(Tổ Quốc) - Khép lại năm 2020 - một năm đầy thách thức đối với Thủ đô cũng như cả nước, với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, Hà Nội đã hoàn thành đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu tưởng chừng không thể hoàn thành như: thu ngân sách nhà nước; tăng trưởng kinh tế gấp 1,4 lần cả nước; kiềm chế lạm phát ở mức dưới 3%...
Thành công từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thành phố
Hà Nội là địa phương có quy mô nền kinh tế lớn, hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực, thế giới, do vậy, cũng là địa phương sớm chịu tác động của đại dịch Covid-19. Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2020, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố sớm nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình dịch để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp.
Thường trực Thành ủy cũng chủ trì, làm việc với Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Thành phố và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, thích ứng với dịch Covid-19; làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chuyên đề về điều hành thu, chi ngân sách; về phát triển sản xuất nông nghiệp để vực dậy quyết tâm tăng trưởng ngành này phải trên 4% trong năm 2020 và trong khó khăn do tác động của dịch bệnh, ngoại thành phải "chi viện" cho nội thành, nông nghiệp phải là trụ đỡ của nền kinh tế...
Để trả lời câu hỏi vì sao trong khó khăn do tác động của dịch Covid-19, song tăng trưởng kinh tế Thủ đô vẫn đạt 3,98% và gấp 1,4 lần cả nước; thu ngân sách đạt 286.258 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán, tăng 6% so với năm 2019 (chưa tính số giảm thu 3.930 tỷ đồng do chính sách giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn mới ban hành và áp dụng trong năm 2020 cho các đơn vị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); tình hình dịch bệnh và thời tiết không thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 4,2% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây..., nhiều ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cộng đồng doanh nghiệp đều có chung nhận định: Nhân tố "quyết định" chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của lãnh đạo Thành phố, đặc biệt là sự chỉ đạo vô cùng sâu sát, quyết liệt, theo đến cùng của đồng chí Bí thư Thành ủy, cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ Thủ đô.
Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với UBND Thành phố, tháng 3/2020, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó, tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2020, trước bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Thủ đô và cả nước, Bí thư Thành ủy đã khẳng định quyết tâm sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong năm 2020; đồng thời, phấn đấu hoàn thành, đạt các chỉ tiêu trong năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016-2020. "Để làm được điều này, Thường trực Thành ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị Thành phố phải cùng vào cuộc, triển khai các giải pháo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Quyết tâm của lãnh đạo cao nhất Thành phố đã được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng, triển khai bằng những giải pháp cụ thể. Mặc dù là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, khi lượng khách du lịch đến Thủ đô giảm 70% so với năm 2019, nhưng tính chung cả ngành dịch vụ của Thành phố trong năm 2020 vẫn tăng 3,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 10% so với cùng kỳ... "Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành công thương và du lịch, dịch vụ trong kích cầu nội địa, tăng cường kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong cả nước" - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận.
Ngành công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tính chung cả năm 2020, ước tăng 6,76% và đóng góp 1,51 điểm % tốc độ tăng GRDP chung của toàn Thành phố. Đáng chú ý, trong khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hà Nội ước tăng 4,45% so với năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 4,3% và chiếm trên 90% trong cơ cấu ngành công nghiệp; xuất khẩu cũng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019...
Cũng trong năm 2020, thành phố đã giải quyết dứt điểm, tạo chuyển biến tích cực đối với nhiều việc khó tồn đọng kéo dài nhiều năm, trong đó đáng phải kể đến là Hà Nội đã hoàn thành xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và lợi ích của các bên liên quan.
Ngoài ra, trước những tồn tại và vướng mắc kéo dài nhiều năm của dự án Khu Liên hiệp Xử lý chất thải Sóc Sơn, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế, lắng nghe kiến nghị của nhân dân và làm việc với toàn thể các bộ phận liên quan. Tại đây, Bí thư Thành ủy cho rằng, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với Thành phố. Vì vậy Thành phố, các cấp, các ngành cũng phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm cao, chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền của Thành phố, nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.
Do đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện Sóc Sơn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn, chủ động hơn, xác định đây là nhiệm vụ của huyện để giải quyết, phát huy phương châm "4 tại chỗ". Từ những chỉ đạo căn cơ, triệt để, quyết liệt của Bí thư Thành ủy, các cấp, các ngành và huyện Sóc Sơn đã sốc lại công việc, đến nay tình hình tại Khu Liên hợp đã ổn định và đang triển khai theo đúng tiến độ.
