(Toquoc)- Người dân đang lao vào cơn sốt đất mà không có một lực nào có thể hãm lại được
(Toquoc) – Nhiều làng mạc dưới chân núi Ba Vì bình yên là thế cũng đang nóng lên từng ngày với chuyện đất cát. Người nông dân giờ đây năng động, nhanh nhẹn đến mức… bất ngờ với nghề tay trái: “cò” đất.
“Cờ đến tay…”
“Không biết làm sao đợt này nhiều người Hà Nội đổ về đây tìm mua đất nhiều thế không biết” – Người thanh niên tên Chiến – ngồi cùng quán ăn trưa với chúng tôi tại ngã ba xóm Muỗi, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội thắc mắc khi chúng tôi hé ra ý định “về tìm đất”.
Người thanh niên này không biết cũng phải. Như đa phần người dân dưới chân núi Ba Vì, ngày ngày anh đi làm bất kể việc gì để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống nhà nông. Anh Chiến cũng không mặn mà lắm với việc tìm hiểu vì sao đất ở đây lại được nhiều người săn lùng đến vậy. Anh hài lòng với việc vừa xắt một miếng đất (160m2) trong vài ha diện tích khai hoang của nhà mình với giá 200 triệu để lo vài việc gia đình.
Đường vào trung tâm xã Yên Bài tấp nập ô tô vào ra tìm đất
Theo dự thảo đồ án quy hoạch chung Thủ đô, có hai địa điểm dự kiến được đặt làm Trung tâm hành chính quốc gia, đó là dưới chân núi Ba Vì hoặc một phần huyện Thạch Thất. Đó chính là lý do, dù quy hoạch chung thủ đô vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt, nhưng theo những người dân xã Yên Bài, Ba Vì khoảng 20 ngày nay, đặc biệt vào những ngày cuối tuần nườm nượp ô tô, xe máy các loại đưa người lạ vào mua đất.
Xã Yên Bài nằm gọn gàng dưới chân núi Ba Vì và nhìn trong dự thảo quy hoạch chung Thủ đô đây chính là khu vực mà theo giới cò đất gọi là vị trí “hàng rào” với Trung tâm hành chính quốc gia. Chính vì thế, trong khi các thôn, xã nằm trong khu vực được khoanh vùng làm Trung tâm hành chính thì không một vị khách nào đặt chân tới hỏi mua đất thì xã Yên Bài lại nườm nượp người dồn về tìm thông tin mua bán.
Đây cũng là vị trí đắc địa vì Yên Bài còn nằm rất gần các khu du lịch: Suối Hai, Khoang Xanh, Vườn quốc gia Ba Vì, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… Rồi con đường nối từ xã ra đường Láng – Hòa Lạc kéo dài cũng đang được khẩn trương thi công, rút ngắn một khoảng cách đáng kể từ núi Ba Vì tới trục Láng – Hòa Lạc. Đó là những lý do khiến người mua đất đổ xô về đây tìm kiếm cơ hội.
Theo ông Tuấn, xóm Muỗi, xã Yên Bài, trước đây, đất ở đây chỉ 70-80 triệu/sào nhưng giờ đây với sổ đỏ, một sào đất sẽ có giá 250-300 triệu/sào. “Gần 20 hôm nay, người vào hỏi mua đất ở đây đông như đi chợ, hết xe nọ tới xe kia. Thời gian tới đất sẽ còn lên giá nữa” – ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, giá đất mặt đường chính trước đây chỉ dao động từ 20-25 triệu/m mặt đường (không tính chiều dài) giờ đã được đẩy lên tới 120 – 180 triệu đồng/m tùy từng vị trí.
