• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khởi tố 1.038 vụ/2.811 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ trong năm 2024

Thời sự 19/12/2024 18:22

(Tổ Quốc) - Chiều 19/12, tại Trụ sở Kiểm sát nhân dân đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát nhân dân.

Khởi tố 1.038 vụ/2.811 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ trong năm 2024 - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị

Khởi tố 1.038 vụ/2.811 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ trong năm 2024

Năm 2024, ngành Kiểm sát đã có nhiều nỗ lực, bảo đảm các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 100.394 vụ án hình sự, tăng 2,1% so với năm 2023. Trong đó, đã khởi tố 37 vụ/46 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia: đã khởi tố 31.746 vụ án/73.767 bị can tội phạm xâm phạm trật tự xã hội: Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường, đã khởi tố 38.217 vụ án/41.467 bị can, tăng 2,1% vụ; tội phạm về tham nhũng, chức vụ, đã khởi tố mới 1.038 vụ/2.811 bị can, tăng 91 vụ (9,6%).

Ngành Kiểm sát nhân dân đã tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm”.

Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiều đổi mới, đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, với quyết tâm chính trị rất cao việc triển khai thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tổ chức, cán bộ của Ngành bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Tích cực triển khai Nghị quyết Trung ương 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong xây dựng pháp luật. Đề xuất Quốc hội xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật về tư pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Vừa qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án. Đến nay, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở pháp lý để xem xét, xử lý sớm vật chứng, tài sản trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đảm bảo hiệu quả, sớm đưa các tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo

Đánh giá cao kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2024 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng năm 2025, cả hệ thống chính trị cần phải tăng tốc, bứt phá để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội 14.

Khởi tố 1.038 vụ/2.811 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ trong năm 2024 - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị

Năm 2025, đất nước có nhiều dấu mốc quan trọng, cũng là năm ngành Kiểm sát tròn 65 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Bên cạnh đó, đất nước ta cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, khó dự đoán. Ở trong nước, tình hình vi phạm, tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức mới phải giải quyết.

Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, toàn Ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa; tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra. Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ đã nêu và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho Ngành, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tội phạm về kinh tế, chức vụ.

"Tôi nhấn mạnh giải pháp chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa là quan trọng. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thực hành quyền công tố. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nhất là chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan kịp thời xử lý các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngành kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong thi hành. Chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm; yêu cầu các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra, đảm bảo thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp thực sự trong sạch.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành kiểm sát tiếp tục triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng yêu cầu và tiến độ của Ban chỉ đạo Trung ương. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau khi sắp xếp, bộ máy tổ chức cán bộ đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, khoảng trống về thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng giải quyết án, giữ vững kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh trong thực thi công vụ.

Ngành kiểm sát thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đã thông qua 2 Luật, 05 Nghị quyết về ngành Kiểm sát; bên cạnh đó, trong các nghị quyết của Kỳ họp của Quốc hội đều có nội dung giao nhiệm vụ cho ngành kiểm sát. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là đạo luật mới trong hệ thống pháp luật nước ta, liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát. Các quy định của Luật rất nhân văn, tiến bộ, tạo cơ hội để người chưa thành niên sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổ chức tập huấn kỹ lưỡng trong toàn Ngành và khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngành kiểm sát tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ chuyên gia về dữ liệu điện tử, công nghệ cao. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự. Bên cạnh đó, đổi mới phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, Ngành, địa phương, nhất là các cơ quan tư pháp, khối nội chính.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