• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không áp dụng phương thức PPP cho lĩnh vực Văn hóa là một thiếu sót lớn

Thực hiện: Bảo Trân | 18/07/2024

(Tổ Quốc) - Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, lĩnh vực văn hóa hiện nay chưa được quy định áp dụng phương thức PPP. Dù đã có nhiều chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho việc huy động nguồn lực xã hội đối với lĩnh vực văn hóa, nhưng rõ ràng, việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định cho một số lĩnh vực nhưng lại bỏ lĩnh vực văn hóa ra ngoài là một thiếu sót lớn.

Không áp dụng phương thức PPP cho lĩnh vực Văn hóa là một thiếu sót lớn - Ảnh 1.

Bảo tàng Quảng Ninh. (Hình minh họa)

Thiếu sót lớn khi lĩnh vực Văn hóa không được áp dụng phương thức PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 quy định: “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”.

Tại Điều 4 của Luật này quy định các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: (1) Giao thông vận tải; (2) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; (3)Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; (4) Y tế; giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.

Như vậy, lĩnh vực văn hóa hiện nay chưa được quy định áp dụng phương thức PPP. Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dù chúng ta đã có nhiều chính sách, quy định để tạo thuận lợi cho việc huy động nguồn lực xã hội đối với lĩnh vực văn hóa, nhưng rõ ràng, việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được quy định cho một số lĩnh vực nhưng lại bỏ lĩnh vực văn hóa ra ngoài là một thiếu sót lớn.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng khẳng định, nguồn kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay còn rất thấp so với nhu cầu. Thế nhưng, lĩnh vực văn hóa ở nước ta lại chưa được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây một vấn đề được đề cập nhiều nhất trong các cuộc giám sát, khảo sát, phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thời gian qua.

Việc chưa có quy định về đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa dẫn tới vướng mắc trong quản lý, sử dụng, khai thác di sản văn hóa. Các địa phương đang rất cần khai thác, phát huy giá trị di sản bền vững, vừa bảo tồn và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch. Không có cơ chế, chính sách, ưu đãi thuế cho chi phí sản xuất, trong khi lợi nhuận lại không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn, nên khó khăn trong thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.

Ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển nếu được áp dụng cơ chế PPP

Nói về sự cần thiết áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, ông Bùi Hoài Sơn khẳng định, áp dụng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa là một việc làm hết sức cần thiết để góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Người dân sẽ có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các công trình, thiết chế văn hóa được quản lý chuyên nghiệp, có chất lượng. Nhà nước có thể giảm bớt và cơ cấu lại các nguồn chi ngân sách đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cho hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, khi nguồn lực Nhà nước có hạn, nguồn lực xã hội phải được xem là nguồn lực bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh mới.

Thêm vào đó, tư duy quản lý nói chung, quản lý văn hóa nói riêng có xu hướng là Nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân thực hiện. Nhà nước đầu tư cho những hoạt động mang tính định hướng, vốn mồi, và những việc tư nhân không làm để bảo đảm sự vận hành ổn định của xã hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu được áp dụng cơ chế PPP, ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành văn hóa như: Các sân vận động, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, các di tích... đang rất cần có nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành các thiết chế này.

Việc tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và cơ chế vận hành của các thiết chế văn hóa ấy không chỉ giúp các thiết chế này thích nghi tốt hơn với nền kinh tế thị trường, trở thành những không gian sáng tạo, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước (cả về nguồn lực tài chính và nhân sự), mà còn thu hút sự tham gia của người dân, lan tỏa ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của các thiết chế văn hóa đến toàn xã hội.

Trong bối cảnh, chúng ta đang hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ở đó, Nhà nước sẽ dành ra một khoản ngân sách đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, dù kinh phí của Chương trình này có nhiều đến đâu cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu của ngành văn hóa, chưa kể ngân sách Nhà nước còn nhiều ưu tiên khác về y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng...

Nhìn từ thành công của những bộ phim do Nhà nước đặt hàng có sự hợp tác công tư như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” so sánh với những bộ phim không được áp dụng phương thức này thời gian qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nếu văn hóa được bổ sung vào các lĩnh vực được áp dụng phương thức PPP, sự kết hợp lợi thế và nguồn lực giữa Nhà nước và tư nhân sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển văn hóa nước nhà.

Hình thành một cơ chế hợp tác công tư có tính bền vững, minh bạch, thuận tiện

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ… cũng đã áp dụng phương thức PPP. Cụ thể, tại Nhật Bản, nhiều dự án bảo tồn di sản văn hóa ở các chùa, đền thờ Thần Đạo được tài trợ bởi các công ty lớn như Mitsubishi, Toyota hoặc Sumitomo, trong khi đó cơ quan Nhà nước như Cục Di sản Văn hóa quốc gia của Nhật Bản cung cấp hỗ trợ pháp lý, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và giám sát quản lý dự án.

Còn tại Mỹ, các dự án bảo tồn di sản văn hóa thường nhận được sự hỗ trợ từ các công ty tư nhân thông qua các Quỹ bảo tồn di sản và tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận như Ford Foundation hoặc The Getty Foundation… Cơ quan quản lý nhà nước như Cơ quan Bảo tồn Môi trường Mỹ thường hỗ trợ pháp lý, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và giám sát dự án…

Bên cạnh đó, sự kiện một nhà sưu tầm cổ vật của Việt Nam đưa được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Bảo Đại về nước thông qua mua trực tiếp từ người bán ở nước ngoài, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước là một trường hợp hiếm hoi thể hiện sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân trong lĩnh vực văn hóa.

"Trường hợp này khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc hình thành một cơ chế hợp tác công tư có tính bền vững, minh bạch, thuận tiện để thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa" - ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định mới nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có quy định về phương thức PPP.

Cụ thể, nội dung về hợp tác PPP được đưa vào Điều 100 của dự thảo Luật, quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Theo đó, khẳng định di sản văn hóa là lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP (được bổ sung vào khoản 1, Điều 4 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Bên cạnh đó, quy mô tổng mức đầu tư lĩnh vực di sản văn hóa không hạn chế theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhằm tạo sự linh hoạt, phù hợp với năng lực và nhu cầu của lĩnh vực này.






Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