“Trang sách, mạch đời” là tác phẩm thứ 23 của nhà văn Phạm Khải. Nhìn vào “gia tài” này thấy một Phạm Khải đa tài, tất nhiên. Nhưng còn là một ví dụ về lao động chữ nghĩa, một đam mê và nỗ lực sống với văn chương cùng thời.
1. “Trang sách, mạch đời” là tác phẩm thứ 23 (xuất bản từ năm 1991 đến 2017) của nhà văn Phạm Khải (gồm nhiều thể loại: Thơ, ký, tiểu luận - phê bình, chân dung văn học, sách chuyên đề...). Có một danh ngôn phương Tây rất gợi “mở một cuốn sách thấy một con người”.
Đúng thế. Nhìn vào “gia tài” này thấy một Phạm Khải đa tài, tất nhiên. Nhưng còn là một ví dụ về lao động chữ nghĩa, một đam mê và nỗ lực sống với văn chương cùng thời - một phẩm tính không phải nhà văn thời hiện đại nào cũng sở hữu được.
Đọc Phạm Khải, thấy anh đau đáu với một tín niệm cầm bút “Nói như Paustovsky thì ông chính là mẫu nhà văn đã biết “đặt cuộc đời lên trên trang sách” chứ không phải “đặt trang sách lên trên cuộc đời” (TSMĐ, tr.136). Tín niệm này phản ánh một thái độ tôn trọng, đề cao thực tiễn đời sống, thực tiễn văn chương, lấy đó làm “bàn đạp” cho sự viết (dù là sáng tác thơ, văn hay viết lý luận phê bình, chân dung, đối thoại).
Đọc Phạm Khải, thấy anh không cao đàm khoát luận, không bị “ám” bởi các “ism”, không bị bội thực bởi các lý thuyết ngoại nhập đang như là một thứ “mode” được không ít các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình (nhất là người trẻ) hồ hởi “ăn tươi nuốt sống”.
Phạm Khải cứ bám chặt lấy đời sống văn chương hôm nay luôn xum xuê, tươi mới, bộn bề, phong phú và đầy rẫy biến cố bất ngờ, mà viết. Đúng như đại thi hào nước Đức Goethe đã nói “Lý thuyết thì xám xịt còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Đồng thời cũng thấy Phạm Khải luôn có ý thức suy nghĩ, tìm tòi cách viết theo định hướng chiến lược - không phải là viết về cái gì mà là viết như thế nào?
Quả thực đã có hiệu nghiệm khi Phạm Khải trực tiếp “cọ xát” với các chủ thể văn chương - những chứng nhân sống động về “quy trình sản xuất chữ nghĩa”, qua hai tác phẩm in liền nhau - “Thời sự làng văn mười năm đầu thế kỷ” (Ký sự - phỏng vấn) và “Trang sách, mạch đời” (Phê bình - đối thoại văn học). Có người gọi đó là cách làm khôn ngoan. Riêng tôi gọi đó là cách làm thông minh, sáng tạo.
Bìa tác phẩm “Trang sách, mạch đời” của nhà thơ, nhà phê bình văn học Phạm Khải |
2. Là người theo dõi sát sao thực tiễn văn chương Việt Nam hiện đại nên khi đọc Phạm Khải, tôi biết anh là người có khả năng bao quát thực tiễn, đã đành, nhưng đồng thời biết “chộp” lấy những sự kiện văn chương (tác giả, tác phẩm) có khi trở thành hiện tượng, nếu không thì cũng gợi mở suy nghĩ về một vấn đề nào đó của nghệ thuật ngôn từ. Sức bao quát và sự nhạy bén này do năng lực của một người làm báo quy định. Nhưng theo tôi, “gu” (gout)/khiếu thẩm mỹ, mới quan trọng.
Nhớ khi đọc phê bình thơ của Hoài Thanh, ông có nhấn mạnh rằng, cái “khiếu” của người bình thơ trước hết thể hiện ở chỗ chọn thơ để bình. Tôi vận dụng phương pháp Hoài Thanh để “soi chiếu” Phạm Khải. Anh đã chọn bình và đối thoại văn chương về/với những tác giả nào? Này đây: Xuân Diệu (qua sách “Xuân Diệu - Về tác gia và tác phẩm”), Quách Tấn (qua sách “Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm”), Nguyễn Tuân (qua sách “Nhớ bác Nguyễn Tuân”), Bùi Giáng (qua sách “Bùi Giáng - thi sĩ kỳ dị”), Nguyễn Quang Sáng (qua sách “Nhà văn về làng”), Tạ Hữu Yên (qua sách “Tuyển tập Tạ Hữu Yên”), Ngô Văn Phú (quan bộ sách “Truyện danh nhân Việt Nam”), Đỗ Chu (qua sách “Thăm thẳm bóng người”), Nguyễn Phan Hách (qua sách “Vô tình”), Hoàng Nhuận Cầm (qua sách “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”)...
