(Tổ Quốc) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Nguyễn Thanh Quang khẳng định, việc UNESCO thông qua hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long không chỉ mở ra việc khơi thông trục Hoàng đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên mà còn giúp tái hiện, phục dựng lại các nghi lễ truyền thống của cha ông tại không gian này, cũng như góp phần phát triển vào văn hóa, du lịch Thủ đô.
- 02.10.2024 Nhiều hoạt động đặc sắc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long
- 06.09.2024 Trải nghiệm Tết Trung thu xưa tại Hoàng thành Thăng Long
- 24.07.2024 Ủy ban Di sản thế giới đồng thuận định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn, phát triển Hoàng thành Thăng Long
Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới năm 2010 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã thực hiện tốt các công tác về di sản thế giới. Đặc biệt, vừa qua, UNESCO đã chính thức thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ðây là minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung trong bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản quý báu này.
Để tìm hiểu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long sau khi được UNESCO thông qua hồ sơ trong thời gian tới, Báo điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Nguyễn Thanh Quang.
+ Sau 14 năm được UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, trong thời gian qua, công tác triển khai bảo tồn và phát huy di sản được Hoàng thành Thăng Long thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Với những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản như: chiều dài lịch sử văn hóa; tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, năm 2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Theo tôi, trong 3 tiêu chí để Hoàng thành Thăng Long được ghi danh có một tiêu chí rất quan trọng đó là trung tâm quyền lực của Việt Nam trải dài qua 13 thế kỷ và hiện nay nó vẫn đang tồn tại sau hơn 1000 năm lịch sử.
Từ khi di sản được công nhận, chúng tôi cũng đã tập trung vào mục tiêu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long và đạt được rất nhiều kết quả tích cực. Điển hình như, công tác nhất thể hóa di tích và di vật, đến nay, việc nhất thể hóa di tích cơ bản đã hoàn thành. Còn một chút vấn đề ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự, trong năm nay, Bảo tàng sẽ chuyển giao lại cho Hoàng thành Thăng Long và hoàn thành nhất thể hóa về mặt di tích. Về mặt di vật, chúng tôi đã có những kế hoạch cụ thể, đến hết năm 2025 toàn bộ di vật sẽ được Hoàng thành Thăng Long nhận về. Đây là một việc làm mà quốc tế đánh giá rất cao trong việc chúng ta thực hiện Cam kết.
Từ khi mở cửa đón khách tham quan, Hoàng thành Thăng Long cũng rất quan tâm đến những trải nghiệm của du khách. Chúng tôi đã triển khai các phòng trưng bày để du khách có thể chiêm ngưỡng các Bảo vật quốc gia của Hoàng thành Thăng Long – những bảo vật được khai quật tại nơi đây cũng như tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của Hoàng thành Thăng Long.
Bên cạnh đó, một "điểm sáng" khác của việc phát huy giá trị di sản ở Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua là ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích như: Wifi miễn phí, thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử... nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu 3D về di tích, di vật, diễn giải các dấu tích kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long để phục vụ công tác nghiên cứu...
Không chỉ phát huy giá trị văn hóa vật thể, chúng tôi còn tập trung phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Ví dụ như chúng tôi đã tái hiện được Lễ Thiết triều của thời Lê – đây là nghi lễ cực kỳ quan trọng được diễn ra vào mùng 1 Tết hằng năm; hay Tết Việt, Tết Đoan ngọ… Đây là những mục tiêu mà chúng tôi hướng đến, thể hiện được ngoài những giá trị di sản vật thể thì những giá trị di sản phi vật thể cũng đã làm nên những hồn cốt, giá trị của Hoàng thành Thăng Long.
Đặc biệt, chúng tôi còn tổ chức những lớp học giáo dục di sản để thế hệ trẻ hiểu hơn, gắn bó hơn với di sản thông qua các chương trình: "Em tìm hiểu di sản" và "Em làm nhà khảo cổ". Mỗi năm, không tính hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan, hàng chục nghìn học sinh các cấp đã tham gia hoạt động trải nghiệm, qua đó, nuôi dưỡng tình yêu di sản trong các em. Và đây chính là thế hệ sau này sẽ tiếp tục giữ gìn và bảo vệ di sản của cha ông để lại cho mai sau.
