• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi Hà Nội có Phố Sách…

Văn hoá 08/05/2017 06:00

(Tổ Quốc) - Phố Sách có lẽ là con phố mới nhất của Hà Nội và không chỉ là tên gọi để phân biệt giữa phố này với phố kia mà “Phố Sách” còn mang nhiều kỳ vọng đẹp đẽ của văn hóa đọc.

Thời điểm Hà Nội chưa có một con phố được gắn biển mang tên “Phố Sách” như bây giờ, thì “Phố Sách” theo quan niệm của nhiều người là đoạn phố từ Đinh Lễ kéo dài xuống Nguyễn Xí. Đây là con phố có nhiều gian hàng bán các loại sách từ tâm lý, kỹ năng, giáo dục và không thể không kể đến sách văn học trong và ngoài nước, từ cuốn xuất bản đã lâu đến cuốn vừa mới ra lò hầu như độc giả đều có thể tìm thấy ở nơi đây. Không những thế, hầu hết các cuốn sách được bán ra luôn được ưu đãi giảm giá từ 10-20%. Với lợi thế này, từ nhiều năm nay, đây là địa chỉ mua sách quen thuộc của độc giả thủ đô yêu sách.

Tuy nhiên, “Phố Sách Đinh Lễ” chỉ đơn giản là nơi để bán sách chứ rất hiếm hoi mới có các hoạt động liên quan đến sách. Đáng kể nhất có lẽ phải kể đến sự kiện nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ TP. Hồ Chí Minh ra mắt sách mới ở khu vực này mà các độc giả xếp hàng dài để được nhà văn ký tặng.

Còn lại, phần lớn các hoạt động về sách tại Hà Nội thường diễn ra nhiều địa điểm khác nhau, có thể kể đến như: Các trung tâm văn hóa (Pháp, Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản…), các viện: văn hóa, văn học, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, một vài địa điểm diễn ra các Hội sách như Hoàng Thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám… hoặc ở một số trường Đại học: Văn hóa, Sư phạm, KHXH & Nhân văn… trụ sở nhà xuất bản, thậm chí một số buổi ra mắt sách còn diễn ra tại quán cafe.

Có nhiều lý do dẫn đến sự thiếu tập trung các hoạt động về sách. Một phần do chính tác giả lựa chọn không gian phù hợp với sở thích,sự tiện dụng, mối quan hệ và nội dung cuốn sách. Một phần do Hà Nội chưa có một địa điểm lý tưởng phù hợp tất cả sự kiện của các cuốn sách và nhận được sự quan tâm của độc giả.

Để viết một cuốn sách người cầm bút phải bỏ ra nhiều tâm huyết, thời gian và công sức. Vì vậy khi một cuốn sách mới đến với độc giả là sự đón nhận thành quả lao động của người cầm bút. Việc ra mắt, giới thiệu, tọa đàm, trao đổi xung quanh cuốn sách mới không chỉ là dịp để độc giả hiểu hơn “hậu trường” của cuốn sách, còn là “cầu nối” giữa tác giả - tác phẩm với độc giả.  Hơn nữa, với số lượng sách in của nhiều nhà xuất bản hiện nay thì một cuốn sách mới ra đời dễ bị “chìm nghỉm” và ít khi tuân theo quy luật “hữu xạ tự nhiên hương”. Do đó, để sách đến được với độc giả nhanh hơn, kịp thời hơn, cung cấp cho độc giả những thông tin về cuốn sách mới còn cần cả sự vào cuộc của đơn vị xuất bản, tác giả, độc giả có uy tín.

Đã có nhiều độc giả tham dự ra mắt sách, hoặc tọa đàm mà chưa hề được đọc cuốn sách đã và đang được “mổ xẻ”. Nhưng sau sự kiện này, độc giả đã tìm mua bằng được cuốn sách kể trên, tự nhủ sẽ giới thiệu cho người khác, rồi tự hỏi tại sao mình không biết sớm hơn, không được đọc sớm hơn… Đây là kết quả tích cực từ các sự kiện về sách đem lại. Và sự tích cực này thúc đẩy mọi người đến gần với sách hơn.

So với TP.Hồ Chí Minh, các sự kiện về sách tại Hà Nội không hề kém cạnh. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau hơn một năm “Đường sách” đi vào hoạt động đã có nhiều sự kiện về sách diễn ra nơi đây. Theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam thì sau một năm, đường sách tại TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 100 buổi ra mắt, giới thiệu, tọa đàm… về sách mới, đạt doanh thu gần 27 tỷ đồng trong năm 2016, với hơn 500.000 đầu sách được bán ra. Những con số có được này từ mô hình đường sách ra đời trước đó là cơ sở để hi vọng khi “Phố Sách” tại Hà Nội đi vào hoạt động sẽ quy tụ được các sự kiện về sách. Để mỗi khi một đơn vị xuất bản hay một tác giả nào đó có ý định giao lưu ra mắt sách, tọa đàm… thì địa chỉ đầu tiên được nghĩ đến và lựa chọn là “Phố Sách”. Độc giả cũng vậy, họ sẽ không chỉ đến “Phố Sách” tìm sách để đọc mà còn được tham dự những sự kiện về sách, được gặp gỡ tác giả, gặp gỡ những người có cùng sở thích và đam mê mang tên sách.

Mặc dù“Phố Sách” tại Hà Nội mới được khai trương vào đầu tháng 5/2017 nhưng các hoạt động, sự kiện về sách từ một vài đơn vị xuất bản đã bắt đầu được triển khai. Có thể kể đến như các buổi giao lưu, tọa đàm, ra mắt sách “mở hàng” của NXB Kim Đồng với cuốn sách “Khu tập thể có giàn hoa tím”, Công ty sách Thái Hà có chương trình giao lưu “Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình”; Nhà xuất bản Phụ Nữ sẽ tổ chức chương trình tọa đàm "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản", giới thiệu bộ sách của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Nằm trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu lần thứ 7 là các hoạt động tương tác, giao lưu, giới thiệu các ấn phẩm Harry Potter… với mục đích tôn vinh và chia sẻ tinh hoa văn học từ Châu Âu tới bạn đọc Việt Nam. Được biết, tiếp đến Phố Sách Hà Nội sẽ diễn ra các sự kiện về trao đổi bản quyền sách với sự tham gia của đại diện các nhà xuất bản của Vương quốc Anh, Nhật Bản...

Như vậy, Phố Sách Hà Nội được kỳ vọng không đơn giản là một nơi bán sách thông thường mà còn là địa chỉ để quy tụ các sự kiện về sách như hội thảo, tọa đàm, vui chơi, tìm kiếm kiến thức, giao lưu, chia sẻ kiến thức, làm giàu thêm kiến thức, vốn sống, trưng bày, triển lãm, ký kết bản quyền… để hình thành một không gian văn hóa đọc giúp cho văn hóa đọc được hình thành và phát triển.  

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