Phạm Khải dĩ nhiên cũng “chạm bút” tới giới lý luận phê bình văn học, từ Trường Chinh đến Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Hồng Diệu, Nguyễn Hòa...và cả những người có nhiệt hứng (tuy hơi “liều lĩnh”) dịch thuật như Trương Nam Hương.
3. Viết phê bình kết hợp đối thoại/phỏng vấn văn chương tưởng dễ mà hóa khó. Nhưng như cổ nhân nói “cái khó ló cái khôn”. Tại sao tác giả thực hành theo cách này? Trong “Cùng bạn đọc” (in đầu sách), thấy những chia sẻ chân thành của Phạm Khải: “Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tôi lại thực hiện cuốn sách theo cấu trúc như vậy? Là vì bấy nay tôi luôn quan niệm: Với một tác phẩm, dù độ dày chỉ vài ba trăm trang thì một bài viết (phê bình) về nó, dẫu dài đến thế nào chăng nữa, cũng không thể ôm chứa được tất cả những điều tác giả muốn nói. Cái chính là ta phải “nhấn” được một số nét đặc trưng của tác phẩm. Phần còn lại là những thông tin “bên lề”, trong đó có những thông tin “bếp núc” do chính tác giả cung cấp. Qua đó, người đọc sẽ có dịp đối chiếu, tham khảo, từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá riêng của mình”.
Tôi nghĩ, ở một khía cạnh nào đó, Phạm Khải đã chú ý và đi sâu vào cái gọi là “lao động nhà văn”. Viết (hay đối thoại) về/với nhà văn nào, thường Phạm Khải cũng cố gắng lẩy ra “cái thần thái” của một cá tính văn chương, cái để họ không lẫn với người khác.
Ví dụ như về Đỗ Chu “Có thể xếp Đỗ Chu vào hệ những nhà văn rất chú trọng tới vẻ đẹp của câu chữ, như các bậc tiền bối Thạch Lam, Hồ Dzếnh. Đặc điểm của tốp nhà văn này là bút lực không mấy khi dồi dào. Họ viết chậm và kỹ, câu văn nghiêng về cái đẹp mảnh mai, “kiêng khem” nhiều.
Sự thật thì trong gần nửa thế kỷ qua, số đầu sách được xuất bản của Đỗ Chu không nhiều” (TSMĐ, tr.8). Nếu nói văn chương là nghệ thuật ngôn từ thì nhận định này sát hợp với Đỗ Chu - một cây bút văn xuôi mạnh về tùy bút, kiên trì theo đuổi một lối văn nhẹ nhàng, nhẩn nha, nhấm nháp (nên có những tùy bút dài tới hơn cả trăm trang mà vẫn cuốn hút độc giả). Nhận định như thế là đã đi vào đúng “tạng văn” (hay là phong cách) của mỗi nhà văn.
Phát khởi của Phạm Khải trên con đường thiên lý văn chương là thơ. Tập thơ đầu tay “Cánh chuồn tuổi thơ” (1991) ra mắt lúc tác giả mới chỉ 23 tuổi. Tập thơ thứ hai “Giấc mơ ban ngày” xuất bản ngay sau đó một năm. Nhà thơ Đặng Hiển đã viết bài “Phạm Khải, một tài năng phát triển sớm” (in trong sách: Đặng Hiển - “Văn chương người cùng thời”, NXB Văn học, 2015).
Có lẽ vì thế mà khi viết về thơ, bạn thơ, anh có những tri âm, tri kỷ. Ví dụ viết về Hoàng Nhuận Cầm “Có thể nói, Hoàng Nhuận Cầm là nhà thơ của những trạng huống xao xuyến, bâng khuâng... rất khó biểu đạt. Thơ anh giàu nhạc tính, có sức ngân vang. Với anh, ngoài phần hình ảnh (là phần mà anh có nhiều tìm tòi) thì nhạc giữ một vai trò quan trọng, tạo nên sức nặng và sức chinh phục.
Và một điều đáng nói nữa, trong sự nâng lên đặt xuống của nhịp điệu từng khổ thơ, Hoàng Nhuận Cầm rất chú ý lựa chọn... điểm rơi của ý tưởng. Nói một cách hình tượng thì, nếu ví một khổ thơ như một cánh tay, thì khi cánh tay ấy hạ xuống cũng là lúc nó phải để lộ ra một món quà bất ngờ ẩn giấu trong đó” (TSMĐ, tr.170-171).
