• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khi yêu cầu kê khai chẳng có tài sản gì, nào là nhà cấp 4, nhà do nhà nước cấp… nhưng trên thực tế tài sản rất "khủng"

Thời sự 14/11/2018 11:41

(Tổ Quốc) - “Anh” làm Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh, chỉ cần khó khăn trong việc gì đó là người ta chạy đến lo tiền bạc để “anh” chỉ đạo giải quyết cho người ta thì cái đó cũng là tham nhũng. Tuy nhiên, vì tình trạng này không tập trung cụ thể ở một vụ nào lớn nên không tìm ra”, bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X và XII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ nói.

Khi yêu cầu kê khai chẳng có tài sản gì, nào là nhà cấp 4, nhà do nhà nước cấp… nhưng trên thực tế tài sản rất khủng - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ tưởng Bộ Tư Pháp, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X và XII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ - (Nguồn: ĐSPL)

Theo chương trình, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tại các kỳ họp trước, nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật, trong đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm…

Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X và XII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Báo Điện tử Tổ Quốc, trước khi Dự luật được thông qua:

-Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp này. Tại Dự án Luật, vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) tiếp tục là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu Quốc hội. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

+ Đảng đã quy định rõ những điều đảng viên không được làm. Tôi cho rằng, với tài sản bất minh cần phải xử lý chứ không nên để đóng thuế rồi cho tồn tại. "Anh" không kê khai thì có nghĩa là tài sản không rõ nguồn gốc. Khi sự việc vỡ lở ra thì "anh" lại bảo tài sản có được là do đi bán chổi đót, nuôi heo… Cái này là nói để chống chế thôi chứ nếu lao động chân chính thì tại sao lại không kê khai? Nói như vậy có nghĩa là người ta đã quy định nhưng "anh" đã vi phạm quy định đó.

Với tài sản bất minh cần phải xử lý chứ không nên để đóng thuế rồi cho tồn tại. “Anh” không kê khai thì có nghĩa là tài sản không rõ nguồn gốc.

Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ

Vậy nên theo tôi, tài sản bất minh thì tịch thu là thỏa đáng.

Có trường hợp, khi yêu cầu kê khai, mọi người chẳng có tài sản gì, nào là nhà cấp 4, nhà do nhà nước cấp… nhưng trên thực tế tài sản rất "khủng". Đến khi có vụ việc điều tra ra thì lại bảo tài sản đó là do lao động chân chính. Tôi cho rằng, việc này là không có mà chẳng qua là chưa bị phát hiện ra.

Ví như, "anh" làm Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh, chỉ cần khó khăn trong việc gì đó là người ta chạy đến lo tiền bạc để "anh" chỉ đạo giải quyết cho người ta thì cái đó cũng là tham nhũng. Tuy nhiên, vì tình trạng này không tập trung cụ thể ở một vụ nào lớn nên không tìm ra.

Nói vậy, anh không kê khai là anh vi phạm rồi! Vậy thì tôi phải tịch thu số tiền này để dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây bệnh viện… Nói chung là dành số tiền này cho mục đích công ích.

Tôi từng làm trong lĩnh vực pháp luật nên tôi hiểu rằng, việc tịch thu tài sản bất minh để dành cho mục đích công ích là hoàn toàn không vi phạm gì về pháp luật, quyền sở hữu cả. Quyền sở hữu phải được thừa nhận thì mới được bảo vệ. Còn ở trường hợp này, tài sản là quyền sở hữu của "anh" nhưng không có nguồn gốc rõ ràng, không được pháp luật thừa nhận thì việc tịch thu sẽ không vi phạm gì về quyền sở hữu tư nhân.

Còn những ai nói rằng làm vậy sẽ vi phạm này kia thì chẳng qua là "dễ người thì dễ ta" thôi chứ không phải lý do pháp luật.

-Vấn đề kê khai tài sản cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thưa bà?

+ Kê khai tài sản theo tôi không cần phải đối tượng quá rộng mà chỉ tập trung vào những đối tượng có quyền, có tiền. Khi kê khai thì phải công bố công khai, vì họ là người của công chúng, của nhân dân. Nếu "anh" muốn được tôn trọng quyền tự do thì "anh" đừng giữ những chức vụ đó.

"Kê khai tài sản không cần phải đối tượng quá rộng mà chỉ tập trung vào những đối tượng có quyền, có tiền"

Bà Lê Thị Thu Ba- nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ

Nếu "anh" là một người dân bình thường thì sẽ không ai bươi móc tài sản của anh nhưng khi "anh" đã là người của cử tri, của nhân dân thì phải chịu sự giám sát của cử tri, của nhân dân… chứ không nên lấy lí do để nuôi dưỡng tham nhũng.

-Theo bà, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp này thì sẽ có tác động thế nào đến công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian tới?

+ Tôi cho rằng, ở đây cần sự quyết tâm của người thực hiện Luật, chỉ e rằng có Luật rồi nhưng con người thì vẫn sợ đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, không dám này kia… vì thế, Luật được thông qua chỉ là cơ sở pháp lý để thực hiện thôi, còn con người thực hiện mới là quan trọng.

Dù vậy, tôi tin tưởng vào sự dẫn dắt "cuộc chiến" chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thời gian qua, Tổng Bí thư đã đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lấy lại uy tín của Đảng, Nhà nước - Đây là điều đáng mừng. Nhưng tôi cũng cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng cần được đẩy mạnh hơn nữa, không chỉ ở Trung ương mà còn phải điều khắp xuống cơ sở, cấp tỉnh, huyện …

Cuộc chiến này cần phải được lan tỏa, tiến tới không chỉ xử lý tham ô mà còn nhũng nhiễu nữa vì nhũng nhiễu thường xuất hiện ở cơ sở, liên quan đến dân, đụng chạm đến dân.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