều ý kiến của các nghệ sĩ tên tuổi trong làng điện ảnh có mặt tại Hội thảo đã cho thấy việc họ đều tha thiết mong mỏi sự hợp tác giữa 2 ngành tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một đề án hay dự án cụ thể nào cho thấy sự hợp tác này có thể thực hiện.
Đạo diễn Lương Đức, người đã từng làm nhiều bộ phim tài liệu về Hạ Long khẳng định: Để có một cảnh quay đẹp mà qua đó sẽ là sức hút với du lịch cần có sự đầu tư kinh phí. Ví dụ như ở Hạ Long, nếu quay một cảnh trên bờ tốn 10 triệu đồng thì quay dưới nước chi phí sẽ gấp 5 lần con số đó. Như vậy, nếu không phải là đơn đặt hàng thì ít đạo diễn và nhà sản xuất nào dám mạo hiểm thực hiện những cảnh quay như vậy. Bên cạnh đó, kinh phí eo hẹp khó có thể có một bộ phim hay bởi người sản xuất sẽ phải sát sao chỉ đạo việc bớt đoạn này, cắt ngắn cảnh kia…như vậy làm sao có thể có một bộ phim hay. Vì thế, muốn có phim hay thì cần có sự ủng hộ, động viên sáng tạo cho người nghệ sĩ và nguồn kinh phí cho nhà sản xuất. Có như vậy thì mới có thể có những bộ phim thực hiện được xứ mệnh phát triển du lịch. Tuy nhiên với tình hình kinh tế xã hội hiện nay thì đế thực hiện vấn đề đó sẽ còn khó khăn và là đích khá xa.
Qua những thực tế nêu trên có thể thấy rằng khi điện ảnh và du lịch chưa đồng hành thì tiềm năng phát triển của cả hai ngành vẫn chưa thực sự được khai thác hiệu quả. Song để điện ảnh và du lịch có thể đồng hành lại cần một chiến lược dài hơi và bài bản. Những nhà quản lý của 2 ngành điện ảnh và du lịch đã thẳng thắn nhìn nhận tại Hội thảo “Điện ảnh với Quảng Ninh và quảng bá du lịch qua điện ảnh” sự thiếu liên kết của cả hai bên, đồng thời kế hoạch, chiến lược rõ ràng để bắt tay hợp tác giữa 2 ngành cũng chưa được thực hiện. Đây chính là rào cản lớn đối với các đoàn làm phim trong nước để có thể xây dựng một bộ phim hay về Việt nam.
Để ngành du lịch Việt Nam có thể có những bước phát triển vượt bậc, cũng như nền điện ảnh nước nhà có những tác phẩm chất lượng về non nước, văn hóa, con người Việt Nam, đã đến lúc Điện ảnh và Du lịch cần “bắt tay” đồng hành. Dù chưa thể thay đổi ngay lập tức cục diện nhưng hy vọng trong 5 -10 năm tới, điện ảnh Việt Nam sẽ có những tác phẩm tạo tiếng vang trong khu vực và xa hơn là trên thế giới; những tác phẩm đủ sức tạo thành một làn sóng du lịch từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Việt Nam. Và ngược lại ngành dịch Việt Nam sẽ phát triển nhanh, mạnh giúp phát triển kinh tế, từ đó tái đầu tư phát triển ngành điện ảnh.
Nguyễn Hương