Không chỉ nhờ gen, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ 6 yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
(Tổ Quốc) - Trẻ thấp hay cao không chỉ do gen mà còn bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác. Dưới đây là những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.
Theo bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, Ủy Viên Cấp Cao của Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT), nhiều mẹ hay nói rằng: "Cao hay không là do gen", "mình thấp nên con mình chắc cũng lùn, kệ đi"... Nhưng chính những suy nghĩ này đã tác động một phần không nhỏ tới việc tăng chiều cao cho trẻ, bởi nhiều cha mẹ sẽ "phó mặc" cho gen.
Di truyền chỉ ảnh hưởng đến 60-80% chiều cao của một người. Nhưng con số này tùy thuộc vào khu vực và dân số. VD, một nghiên cứu ở Trung Quốc con số này chỉ rơi vào khoảng 65%. Còn lại chiều cao của 1 người chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khác lên đến gần 40% như dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ, tinh thần… Trong đó dinh dưỡng được xem là giữ vai trò chủ đạo do nó không chỉ cung cấp nguyên liệu cho sự phát triển chiều cao mà còn có vai trò trong sự "mở" và "đóng" nhiều gen liên quan đến chiều cao.
Điều đó có nghĩa là nếu trẻ có gen cao nhưng không được chăm sóc tốt thì chiều cao khó lòng đạt như mong đợi. Ngược lại, nếu trẻ có gen kém ưu thế hơn nhưng được chăm sóc khoa học, được "kích hoạt" đầy đủ các yếu tố bên ngoài sẽ cao vượt mong đợi từ gen.
6 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển chiều cao của trẻ
Theo bác sĩ Anh Nguyễn, cha mẹ cần nắm bắt được những yếu tố này để hỗ trợ trẻ đạt được chiều cao tối ưu khi lớn.
1. Gen di truyền
Như đã nói ở trên, chiều cao của trẻ có khuynh hướng được chuyền từ cha mẹ của trẻ. Cha mẹ cao thì chiều cao của con có thể cao, và ngược lại. Tuy nhiên, đó không phải là số mệnh của đứa trẻ và con đường "cha mẹ cao con cao, hay cha mẹ lùn con lùn" không phải cứ là đường thẳng mãi. Nó chỉ là 1 yếu tố đóng góp. Đến nay, khoa học có thể hiểu rằng chiều cao còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác và những yếu tố này lại rất quan trọng đến chiều cao của trẻ.
2. Dinh dưỡng đúng và đầy đủ
Có thể chia dinh dưỡng làm 3 giai đoạn quan trọng: giai đoạn tiền và trong mang thai, giai đoạn nhỏ trước 6 tuổi và giai đoạn tiền-trong dậy thì. Tức là:
• Giai đoạn tiền và trong mang thai: người mẹ cần bổ sung đủ folate, vitamin D, sắt, kẽm, ăn các thực phẩm giàu chất béo omega-3 tốt như hạt, cá cho dầu như cá thu, cá hồi, lươn sông, cá chép 2 ngày/tuần.
• Giai đoạn trẻ nhỏ dưới 6 tuổi: cho trẻ bú mẹ sớm và lâu nhất có thể, cho trẻ ăn dặm đúng khi trẻ 6 tháng tuổi, giúp trẻ phát triển kỹ năng ăn đa dạng, và ăn đầy đủ các vi chất quan trọng như vitamin D, kẽm, sắt, chất béo omega-3, … Hạn chế trẻ thừa cân béo phì sau 2 tuổi.
• Giai đoạn tiền - trong dậy thì: Giúp trẻ ăn đa dạng đặc biệt đủ các nhóm dinh dưỡng, rau củ quả và các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng cho quá trình này là canxi, sắt, kẽm, vitamin D…
3. Hormone hoạt động đúng
Có 2 loại hormone chính tham gia vào quá trình tăng chiều cao của trẻ.
• Hormone tăng trưởng: hoạt động trong suốt thời gian tăng trưởng của trẻ đến khi trẻ trưởng thành, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng nhanh trước 6 tuổi.
• Hormone sinh dục: Hoạt động khi trẻ bắt đầu dậy thì.
