• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kho "tri thức xưa" độc nhất của người sưu tập báo đất Thành Nam

Văn hoá 22/09/2022 09:00

(Tổ Quốc) - Trong số hơn 20 tấn sách và báo chí đã được ông Nguyễn Phi Dũng sưu tập trong gần 10 năm qua, có cả những tờ thuộc các báo đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam.

Nếu ai có một lần ghé qua mảnh đất Nam Định rồi tìm gặp Nguyễn Phi Dũng, hẳn sẽ thấy ông là một người đặc biệt. Đặc biệt nhất có lẽ là cái cách ông lựa chọn niềm đam mê cho mình, rồi đến việc phải đánh đổi nhiều thứ quý giá như thời gian, sự nghiệp… để "nuôi" niềm đam mê, sưu tầm những tờ báo, những số báo cổ, báo xưa của Việt Nam lẫn thế giới.

Mẩn mê gom lại "tri thức xưa"

Căn phòng bảo quản, trưng bày báo, tạp chí của ông Dũng rộng khoảng 50m2 không khác gì một bảo tàng báo chí thu nhỏ với hàng trăm nghìn đầu báo, tạp chí được đóng thành quyển, xếp ngay ngắn, đặt trang trọng trên bàn.

Ngoài những tờ báo quen thuộc như: Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Thể thao Văn hóa, Thanh niên, Tiền phong, Hoa Học trò… ông Dũng còn có nhiều đầu báo quý hiếm ra trước năm 1945 như tờ: Cứu quốc, Xung phong, Độc lập, Cờ Giải phóng, Tiếng chuông...

Ông Nguyễn Phi Dũng cho biết, ngày trước bố ông có sở thích đọc báo và lưu giữ rất cẩn thận để làm kỷ niệm, tuy nhiên do chiến tranh, chuyển nhà... những tờ báo dần bị thất lạc. Ảnh hưởng từ thói quen đọc báo của bố từ lúc nhỏ, lớn lên khi có thời gian ông thường xuyên mua báo về đọc.

Chính những thông tin báo chí giúp ông mạnh dạn đầu tư kinh doanh các thiết bị trò chơi điện tử cầm tay đầu tiên tại Nam Định vào những năm 1980 và sau đó là chuỗi cung ứng, sửa chữa máy tính hàng đầu tại Nam Định hiện nay.

"Cha tôi, ông Nguyễn Phi Hùng có sở thích đọc, sưu tầm, lưu trữ những tờ báo cũ bằng cách đóng quyển bìa cứng, ghi thứ tự số báo qua từng tháng, năm theo phong trào "Đọc và làm theo báo chí" từ những năm 1960. Trải qua thời gian do chiến tranh, chuyển nhà nhiều lần…, những tập báo cũ của cha thưa dần rồi thất lạc. Tuy nhiên, thói quen đọc báo hàng ngày của ông thì vẫn còn. Được thừa hưởng thói quen tốt từ cha, tôi cũng rất chịu khó đọc. Những năm trở lại đây tôi bắt đầu sưu tầm sách báo cũ."- ông Nguyễn Phi Dũng cho hay.

Trong số hơn 20 tấn sách và báo chí đã được ông Nguyễn Phi Dũng "biến thành của riêng" trong gần 10 năm qua, có cả những tờ thuộc các báo đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam, bằng tiếng Việt như tờ Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn); những tờ báo cách mạng thời kỳ đầu như Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Lao Động, Vui Sống…; những tạp chí văn hóa, văn học nổi tiếng một thời như Phong Hóa, Ngày Nay, Nam Phong…

Chỉ mới kể ra chừng đó thôi nếu ước lượng qua loa, quy theo giá của đồ cổ thì chắc cũng phải bội tiền, nhưng cái lý của người sưu tầm thì lại rất rành mạch: "Không có tờ báo quý nhất, không có tờ báo rẻ nhất. Mỗi tờ báo đều có một vai trò và giá trị nhất định. Như một "thư ký lịch sử", báo chí thông tin kịp thời, nhờ đó mà mỗi sự kiện đều được thể hiện rất cụ thể và rõ ràng".

Những tờ báo không bao giờ là cũ

Giữa một kho tàng tri thức ngồn ngộn và đẫm màu thời gian kia, ông Nguyễn Phi Dũng hào hứng giới thiệu cho chúng tôi về từng giai đoạn lịch sử của đất nước qua từng giai đoạn, đã được phân chia theo từng năm tháng.

