(Tổ Quốc) -“Theo tôi nên xem xét, nếu không an toàn thì phải đóng cửa nhà máy thuỷ điện Hố Hô vì năm 2010 nhà máy này cũng đã từng xả lũ để xảy ra ngập lụt cho dân rồi”, TS Đào Trọng Hưng – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc Công ty CP thủy điện Hồ Bốn. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giữ 93,09% cổ phần của Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Công suất hai tổ máy 2x7MW, dung tích hồ toàn bộ lên tới 38 triệu m3 và mực nước dâng bình thường 70m.
Nguồn: Internet |
Tại cuộc họp bàn ứng phó với mưa bão sắp tới và xoay quanh hoạt động xả lũ với cường độ 500m3/s - 1.800m3/s của nhà máy thuỷ điện Hố Hô chiều 14/10 khiến hàng ngàn hộ dân chìm trong biển nước, ông Nguyễn Văn Thông - Phó GĐ Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô khẳng định đã điều hành xả lũ đúng quy trình.
Tuy nhiên, hầu hết chủ tịch các xã ở huyện Hương Khê đều cho rằng, nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ chỉ thông báo cho họ trước đó 1 tiếng, chính quyền và nhân dân không kịp trở tay, trong khi chủ trương xả lũ phải được thông báo trong vòng 10 tiếng trước đó mới được phép xả.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - ông Lê Ngọc Huấn cho biết, Uỷ ban không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo.
“Đại diện nhà máy chỉ thông báo qua điện thoại tới một vị phó chủ tịch huyện lúc 16h. Cả huyện hoàn toàn bị động trước việc này”, ông Huấn nhắc lại.
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về quy trình xả lũ, TS. Đào Trọng Hưng cho biết, theo quy định, nhà máy Thuỷ điện Hố Hô phải thông báo đến các thôn, xã...đặc biệt là những nơi bị ảnh hưởng trực tiếp trước 2 ngày trước khi xả lũ.
Vì nhà máy Thuỷ điện Hố Hô có dung tích nhỏ nên Hố Hô không có chức năng ngăn hay điều tiết nước lũ. Nếu nước đầy, không xả thì sẽ vỡ đập gây thảm họa, thiệt hại còn kinh khủng hơn. Tuy nhiên, Nhà máy cũng nên báo sớm hơn để người dân còn có thời gian chuẩn bị di dời và cũng nên xả nước vào ban ngày để tránh thiệt hại cho người dân.
“Đúng ra nhà máy Hố Hô phải thông báo sớm bằng văn bản, ngoài ra chỉ được xả trong giới hạn cho phép và an toàn, không ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Điều này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định. Đây chỉ báo trước khi xả lũ 1 tiếng thì đồng nghĩa với việc thiên tai xảy ra rồi”, TS Đào Trọng Hưng nói.
Theo TS Đào Trọng Hưng, việc Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh tra vào Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô để kiểm tra, xác minh... sẽ sớm mang lại kết luận về hành động xả lũ gây thiệt hại nặng nề và “ám ảnh” này.
“Đây là lần thứ 2 Nhà máy Thuỷ điện này xả lũ gây lũ lụt lớn cho người dân. Trước đó, vào năm 2010 cũng đã từng xảy ra tình trạng này. Vì thế, theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng nên xem xét, cần thiết thì phải đóng cửa nhà máy thuỷ điện Hồ Hô. Đối với các nhà máy thuỷ điện khác cũng vậy, nếu không an toàn thì phải đóng cửa..
“Đáng lẽ ra Nhà máy phải chịu thiệt, phải xả trước thì đã có thể tránh được mất mát cho người dân. Hoặc chí ít thì cũng nên xả vào ban ngày thì chắc chắn sẽ đỡ thiệt hại hơn cho người dân.”, TS Đào Trọng Hưng nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Huy Minh, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng đặt câu hỏi: “Tại sao cách đây 6 năm Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô đã mắc lỗi khi xả lũ làm thiệt hại cho người dân mà nay vẫn lại để xảy ra tình trạng tương tự, thậm chí còn khủng khiếp hơn? Tại sao không xử lý?”.
Ông Minh cho rằng, về mặt quản lý Nhà nước như vậy là chưa ổn. Cần phải làm rõ trách nhiệm các bộ liên quan./.
Hà Giang