+ Vừa qua, UNESCO chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Từ đó, mở ra việc khơi thông trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên. Theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Hoàng thành Thăng Long nói riêng, Việt Nam nói chung?
- Để có được một hồ sơ được phê duyệt vào 24/7/2024 tại Ấn Độ là cả một quá trình rất dài. Đây là một hồ sơ mang tính khoa học rất cao, bởi quốc tế họ chỉ quan tâm đến việc các quốc gia thành viên đã và đang làm có đúng với Công ước 1972 hay không và chúng ta đã làm được việc đó. Đây là hình mẫu hợp tác giữa quốc gia thành viên với UNESCO và cơ quan tư vấn, cũng là điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.
Từ Hội thảo khoa học quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội" vào tháng 9/2022 đã ra được một thông cáo về Hà Nội và có rất nhiều ý kiến. Trong đó, có một ý kiến rất quan trọng là có những yếu tố hiện hữu khác đã gây cản trở quá trình thực hiện Cam kết. Vậy nên, hồ sơ khoa học lần này chúng tôi cũng tập trung, bám sát vào việc đó để làm sao công tác khai quật khảo cổ học tìm ra những cái quý giá dưới lòng đất, từ đó thực hiện một cách đầy đủ nghiêm túc theo đúng khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Trong hồ sơ, bạn bè quốc tế cũng đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010 đến nay. Trong hồ sơ cũng thể hiện được chiến lược trong công tác khảo cổ, tầm nhìn cho trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long và tương lai diễn giải di sản của Hoàng thành Thăng Long đến công chúng như thế nào. Đó là những thành phần cốt lõi của hồ sơ đã được công nhận.
Việc UNESCO thông qua hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long không chỉ được giúp mở ra việc khơi thông trục Hoàng đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên mà việc làm này còn giúp tái hiện, phục dựng lại các nghi lễ truyền thống của cha ông tại không gian này, cũng như góp phần phát triển vào văn hóa, du lịch Việt Nam. Đặc biệt, giúp cho công chúng có thể tìm hiểu về di sản của cha ông để lại để thêm yêu và bảo tồn giữ gìn chúng.
+ Để phục dựng lại một di tích không phải điều dễ dàng, Hoàng thành Thăng Long có thuận lợi, khó khăn như thế nào trong việc phục dựng sắp tới, thưa ông?
- Khi được UNESCO thông qua hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị di sản, việc sau đó Hoàng thành Thăng Long cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức vì còn rất nhiều công việc phải làm để cụ thể hóa hồ sơ khoa học này. Chúng tôi phải báo cáo với Chính phủ về tiến trình phục dựng cũng như phải làm rất nhiều công việc khác nhau để chứng minh cho UNESCO thấy được những việc Hoàng thành Thăng Long đang làm đúng với quy định và thực hiện đầy đủ Công ước 1972 và thực hiện đầy đủ các quy định của Việt Nam, đặc biệt Luật Di sản văn hóa..
Và trong hồ sơ cũng đã ghi rất rõ chiến lược khảo cổ sẽ đi dần từng bước một và có những việc làm tiến tới dần dần toàn bộ khu vực sân Đan Trì và Long Trì sẽ được thực hiện đầy đủ chức năng của nó, trong đó có việc thực hiện các nghi lễ truyền thống mà cha ông chúng ta đã thực hiện.
Bên cạnh đó, trên nền điện, chúng ta sẽ thực hiện dần dần việc khảo cổ học để tìm được ra mặt bằng của điện Kính Thiên mà hiện nay đã tìm được hai bên, còn một phần ở giữa cần phải tiếp tục khai quật để tìm ra được mặt bằng chính thức của điện Kính Thiên. Từ đó, chúng ta sẽ dần dần thiết lập một hồ sơ phục dựng, tái hiện của không gian của điện Kính Thiên, đó là một nét rất cơ bản của hồ sơ khoa học đợt này.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện từng công việc đó, thực hiện từng bước thật cụ thể và vững chắc để tiến tới có thể xây dựng khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên. Đồng thời, đảm bảo rằng những phần được hạ giải sẽ không bỏ đi mà được bảo tồn theo một cách khác, và sẽ phục dựng nó ở một vị trí nào đó theo điều kiện cụ thể.
+ Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!