(Tổ Quốc) - Sáng nay (28/12), UBND Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ khởi công Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều).
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) do UBND Thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam 50% và UBND Thành phố Hội An 50%. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2023.
Quy mô của dự án gồm: Xây dựng nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích; đảm bảo giao thông dân sinh và phục vụ khách tham quan trong quá trình tu bổ; Tu bổ Chùa Cầu, gồm: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; Số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và công tác tu bổ; tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; Tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật bao gồm: điện chiếu sáng cảnh quan; chống sét; PCCC; mạng internet; hệ thống camera an ninh…
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND Thành phố Hội An cho biết, Chùa Cầu - Cầu Nhật Bản - Lai Viễn Kiều là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới. Là di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện (lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật…), là sự hội tụ, sự kết hợp hòa quyện các thành phần, các giá trị văn hóa nội sinh và ngoại nhập, phương Đông – phương Tây, tạo nên một chỉnh thể đa dạng trong thống nhất, trở thành biểu tượng của thành phố Hội An.
"Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XV, đến nay đã trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chứng kiến bao thay đổi thời cuộc, Chùa Cầu luôn nhận được sự ưu ái, quan tâm đặc biệt của triều đình phong kiến và chính quyền sau này, của bao thế hệ cư dân Hội An, là hạt nhân tạo nên giá trị nổi bật của di tích Quốc gia đặc biệt, là biểu trưng cho truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất và con người Hội An, là đối tượng nghiên cứu của các ngành, cảm hứng sáng tác của văn nghệ sĩ, là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi tham quan Hội An", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, với tuổi đời gần 400 năm tồn tại trong khu vực có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chịu tác động của nhiều yếu tố về thời gian, môi trường tự nhiên và con người nên di tích đã và đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Dù luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn di tích với khoảng hơn 7 lần sửa chữa lớn nhỏ trước đây. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay di tích đã ở trong tình trạng xuống cấp nguy hiểm nên yêu cầu đặt ra cần phải có giải pháp toàn diện để trùng tu là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách.
"UBND Thành phố đã chỉ đạo và giao Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa phối hợp với các cơ quan, ban ngành của Thành phố tổ chức triển khai thực hiện dự án với yêu cầu đặt ra là phải hết sức bài bản, khoa học, đảm bảo các nguyên tắc trùng tu di tích. Quá trình triển khai đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp thẩm quyền ở Trung ương, ở Tỉnh cùng với sự chung tay góp sức của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, dự án đã nhận được sự tài trợ quý giá về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ Tổ chức Jica Nhật Bản", ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.