(Tổ Quốc) - Ngày 20/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 với chủ đề "Thế giới tôi đọc" do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ tham dự sự kiện.
Sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4.
Với chủ đề "Thế giới tôi đọc", Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu quý sách và công chúng cả nước, góp phần phát huy giá trị của sách, của văn hóa đọc trong cộng đồng; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển bản thân và xã hội; kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài, đồng thời tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho phát triển sách và văn hóa đọc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Mỗi cuốn sách hay không chỉ chứa cả kho tàng tri thức, tinh hoa trong đó mà còn mở ra cánh cửa hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ với những thông điệp đầy tính nhân văn.
Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc - UNESCO chọn ngày 23/4 là "Ngày Sách và Bản quyền thế giới' và tại nước ta, ngày 21/4 hàng năm đã được Quốc hội khóa XIV thông qua là "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam". Đây là những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của sách trong đời sống xã hội; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng không chỉ giới hạn trong các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các phương tiện nghe, nhìn, nền tảng số. Đồng thời, tôn vinh những người viết sách, làm sách, lưu giữ, quảng bá sách, kết nối bạn đọc trong nước và nước ngoài tạo ra những hiệu ứng tích cực xây dựng một xã hội học tập góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
"Tri thức của cá nhân hay cộng đồng được hình thành thông qua sự lựa chọn trong quá trình tiếp nhận và trải nghiệm thực tiễn. Để việc đọc sách trở thành thói quen của mỗi người dân, tạo nên nền tảng phát triển nhận thức và tư duy về cuộc sống cần có sự phối hợp chặt chẽ của các thiết chế văn hóa, đặc biệt là hệ thống thư viện - cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, nơi học tập suốt đời cho mọi người" - ông Nguyễn Xuân Dũng nhấn mạnh.
Đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, công chúng và bạn đọc có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các tác giả, dịch giả, nhà phê bình, nhà khoa học, nhà quản lý, những người yêu quý sách trong các hoạt động mang ý nghĩa văn hóa, tri thức, xã hội và giáo dục cao như tọa đàm - Giao lưu tác giả, tác phẩm, Trải nghiệm kỹ năng đọc sách.
Và với 1000 tư liệu tiêu biểu được lựa chọn từ vốn di sản văn hiến của dân tộc hiện đang được lưu giữ tại Thư viện, triển lãm "Sách- Cánh cửa mở ra thế giới" được trưng bày với các nội dung: Sách - Thay đổi tư duy; Sách - Mở rộng tầm nhìn; Sách - Khám phá thế giới; Từ trang sách tới thành công đã mang đến cho công chúng và bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.
Bên cạnh đó, một số hoạt động như Đọc sách sáng tạo, Khám phá thư viện số, Vẽ tranh theo sách sẽ đưa các em thiếu nhi đắm mình vào những câu chuyện sâu sắc, thỏa sức họa nên những bức tranh sinh động, tìm hiểu về nhiều nền văn hóa đa dạng trên thế giới để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, trau dồi khả năng ngoại ngữ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với sách, duy trì niềm vui và thói quen đọc sách mọi lúc mọi nơi.
Song hành với các hoạt động được tổ chức thường niên, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo công chúng và bạn đọc, Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam còn được tổ chức với nhiều hoạt động mới. Điển hình như, "Trạm bảo tồn sách" đã giới thiệu đến công chúng một trong những hoạt động chuyên môn quan trọng của thư viện và tham gia trải nghiệm một số kỹ năng tu bổ, phục chế cơ bản nhất để hiểu về công tác giữ gìn và bảo quản tài liệu, để trân trọng từng cuốn sách và những người làm công tác thư viện. Đồng thời phát huy khả năng tư duy, sáng tạo trong việc tạo ra những sản phẩm độc đáo gắn liền với các hoạt động đọc và khuyến đọc.
Cùng với đó, còn có các hoạt động khác như: Thi trực tuyến "Sách hay tìm tên đẹp", Có hẹn cùng Fanpage, Gieo mầm tri thức đã góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh Thư viện tới bạn đọc và công chúng, tăng cường sự trải nghiệm tương tác gắn với hoạt động đọc và khuyến đọc.
Đến tham dự chương trình, bạn Đinh Khánh Linh - Học sinh trường THCS Hùng Vương, Hà Nội) chia sẻ: "Là một người có niềm đam mê với sách, nên khi đến tham gia vào sự kiện hôm nay, em cảm thấy rất vui và thích thú. Ở đây không chỉ có nhiều hoạt động để cho em tham gia và trải nghiệm mở rộng kiến thức mà mình còn được kết nối, giao lưu với rất nhiều các bạn học sinh ở trường khác. Đặc biệt, năm nay, chương trình đã có một hoạt động mới rất bổ ích đó chính là "Trạm bảo tồn sách", hoạt động giúp cho em hiểu hơn về các kỹ năng tu bổ, phục chế sách cũng như hiểu được sự vất vả của những người đang làm công việc này. Qua đó, em nhận thấy bản thân cần phải trân trọng, gìn giữ những cuốn sách của mình cẩn thận hơn nữa và chia sẻ, lan tỏa kỹ năng đã được học ngày hôm nay đến với người thân, bạn bè xung quanh. Trong thời gian tới, em mong sẽ có nhiều chương trình về sách hay như này để có thể tham gia và lan tỏa niềm đam mê với sách, lan tỏa văn hóa đọc rộng rãi đến với nhiều bạn trẻ hơn nữa".
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục là địa chỉ tin cậy để tiếp nhận và chia sẻ nguồn tài trợ sách, thiết bị của các tổ chức, cá nhân tới các thư viện vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều khó khăn./.