• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không chỉ là chuyện tăng lương!

Thời sự 03/11/2022 08:54

(Tổ Quốc) - Cải cách chính sách tiền lương, cải thiện môi trường làm việc để công chức, viên chức phát huy năng lực và có mức thu nhập tốt hơn là những giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí chất xám.

Một tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về công tác tại một trường đại học công nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng. Lương không đủ trang trải cuộc sống, vị tiến sĩ này đã đăng thông tin trên mạng xã hội tìm việc làm thêm. Nếu không ràng buộc về thời gian phục vụ tại trường thì hẳn anh đã bỏ việc để đầu quân ở trường tư với mức lương gấp 4-5 lần như thế.

Một bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT thì được ra nước ngoài học đại học theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, bạn trẻ trở về nước nhưng không được bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo cũng như sở thích. Sau 7 năm, hợp đồng ràng buộc theo đề án hết hạn cũng là lúc bạn trẻ xin thôi việc...

Những câu chuyện nói trên là minh chứng sống động về sự bất cập của chính sách đào tạo và tiền lương, dẫn đến tình trạng lãng phí chất xám, chảy máu chất xám từ khu vực công sang tư.

Vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong những ngày qua; đồng thời cho thấy sự cấp thiết phải nhìn nhận lại những hạn chế ở khu vực công, cùng với đó là cải cách chính sách tiền lương và cải thiện môi trường làm việc.

Trong hai năm rưỡi (từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2022), có 39.552 công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục; trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người, ở địa phương có 32.450 người.

Sắp xếp theo trình độ đào tạo, có 653 tiến sĩ nghỉ việc, thôi việc; bác sĩ chuyên khoa II có 133 người; thạc sĩ có 4.018 người; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người.

Những con số vừa được công bố ít nhiều gây hoang mang cho đội ngũ công chức, viên chức, bởi việc làm ở khu vực công lâu nay vẫn được xem là lý tưởng và không dễ gì người lao động có một suất biên chế nhà nước.

Rõ ràng quan niệm về việc làm đã thay đổi; khu vực công đã không còn hấp dẫn những người tâm huyết và có năng lực nữa. Người lao động không nhất thiết phải bám trụ ở khu vực công thì mới có "việc làm ổn định".

Không chỉ là chuyện tăng lương! - Ảnh 1.

Một tiến sĩ trẻ đi học nước ngoài về, công tác tại một trường đại học công với mức lương 6 triệu đồng/tháng, thu nhập không đủ trang trải, người này lên mạng tìm việc làm thêm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dẫn những nguyên nhân khách quan và chủ quan để lý giải về "làn sóng dịch chuyển" khỏi khu vực công, chẳng hạn lương thấp, áp lực công việc cao, môi trường làm việc ở một số nơi chưa tạo động lực và cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực… Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa thậm chí cho rằng, công chức, viên chức nhận lương thấp nhưng chịu nhiều ràng buộc, nhiều áp lực như "vòng kim cô" trong công việc.

Vậy ai sẽ tháo gỡ "vòng kim cô" ấy? Người lao động phải chờ cơ chế, chính sách tháo gỡ, hay tự mình dịch chuyển công việc?

Nếu nhìn ở góc độ nền kinh tế thị trường, nghỉ việc, chuyển việc là rất đỗi bình thường, phù hợp với quy luật và nhu cầu cá nhân của mỗi người. Có nghỉ việc, chuyển việc thì sẽ có tuyển dụng, trẻ hóa đội ngũ viên chức.

Song, cần nhìn lại khu vực công, chính sách công để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp, từ đó mới mong giữ chân người tài.

Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Nhân tài và kiến quốc" với lời kêu gọi: "Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều".

Quả thật, không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà không thu hút và trọng dụng nhân tài. Nhưng nếu nhân tài chỉ nhận lương 6 triệu đồng/tháng thì làm sao họ tận tâm cống hiến? Một bác sĩ được đào tạo từ 6-9 năm nhưng tiền lương nhận được khi ra trường ở bệnh viện công khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì sẽ sống ra sao?

Một số đại biểu Quốc hội hoàn toàn có lý khi yêu cầu tăng lương cho công chức, viên chức từ ngày 1/1/2023, thay vì từ 1/7/2023, với mức tăng đã được thông qua - từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tương đương 20,8%).

Tăng lương là giải pháp quan trọng, nhất là sau hơn 2 năm chống chọi COVID-19, nhưng giải pháp căn cơ là phải đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương. Dù khu vực công hay tư, tiền lương tương xứng với sức lao động luôn là mong muốn chính đáng. Song, lương cứ bị rớt lại trong cuộc đua giá cả, thành ra cuộc sống của người làm công ăn lương vẫn khó khăn.

Vì vậy, tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương cần được thực hiện đồng bộ với các giải pháp thị trường. Ngoài ra, các giải pháp căn cơ khác để giữ chân người lao động ở khu vực công còn bao gồm: cải thiện môi trường làm việc; đổi mới công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí công chức, viên chức bảo đảm công khai, công bằng, hiệu quả... Như thế mới tạo ra một nền hành chính công vững chắc. 

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