Đặc biệt, với quyết tâm tiên phong trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 và mặt trận phục hồi, phát triển kinh tế, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển" (ngày 27/6), thu hút 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần về số dự án và số vốn thu hút so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016). Với bản lĩnh, sự quyết đoán và định hướng đúng đắn của người đứng đầu thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hội nghị đã được tổ chức hết sức thành công, qua đó đóng góp vô cùng lớn vào phát triển kinh tế-xã hội và thu ngân sách của thành phố trong năm 2020.
Từ nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô đã "bật tăng" trở lại theo hình chữ "V". Cụ thể, trong quý I, GRDP Thành phố tăng 4,43%; quý II là quý chịu tác động nặng nhất của dịch Covid-19, nên tăng 2,41%; quý III phục hồi tăng trưởng đạt 3,31% và quý IV tăng trưởng mạnh, đạt 5,77%. Tính chung GRDP của Thành phố cả năm 2020 ước tăng 3,98% - cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước. "Những kết quả trên thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội; sự nỗ lực và cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong triển khai và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của Thành phố để thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" là vừa phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế", Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận.
"Sức bền" của kinh tế Thủ đô
Nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách là một chỉ tiêu được xác định khó hoàn thành. Song, với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, khai thác tốt những khoản thu bền vững, nên Hà Nội đã "cán đích" thu ngân sách cả năm với 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2019.
Trên vai trò tư lệnh ngành Thuế Thủ đô, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Mai Sơn cho biết, ngay từ đầu năm, thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt và định hướng kịp thời; các cấp, ngành của Thành phố đã phối hợp chặt chẽ, vào cuộc nhanh chóng, đồng bộ trong công tác quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước.
Thành phố đã tập trung thực hiện tốt 21 chương trình, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, với tổng số kinh phí là hơn 215 tỷ đồng; triển khai các ưu đãi về thuế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn - giảm thuế, hoàn thuế... theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh khai thác các khoản thu còn dư địa; đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách công tác quản lý thuế; tăng cường thanh - kiểm tra, chống thất thu đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm; đồng thời, đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng hóa đơn điện tử...
"Công tác thu ngân sách có khởi sắc trong những quý cuối năm, đặc biệt là từ cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các cơ quan, đơn vị về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2020 của Thành phố, diễn ra ngày 10/9/2020", Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Mai Sơn cho biết.
Nhờ đó, kết quả tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 286.258 tỷ đồng, bằng 102,7% dự toán, tăng 6% so với năm 2019. Cơ cấu nguồn thu chuyển dịch tích cực, thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 259.100 tỷ đồng (chiếm trên 92% tổng số thu), đạt 100,3% dự toán, tăng 4,6% so với thực hiện năm 2019. Kết quả này càng đáng mừng hơn khi trong năm 2020, mặc dù rất khó khăn, Thành phố vẫn giảm, giãn, hoãn cho các doanh nghiệp hơn 25.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, tiền thuê đất, chiếm 30,4% của cả nước. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của đầu tàu kinh tế, khi Hà Nội đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước, riêng thu nội địa chiếm 21% tổng thu nội địa của cả nước.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá, mặc dù chịu nhiều tác động nặng nề của dịch Covid-19, song về cơ bản, Thành phố vẫn đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Để có những kết quả đó, trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành; là truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ; sự quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô và của cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành.
Ngoài ra, còn là sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong cả nước. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tin tưởng, những kết quả của năm 2020 sẽ là tiền đề, động lực để Hà Nội quyết tâm triển khai thắng lợi nhiệm vụ năm 2021 cũng như nhiệm kỳ 2020-2025 ngay từ những ngày đầu.
Tăng cường kỷ cương, trách nhiệm ở mọi lĩnh vực
Với chủ đề công tác năm 2021 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu phải siết chặt kỷ cương trên mọi lĩnh vực; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm từng tháng, từng quý; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng về cơ sở để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, qua đó, giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị Thành phố phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để bùng phát đợt dịch thứ 3; đồng thời, tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế; quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo Kết luận số 91-KL/TW, ngày 22/10/2020, Hội nghị Trung ương 13 (khóa XII), Nghị quyết của Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh - tế xã hội năm 2021; phấn đấu GRDP tăng từ 7,5% trở lên; vốn đầu tư xã hội tăng từ 12% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...
Thành phố cũng tập trung thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết quan trọng của Quốc hội, đó là Nghị quyết số 97/2012/QH14, ngày 27/11/2019, của Quốc hội về thực hiện "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" và Nghị quyết số 115/2020/QH14, ngày 19/6/2020, của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với thành phố Hà Nội; gắn với quyết tâm chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp của thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng với đó, Thành phố sẽ khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội năm 2021 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá của Thành phố, tạo bước chuyển biến trong xây dựng và phát triển Thủ đô.