Để các hormone này hoạt động đúng, ngoài các yếu tố bệnh lý làm ảnh hưởng, thì các hormone này cũng cần đủ nguyên liệu để được tạo ra và hoạt động. Do đó, dinh dưỡng lại đóng góp quan trọng thêm ở điểm này. Nếu dinh dưỡng kém hoặc tình trạng cơ thể không đủ dinh dưỡng thì hormone không thể tiết ra đúng và lỡ mất cơ hội để trẻ tăng trưởng. Ngoài ra, giấc ngủ cũng liên quan đến hoạt động của hormone tăng trưởng. Trẻ thiếu ngủ hay ngủ trễ có thể làm giảm thời gian hoạt động của hormone vì hormone tăng trưởng được quan sát thấy hoạt động hiệu quả nhất trong khoảng 10 giờ tối – 4 giờ sáng.
4. Lối sống
Đây là yếu tố có nhiều khía cạnh nhất. Trong đó, có nhiều bằng chứng cho thấy lối sống ít vận động, thường xuyên nằm dài chơi hay xem điện thoại, Ipad là ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao của trẻ. Do đó, Viện Hàn Lâm Nhi Khoa của Mỹ đã hướng dẫn cha mẹ về thời gian sử dụng màn hình của trẻ theo độ tuổi như bên sau:
• Dưới 18 tháng tuổi: không nên giới thiệu thiết bị điện tử cho trẻ (trừ chat video call với người thân).
• Từ 18 tháng tuổi – 5 tuổi: tổng thời gian dùng nên dưới 60 phút/ngày
• Trên 5 tuổi: Hướng trẻ đến các hoạt động lành mạnh, mang tính giáo dục trên màn hình điện tử như học tập, tìm thông tin hơn là các hoạt động không mang tính giáo dục như xem hài nhảm, clip không phù hợp… Và không nên quá 2 giờ/ngày.
Nên hướng trẻ các hoạt động tích cực như đi dạo công viên, tham gia các hoạt động vui chơi cùng gia đình hay với trẻ khác với trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ trên 5 tuổi có tham gia 1 hoạt động vận động tích cực như bơi lội, đá bánh, bóng rổ, học võ… 2-3 ngày/tuần.
Ngoài ra, giấc ngủ của trẻ cũng nên chú ý. Như đã nói ở trên, giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động tiết hormone tăng trưởng của trẻ. Nên sớm thiết lập lịch ngủ cho trẻ từ nhỏ và có thể giới thiệu hugging time để giúp trẻ có giấc ngủ tốt và sâu hơn.
5. Sức khỏe
Có lẽ ít ai để ý đến điều này. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ càng khỏe mạnh ở độ tuổi nhỏ sẽ có tăng trưởng chiều cao tốt hơn. Như:
• Trẻ sinh khỏe mạnh, đủ ký (có nghĩa là lúc mang thai trẻ khỏe mạnh) thì trẻ có tăng trưởng chiều cao sau 2 tuổi tốt hơn.
• Trẻ ít bệnh, đặc biệt ít bị tiêu chảy, trước 5 tuổi thì chiều cao của trẻ cũng tăng trưởng tốt hơn.
• Trẻ không bị thừa cân béo phì sau 2 tuổi thì có thể giảm được tình trạng dậy thì sớm và chiều cao của trẻ cũng dễ đạt tối ưu hơn khi lớn.
6. Yếu tố môi trường
Một số bằng chứng cho thấy môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Hơn nữa, ô nhiễm khói thuốc lá từ người thân trong gia đình cũng ảnh hưởng đến phát triển chiều cao tối ưu của trẻ. Do đó, nên giữ môi trường sạch sẽ, ít bụi bặm, tránh khói thuốc lá trong môi trường trẻ nhỏ thường sinh hoạt sẽ giúp cho con bạn phát triển cao tốt hơn sau này.
Nói chung, để 1 đứa trẻ cao lớn đẹp trai hay xinh gái là cần sự đầu tư và quan tâm của cha mẹ. Và bạn cũng cần biết rằng, quãng thời gian để bạn đầu tư là không nhiều và có giới hạn, nếu bỏ lỡ chúng ta có thể làm mất đi cơ hội phát triển tốt nhất của trẻ.