• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi Nhà hát Lớn rộng cửa đón các nhà hát nghệ thuật: Việc “không tưởng” giờ thành hiện thực

Văn hoá 13/08/2016 04:54

(Tổ Quốc) - Trao đổi với chúng tôi về chủ trương Nhà hát Lớn luôn đỏ đèn phục vụ khán giả, NSND Lê Tiến Thọ (ảnh), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho biết

NSND Lê Tiến Thọ (ảnh), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN 

- Lâu nay, Nhà hát Lớn thường tổ chức những chương trình nghệ thuật đa phần mang tính giải trí hoặc mang nặng mục đích kinh doanh thương mại nên phải là người có nhiều tiền mới mua vé vào xem. Hoặc là nơi để các tổ chức kinh tế, doanh nhân có tiền vào tổ chức hội nghị, trao các giải thưởng... Nghệ sĩ chúng tôi bức xúc trước sự khai thác này.

Vì thế giới sân khấu vô cùng vui mừng trước ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khi trả lại thương hiệu và chức năng chính của Nhà hát Lớn là tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật chính thống. Hà Nội đang thiếu những rạp biểu diễn hiện đại cho sân khấu chuyên nghiệp vì vậy đơn vị nghệ thuật nào cũng ước ao được vào một địa điểm lý tưởng như Nhà hát Lớn Hà Nội để diễn.

Với các đơn vị sân khấu truyền thống thì ước mơ việc “không tưởng” thì giờ đã lại thành hiện thực. Điều này sẽ xây dựng lại cho Nhà hát Lớn trở thành một địa chỉ văn hóa tiêu biểu, chuyên diễn những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, tiêu biểu của sân khấu hiện đại cũng như truyền thống.

"Giới sân khấu vô cùng vui mừng trước ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khi trả lại thương hiệu và chức năng chính của Nhà hát Lớn là tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật chính thống. Hà Nội đang thiếu những rạp biểu diễn hiện đại cho sân khấu chuyên nghiệp vì vậy đơn vị nghệ thuật nào cũng ước ao được vào một địa điểm lý tưởng như Nhà hát Lớn Hà Nội để diễn."

Với một dàn kịch mục phong phú với nhiều thể loại nghệ thuật từ hiện đại tới truyền thống như nhạc giao hưởng, kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, thậm chí cả xiếc, múa rối... theo đánh giá của ông thì đối tượng khán giả của các chương trình này sẽ hướng tới là những ai?

- Theo tôi, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật cần phải tính toán để tìm lời giải cho việc tìm kiếm khán giả cho từng chương trình bởi mỗi chương trình có đối tượng phục vụ riêng. Với các chương trình biểu diễn như xiếc, múa rối thì dĩ nhiên đối tượng hướng tới là khán giả nhỏ tuổi. Với những chương trình nghệ thuật truyền thống thì đương nhiên sẽ có sức hút với khán giả nước ngoài, khách quốc tế du lịch...

Vì vậy đặt ra một lịch diễn cụ thể định kỳ thì cũng nên có kế hoạch bán vé thật sớm trước hàng tháng, thậm chí cả 6 tháng giống như các chương trình giao hưởng của Dàn nhạc Giao hưởng VN được bán vé rất sớm trước cả năm. Trước đây vào Nhà hát Lớn để xem một chương trình nghệ thuật phải bỏ ra rất nhiều tiền, thậm chí hàng triệu đồng mới được vào thì nay với chủ trương của Bộ VHTTDL thì những người dân bình thường trong xã hội cũng sẽ có cơ hội để được vào Nhà hát Lớn xem nghệ thuật.

Rõ ràng các nhà hát và nghệ sĩ là đối tượng được hưởng lợi từ chủ trương này khi họ được diễn ở một sân khấu lý tưởng?

"Ban quản lý Nhà hát Lớn cần dẹp bỏ những dịch vụ không phục vụ cho mục đích văn hóa nghệ thuật mà đưa vào những hình thức dịch vụ mới như việc tận dụng các không gian xung quanh sân khấu biểu diễn.

Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội cũng cần có sự thẩm định kỹ, không thể để bước lên sân khấu những chương trình đơn thuần mang tính giải trí hoặc hài rẻ tiền mang tính thương mại."

- Cũng có phần đúng. Người nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu truyền thống thường phải lưu diễn ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội hiện diện ở sân khấu thủ đô bởi không dám cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật giải trí khác như điện ảnh, ca nhạc nhẹ ở các sân khấu của thủ đô.

Chủ trương này của Bộ VHTTDL giúp cho các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là truyền thống được tôn vinh. Chúng ta đã có những đề án xây dựng các nhà rạp hiện đại tầm cỡ quốc tế nhưng hiện nay vẫn chỉ nằm trên giấy, vì vậy mà quyết định đưa nghệ thuật vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn là đáp ứng được nhu cầu được biểu diễn của các nhà hát hiện nay.