Chính chúng tôi cũng chưa thể hình dung ra được rằng để sống với niềm đam mê, để nuôi dưỡng tình yêu cho sách báo cổ của mình, ông đã phải "cắt xẻo" thời gian thế nào, khi mà công việc kinh doanh vốn đã đủ khiến người ta mệt nhoài và không có thời gian dư dả.

Để có được bộ sưu tầm báo chí đồ sộ với nhiều tờ báo quý hiếm như hiện nay, ông Dũng đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc; trong đó có nhiều tờ báo quý hiếm ông phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mới sở hữu được.

Ông Dũng cho biết, thú chơi sưu tầm báo, tạp chí cũng là một kênh đầu tư vì nó cũng như một món đồ cổ, càng để lâu càng có giá trị. Ông hy vọng các con của mình cũng có sở thích, niềm đam mê, đặc biệt là sự trân trọng đối với các tờ báo; còn không, ông sẵn sàng hiến tặng toàn bộ cho Bảo tàng.

Năm 2020, nhân dịp Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề "Báo chí Việt Nam 1865-2020: Những ấn phẩm đầu tiên", ông Dũng đã hiến tặng Bảo tàng bản gốc tờ báo Vui Sống đầu tiên, phát hành năm 1946; tờ báo Độc Lập số 22, năm 1950, phát hành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tờ Lao Động xuất bản năm 1952, trong đó có bài "Tin tưởng vào Đảng" của nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt.

Đam mê thôi chưa đủ, ông Dũng luôn nghiên cứu và đầu tư thời gian, tham gia các diễn đàn để học hỏi, chia sẻ và sưu tầm thêm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Không ngừng gia tăng khối lượng sản phẩm ngày càng phong phú, cũng như trau dồi thêm kiến thức trong việc bảo quản những bảo vật đó được lâu dài và chất lượng. Điều ông luôn trăn trở là làm sao chống lại tình trạng "chảy máu báo", hay nguy cơ "khai tử" báo giấy, khi cuộc sống hiện đại làm lu mờ hình ảnh những sạp báo lề đường.

Lật từng tờ báo trong hòm kho tàng, ông Dũng kể lại cụ thể những lần xuất bản đầu tiên và những trang cách mạng như: Cứu quốc, Cờ giải phóng, Sự thật, Chông phong, Độc lập, Quốc hội, Bình dân, Nhân dân, Nhân dân. Quân đội, Giải phóng, … trong đó có nhiều tờ báo đã bị ngừng sản xuất hoặc đổi tên cho phù hợp với thời kỳ mới.

Bén duyên với nghề sưu tầm ngoài niềm đam mê, ông còn may mắn sưu tầm được nhiều tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của các vị lão thành cách mạng như Trường Chinh, Lê Duẩn…. các nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Để bảo quản kho báo, tạp chí khổng lồ, ông Dũng dành hẳn căn phòng rộng khoảng 50m trên tầng 4, lắp đặt máy điều hòa, thiết bị hút ẩm, thường xuyên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 22 độ C. Với những tờ báo đặc biệt quý hiếm, ông bảo quản bằng cách bọc từng tờ báo bằng giấy ni lông, cuộn tròn và cho vào những ống vỏ đạn rồi đặt cẩn thận trong tủ kính.

"Ngoài yếu tố nội dung thì chất liệu giấy của báo chí xưa cũng đa dạng từ giấy dó, giấy rơm đến giấy bản; mỗi chất liệu giấy lại gắn với một giai đoạn lịch sử riêng của báo chí cũng như lịch sử của đất nước. Thế nên chỉ nhìn thoáng qua thôi là tớ đã biết được tờ báo đó được xuất bản giai đoạn nào". Ông cho biết thêm.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong trang viết của mình ông từng chia sẻ: "Sách cũ, giấy đen, không còn đọc được, nhưng nó lại có giá trị của những trang nhật ký cuộc đời. Nó là kỷ niệm, là nhắc nhớ, là những cuốn sách không phải để đọc mà để nghĩ ngợi, để suy tư, để ngẩn ngơ cùng năm tháng đời người".

Với những người yêu thích công việc sưu tầm sách báo cũ như ông Dũng, nhận định này rất đúng. Trên tất cả, họ đến với sách báo vì tình yêu sau những con chữ, sau mới là niềm đam mê sưu tầm, cũng là để nghiên cứu, vừa để giữ gìn chúng.

Sưu tầm, giữ gìn cẩn thận, sẵn sàng chia sẻ với những ai có cùng đam mê, yêu mến sách báo cũ, cũng là cách ông Dũng đang góp phần lưu giữ lại một phần lịch sử của đất nước, dân tộc cho những đời sau.

 

Nhật Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