Tình cờ gặp một nhóm người Hà Nội (cũ) về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư đất, chúng tôi xin được cùng gia. Quan sát các cuộc thương thảo mua, bán đất ở đây chúng tôi nhận thấy rõ một điều, nó diễn ra rất chóng vánh, dường như không thể nhanh hơn được nữa. “Không mua nhanh là hết, sau này không mua được đất chính chủ, từ gốc như thế này đâu” – một người trong nhóm nói. Họ cũng nhanh chóng móc nối với một cò đất nổi tiếng tên Huân (vốn người sở tại) cùng đi xem một mảnh đất gần 9.800 m với giá 1,7 tỷ và hẹn ngày chung vốn mua.
Qua câu chuyện được biết, nhóm này không chỉ về đây mua bán đất đai mà còn có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư các lĩnh vực khác như giáo dục, công nghệ. Tuy nhiên, tìm các khoảnh đất rộng, đất dự án, đất ven dự án để san nền, phân lô… vẫn là cách kiếm tiền được nhóm này ưu tiên hàng đầu.
Anh Cương, một nhân viên làm về xây dựng tại Thanh Xuân, là người của nhóm cho biết, họ vừa tham gia đấu giá đất tại An Khánh – Hoài Đức, còn thời điểm này thì đi lùng mua đất giá rẻ, cứ men theo quy hoạch chung thủ đô mà kiếm đất.
Trong khi, giới đầu cơ sùng sục lên vì đất cát thì Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Mể cho biết, xã cũng chưa được một cơ quan chức năng nào thông báo rằng, khu hành chính sẽ về đây. Tuy vậy, ông cũng thể hiện sự vui mừng khi giá đất tăng thì đương nhiên người dân sẽ kiếm được những khoản tiền đáng mơ ước tại một xã với 70% là người dân tộc Mường, 14,5% hộ nghèo và chỉ dựa vào nông nghiệp để sống.
Hai người đàn ông này đang xem mảnh đất 9800m2
Lão nông 74 tuổi co giò… phân tích thị trường bất động sản
Một vài trung tâm môi giới bất động sản đã nhanh chóng hiện lên dọc con đường về Yên Bài với những biển hiệu mới tinh, thậm chí còn được làm khá sơ sài, vội vàng. Thế mới biết người dân ở đây nhanh nhẹn… chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào.
Đi tới đâu trong xã, câu chuyện nóng hổi bên chén trà và điếu thuốc lào lúc nào cũng là giá đất, tăng giảm bao nhiêu, ai vừa bán mảnh nào, bán “hớ” ra sao… Chưa thống kê được xã đã có bao nhiêu người làm nghề cò đất nhưng sức hấp dẫn khó cưỡng lại từ những khoản hoa hồng của các thương vụ mua, bán đất đã khiến cò đất trở thành nghề… thời thượng ở đây.
Quán ăn nhỏ của ông Tuấn nằm ngay ngã ba xóm Muỗi với hai gian để làm quán ăn, một gian trở thành trung tâm thông tin và giao dịch bất động sản mà không cần biển hiệu! Khách tới ăn, vừa ăn vừa hỏi luôn bà chủ có biết mảnh đất nào được bán hay không, ăn xong sang phòng làm việc, nhanh chóng xem xét rồi khách và chủ phóng vù đi xem vị trí đất.
Bản thân ông Tuấn trong hơn một tháng qua cũng đã môi giới thành công năm vụ và tuyệt nhiên giấu kín cụ thể chuyện lãi lời với phóng viên sau các thương vụ. Tuy vậy, cuộc nói chuyện giữa phóng viên và ông Tuấn sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu được vì sao người dân lại nhanh chóng chuyển thành cò như thế.
“Một vụ môi giới thành công chú được hưởng hoa hồng bao nhiêu?
(Cười) Tùy từng vụ, vụ nào giá trị hợp đồng đất nhiều tiền thì được người mua cho nhiều, ít thì cho ít.
Vài chục triệu ạ?
Vài chục triệu thì ăn thua gì? Tôi từng bỏ lỡ những hợp đồng có thể lãi hàng vài trăm triệu ấy chứ”.