Thực ra cách đây hàng chục năm, Nhà hát Lớn Hà Nội đã từng đỏ đèn cho tất cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở trung ương và Hà Nội vào biểu diễn mỗi khi ra mắt chương trình mới. Mỗi khi ra mắt vở thường có mặt đông đảo những người làm nghề, báo giới, các chuyên gia phê bình nghệ thuật...

Vở diễn hay, dở lập tức có dư luận phản hồi khen chê ngay lập tức chứ không “áo gấm đi đêm” như nhiều chương trình những năm gần đây. Vở mới bạn nghề, báo chí cũng không cần tới xem và cũng chẳng ai quan tâm xem việc ra mắt xong có thể bị “xếp xó” ngay. Tôi mong rằng từ chủ trương này thì thông lệ ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật mới sẽ được trở lại để xới lên giúp dư luận quan tâm hơn tới đời sống nghệ thuật và từ đó tác động lại tới những người làm nghệ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng với một cuộc chơi ở một sân khấu lý tưởng thì những người làm nghệ thuật cũng cần có cách làm, cách nghĩ mới, ông có nghĩ như vậy hay không?

- Theo tôi không chỉ có các nhà hát, các nghệ sĩ mà cả nhà tổ chức biểu diễn cho các chương trình này cũng cần phải đổi mới cách tư duy và cách làm. Một sân khấu sang trọng lý tưởng như Nhà hát Lớn thì chương trình biểu diễn phải ra tấm ra món chứ không thể làm cho có. Chúng ta không nên dùng khái niệm tác phẩm đỉnh cao để diễn tại Nhà hát Lớn bởi có thể ngày hôm nay tác phẩm là đỉnh nhưng ngày hôm sau sẽ có nhiều tác phẩm khác hay hơn.

Đơn cử như những vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ khi viết ra còn chật vật không có người dựng, chưa có giải thưởng gì nhưng sau hàng chục năm thì các tác phẩm được dàn dựng và trở thành đỉnh cao về số lượng đêm diễn và lượt người xem.

Cá nhân tôi cũng là nghệ sĩ cho rằng người nghệ sĩ cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội và khán giả, anh phải tự nâng tầm tác phẩm dàn dựng cũng như biểu diễn. Và nếu tác phẩm dở không giữ chân được người xem ngay trên một nhà hát sang trọng như Nhà hát Lớn thì người nghệ sĩ phải thấy tự xấu hổ và cũng không nên xuất hiện tiếp để tốn tiền, tốn của và công sức dàn dựng cũng như tổ chức biểu diễn.

Bài toán khán giả luôn làm đau đầu với các nhà tổ chức biểu diễn, nhất là với các chương trình sân khấu truyền thống. Theo ông, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội nên kéo khán giả bằng con đường nào?

"Chủ trương này của Bộ VHTTDL giúp cho các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là truyền thống được tôn vinh. Chúng ta đã có những đề án xây dựng các nhà rạp hiện đại tầm cỡ quốc tế nhưng hiện nay vẫn chỉ nằm trên giấy, vì vậy mà quyết định đưa nghệ thuật vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn là đáp ứng được nhu cầu được biểu diễn của các nhà hát hiện nay."

- Khán giả đến Nhà hát Lớn không chỉ để xem nghệ thuật mà còn mong muốn được thưởng thức một không gian kiến trúc của rạp hát cũng như tìm hiểu và tiếp xúc với nền văn minh của nhân loại, của nghệ thuật truyền thống VN. Ban quản lý Nhà hát Lớn cần dẹp bỏ những dịch vụ không phục vụ cho mục đích văn hóa nghệ thuật mà đưa vào những hình thức dịch vụ mới như việc tận dụng các không gian xung quanh sân khấu biểu diễn. Hầm của nhà hát, phòng gương đều có thể được tận dụng để tạo thành bảo tàng nghệ thuật nhỏ để giới thiệu các tác phẩm kinh điển trong nước và quốc tế, giới thiệu những chân dung nghệ sĩ nổi tiếng...

Cũng có thể có những gian hàng bán đồ lưu niệm phục vụ cho khách du lịch như tranh ảnh, mặt nạ tuồng, con rối, nhạc cụ... Cũng nên tính tới sân khấu nhỏ phía sau Nhà hát Lớn của Nhà hát Kịch VN cũng có thể tận dụng để tạo nên một khối liên hoàn của Nhà hát Lớn, vẫn giữ được sân khấu thể nghiệm và mở rộng được các dịch vụ khác.

Bộ VHTTDL cùng với các nhà hát đã có sự tuyển lựa rất kỹ khi đưa những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật thực sự xứng đáng vào diễn tại Nhà hát Lớn. Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội cũng cần có sự thẩm định kỹ, không thể để bước lên sân khấu những chương trình đơn thuần mang tính giải trí hoặc hài rẻ tiền mang tính thương mại.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Văn hóa

NỔI BẬT TRANG CHỦ