Nói viết đối thoại dễ mà khó chính là ở khâu đặt câu hỏi cho “đối phương”. Một người hẹp về kiến văn, ít trải nghiệm và thiếu lịch duyệt sẽ rất khó “moi” thông tin, khó làm cho người đối thoại mở lòng. Tôi đã đọc “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa, thấy cái “ông này” quả là cao kiến trong nghề chữ. Thậm chí có thể nói là một “phù thủy” chữ và nghĩa (chả thế mà tập hợp những bài trả lời phỏng vấn, đối thoại với độc giả “nhí” rồi in thành sách “Hầu chuyện Thượng đế”, bán chạy như tôm tươi).
Lại thấy, Phạm Khải cũng là một “tay” có khiếu viết phỏng vấn, đối thoại. Với những người có dịp diện kiến thì đã đành, nhưng với ai không thể gặp được (vì đã khuất hoặc do cách trở đò giang, hoặc vì vô vàn lý do khác) thì Phạm Khải đi đường vòng, xa hơn một tý, nhưng vẫn tới đích đặt ra. Ví dụ như với thi sỹ Quách Tấn (1910-1992).
Không gặp được thi nhân thì đối thoại với các “hậu sinh khả úy” như các nhà thơ Ngô Văn Phú, Nguyễn Thanh Mừng. Nhưng vấn đề là vì sao lại đối thoại với hai nhà thơ này? Đọc Phạm Khải thì mới vỡ ra cái lý do căn cốt sau: Quách Tấn được coi là nhà thơ của “Mùa cổ điển” (tên một tập thơ làm nên tên tuổi nhà thơ trước 1945), còn Ngô Văn Phú thì được Phạm Khải “trói” vào cái gọi là “người có khuynh hướng... phục cổ” nên hẳn nhà thơ đương đại này quan tâm tới bậc tiền bối. Y như rằng câu trả lời của Ngô Văn Phú là “Không chỉ quan tâm mà còn phải... học [...]. Ông là mẫu nhà thơ tài tử, thích mới làm. Ông chơi thơ một cách sang trọng chứ không phải chơi tạp...” (TSMĐ, tr. 91).
Còn vì sao lại hỏi Nguyễn Thanh Mừng về Quách Tấn thì lại có cái lý do khác, là vì nhà thơ khi đó là đương kim Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định (nơi trước 1945 có nhóm thơ lãng mạn nổi tiếng Bàn Thành tứ hữu). Hơn thế, Quách Tấn còn là “cậu đằng vợ” của Nguyễn Thanh Mừng. Thế thì cả lý và cả tình đều cân phân.
Nguyễn Thanh Mừng thừa nhận: “Mình chưa bao giờ đọc thơ Quách Tấn mà cảm thấy mệt cả [...]. Quách Tấn có đặc điểm là rất trung thành với một vài thể loại. Dường như ông chỉ viết cho chính mình mà ít để ý tới độc giả” (TSMĐ, tr. 93). Dẫn ra ví dụ này để thấy Phạm Khải là người biết giữa những nhiễu loạn của thông tin và nhất là thưởng thức văn chương không ai giống và chịu ai, đã tiếp tục khai phá một con đường vốn đã được vạch ra nhưng còn ít dấu chân đặt lên. Nay thì có thể là đại lộ thênh thang dẫn độc giả tới tiếp cận tác giả và tác phẩm đa diện hơn, sâu sắc hơn. Đọc Phạm Khải mới chợt thấm thía “nghề văn cũng lắm công phu” (!?).
4. Mười chín bài phê bình - đối thoại trong “Trang sách, mạch đời” được viết cách nay mười năm. Một thập kỷ đã qua. Văn đàn biết bao nhiêu sự kiện. Nhiều gương mặt mới xuất hiện. Nhiều tác phẩm có thể gây sóng gió. Nhiều vấn đề rất mở trong thời buổi hội nhập trong một thế giới phẳng. Dẫu đã có “Thời sự làng văn mười năm đầu thế kỷ” (Tập ký sự - phỏng vấn của Phạm Khải, NXB Dân trí, 2016), như là tấm gương soi chiếu thời sự văn chương đương đại, nhưng độc giả vẫn cứ có cảm giác thòm thèm” khi đọc xong “Trang sách, mạch đời”.
Giá như nhà văn cập nhật hơn nữa thời sự văn chương Việt thập kỷ thứ hai của thế kỷ hai mốt. Thôi thì, đành lòng vậy cầm lòng vậy. Độc giả lại chờ đợi Phạm Khải ở tác phẩm mới. Ở đó, tôi tin tưởng có căn cứ, nhà văn lại tiếp tục tỏa sáng bằng cách không đi lại lối mòn văn chương.
Hà Nội, tháng Mười 2017
Bùi Việt Thắng
(Nguồn: vnca.cand.com.vn)