(Tổ Quốc) -Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nhiều lo ngại về yếu tố tốt đẹp của văn hóa truyền thống đã và sẽ mai một. Nhưng đáng mừng là vẫn còn rất nhiều những người trẻ tâm huyết với việc khôi phục và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã dày công tạo dựng, trao truyền.
Người trẻ nhiệt huyết với văn hóa truyền thống
Theo dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, thay đổi. Đặc biệt, sau năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Cùng với sự thay đổi của thời đại, những làn sóng cách tân phần nào góp phần tích cực vào việc hiện đại hóa đời sống của con người, tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến cho nhiều giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống bị mai một.
Vài năm trở lại đây, nhiều nhóm nghiên cứu, khôi phục văn hóa truyền thống ra đời với các thành viên đều là 9x. Trong đó có thể kể những cái tên như Đình làng Việt, Chèo 48h -Tôi chèo về quê hương, Đại Việt Cổ Phong, S.River…
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đang là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ |
Nếu như nhóm Đình làng Việt tập hợp những người yêu mến kiến trúc, dấu ấn văn hóa truyền thống qua kiến trúc Đình làng thì nhóm Đại Việt Cổ Phong lại tạo được dấu ấn với dự án “Hoa văn Đại Việt” đã phục dựng được các hoa văn gần như biến mất từ thời Lý, Trần… Hiện nay, nhóm Đại Việt Cổ Phong đã thu hút được hơn 14.000 người theo dõi từ khắp mọi miền đất nước và cả các bạn trẻ nước ngoài. Còn nhóm Đình làng Việt cũng có hơn 13.000 thành viên.
Trong các nhóm tập hợp những gương mặt trẻ thực hiện các dự án di sản truyền thống vì cộng đồng còn phải kể đến “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” với hàng loạt chương trình trải nghiệm sáng tạo như: “Không gian nguồn cội”, “Young Culture day”, “Về nguồn”, “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, “Gala Tôi chèo về quê hương”... Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh với thành quả phỏng dựng lại trang phục của công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức), nhóm S.River vừa gây ấn tượng với dự án số hóa tranh dân gian Hàng Trống để bảo tồn.
Và, không chỉ 5 nhóm đại diện cho người trẻ viết lại câu chuyện văn hóa cổ truyền, mà sẽ có nhiều tấm lòng cùng hướng về cội nguồn như thế.
Lan tỏa giá trị văn hóa Việt
Mới đây, sự ra đời của Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên do Nguyễn Đức Lộc- một 9x từng là thành viên của nhóm Đình làng Việt - là người sáng lập, một minh chứng rằng sẽ còn nhiều những người trẻ yêu mến, trân trọng văn hóa, lịch sử truyền thống.
Theo Nguyễn Đức Lộc, mục tiêu mà công ty của Lộc sẽ hướng đến là nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước.
Những giá trị văn hóa truyền thống đang được khôi phục qua các sản phẩm văn hóa |
Bên cạnh đó, với đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu tâm huyết, Ỷ Vân Hiên cũng sẽ tư vấn về lĩnh vực văn hóa, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng với mục đích lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống, để cho những giá trị tinh hoa, đại diện cho cốt khí của người Việt được phục dựng và chấn hưng, trở lại với đời sống văn hóa hiện đại của người Việt, đồng thời góp phần quảng bá giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới.
Hiện nay, Ỷ Vân Hiên đã phối hợp làm việc với các nghệ nhân của các làng nghề sản xuất những sản phẩm truyền thống Việt như hài, quạt, gối xếp,… từ Bắc tới Nam. Và sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A. Đặc biệt, một trong số những nghệ nhân của Ỷ Vân Hiên là bà Công Tôn Nữ Trí Huệ - Chắt nội vua Minh Mạng - đang sống tại thành phố Huế. Dựa vào trí nhớ và tay nghề, bà đã tái hiện lại những chiếc gối xếp cho Công ty, phục vụ sinh hoạt hiện đại. Ngoài ra, bà còn phối hợp dạy nghề, truyền lửa cho thế hệ kế cận.
Nguyễn Đức Lộc, bằng sự đam mê, nhiệt huyết của mình đã truyền cảm hứng, xây dựng một đội ngũ nhân viên trẻ chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn cùng với lòng nhiệt thành, sức sáng tạo mạnh mẽ. Đó là nền tảng, là sức bật để Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên tiến hành nghiên cứu chuyên sâu vào các lĩnh vực nghệ thuật (Văn học, âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điêu khắc), trang phục, ẩm thực và các nghi lễ truyền thống trong cung đình cũng như trong dân gian, sau đó phục dựng lại chúng, nhằm thương mại hóa, phục vụ phổ quát cho du lịch và cộng đồng, giúp cho những nét đẹp đó đến được với công chúng trong và ngoài nước.
Đánh giá về sự nhiệt huyết của những người trẻ với văn hóa truyền thống, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho biết: “Điều thiệt thòi cho giới trẻ là chúng ta để lại quá ít những cứ liệu lịch sử. Mốc thời gian càng đẩy sâu về quá khứ, cứ liệu lịch sử càng ít ỏi. Nói rằng từ thời Lý Trần đổ về trước không có cứ liệu lịch sử thì không đúng. Tất cả những động thái, dự án của các bạn trẻ về văn hóa truyền thống được triển khai là một sự cố gắng. Tôi tin rằng, những bạn yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu trang phục cổ, sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa, phát hiện nhiều điều mới mẻ hơn nữa”.
Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, hiện nay, các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia đều có xu hướng khôi phục trang phục truyền thống. Sau khi trải qua những cơn sang chấn văn hóa giữa các luồng văn hóa ngoại lai, người Việt có nhu cầu định vị lại, cái này của Việt Nam, cái kia của ngoại lai và đi sâu tìm hiểu nguyên nhân. “Đó là nhu cầu chính đáng và cần cổ vũ việc tìm về truyền thống của người trẻ, để họ hiểu về nguồn gốc và quá trình phát triển của dân tộc. Khi người ta đã hiểu ra thì sẽ yêu và trân trọng các giá trị cốt lõi ấy. Còn bây giờ, nhiệm vụ của người trẻ là đi tìm và củng cố, định vị lại bản sắc, văn hóa dân tộc. Còn nhiệm vụ của những người đồng hành như tôi là khích lệ, động viên người trẻ dấn thân và khám phá nhiều hơn nữa”- nhà nghiên cứu Trần Quang Đức khẳng định.
Quả đúng là những người trẻ đang cần sự khích lệ, động viên để dấn thân trên hành trình khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Bởi chỉ có dựa vào văn hóa truyền thống, chúng ta mới tự tin đi đến tương lai, đúng như Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Ỷ Vân Hiên mong muốn giữ được những giá trị cốt lõi - những nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt trên con đường hội nhập văn hóa toàn cầu, chúng tôi tin rằng hiểu được quá khứ mới hiểu được hiện tại, xa hơn là sẽ tìm thấy hướng đi ở tương lai”./.