Trung tâm nhà đất mọc lên nhanh chóng
Ông Lộc, một người môi giới đất ở đây cho hay, công việc không quá khó, xem ở nơi nào có đất bán đến xem qua các giấy tờ: đất nông trường (đất ở đây chủ yếu thuộc Nông trường Việt Mông, giao cho người dân sử dụng trong 50 năm từ trước năm 2000) hay đất thổ cư, hay đất khai hoang không giấy tờ, có tranh chấp hay không, giá cả chủ đất đưa ra… Rồi khi có khách hoặc khách đã để lại số điện thoại, ông bấm điện thoại, gọi một cú, thế là nhanh chóng thiết lập một vụ, đưa khách đi xem đất, hai bên tự mặc cả với nhau. Phi vụ thành công, ông được hưởng phần trăm hoa hồng từ cả người mua đất và có thể cả người bán đất – “nếu đó là những người xông xênh” – ông Lộc nói.
“Chi phí đầu tư chỉ bao gồm: tiền điện thoại, xăng xe, nước bọt, hầu như mỗi ngày tôi mất 100.000 tiền xăng xe. Tôi sống trong thấp thỏm, may hôm nào dẫn khách được mảnh ưng ý thì nhanh chóng có tiền. Còn không thì cũng hụt vài vố, họ đặt cọc rồi nhưng không mua nữa. Khách thì mất hàng trăm triệu tiền đặt cọc, người bán đất được lợi còn mình thì không được gì” – ông Lộc tâm sự về nghề mới.
Giá đất tăng khiến tư duy kinh tế người dân cũng nhanh chóng thay đổi theo. Bên bàn thuốc lào tại quán nhà ông Tuấn, có một vị khách rất đáng chú ý. Đó là ông Đắc, một người dân xóm Muỗi vừa ăn xong bán bún thịt, chập ba cái tăm vào làm một, quét đi quét lại hàm răng cái mất cái còn của một ông lão đã lên tuổi thất thập, nét mặt đầy hứng khởi, co chân lên ghế bắn điếu thuốc lào. Số là, ông Đắc đang rao bán đất. Theo lời giới thiệu của ông Tuấn, chúng tôi đang được vinh hạnh tiếp chuyện một tỷ phú… chân đất trong tương lai!
“Tôi đang rao bán ba mảnh với các mức giá: 2 tỷ, 2,4 tỷ và 7 tỷ với hàng ngàn m2 đất. Đã có một vài người hỏi mua nhưng tôi chưa ưng họ lắm. Cháu tôi làm trên ban dự án của huyện Ba Vì gọi về bảo cứ từ từ hãy bán, giá đất còn lên nữa” – ông Đắc hào hứng nói. Ông còn bảo, “tôi chỉ làm việc trong một tuần”. Ai đồng ý mua đất, các thủ tục, tiền nong sẽ chỉ làm trong một tuần, sau một tuần khách đặt cọc mà chưa giao nốt thì coi như xác định mất luôn phần tiền đặt cọc. “Đất đai tăng giá từng ngày, tôi ngồi ôm tiền đặt cọc của họ có mà chết à?” – ông Đắc phân tích.
Ông Đắc cũng nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách thức đi mua đất, giấy tờ như thế nào, tương lai ở vùng này ra sao. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề, lỡ Trung tâm hành chính quốc gia không về vị trí này thì sao, câu trả lời chung của mọi người là: chỉ biết dân Hà Nội đang ùn ùn về đây mua đất thì cứ thế mà làm ăn, giá đất cứ lên là vui rồi. Tương lai không biết trước được!
Hầu hết các cò đất mới nổi ở đây cũng như đa phần những người dân khác không biết một chút thông tin nào về quy hoạch chung Thủ đô cho ra đầu ra đũa. “Nước lên thì bèo lên”, không cần biết khu vực Trung tâm hành chính quốc gia mặt mũi ra sao, người dân ở đây đang lao vào cơn sốt đất mà không có một lực nào có thể hãm lại được./.
Nhóm PV