(Tổ Quốc) - Ngành ngân hàng đang tìm mọi cách để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay. Và NHNN cho rằng, các ngân hàng nên tạm thời không chia cổ tức bằng tiền mặt để hỗ trợ mục tiêu này...
Cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, tại Chỉ thị, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Sau chỉ thị này, nhiêu ngân hàng đã bắt đầu có kế hoạch về vấn đề chi lương thưởng. Trong đó, ngân hàng SHB đã cắt giảm 20-50% lương của cán bộ cấp cao; HDBank cũng giảm 10-25% lương của người thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng trở lên; ngân hàng V. cũng giảm 10 - 30% lương của các nhân sự thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng tuỳ từng vị trí, còn nhiều ngân hàng cho biết sẽ cắt giảm các chi phí không cần thiết,…
Cổ đông lo lắng bị "tác động kép" vì họ cũng là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Tuy nhiên, với yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt, có không ít cổ đông ngân hàng đã tỏ ra lo ngại về quyền lợi của mình. Bởi lẽ các cổ đông cũng là những người lao động, là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nếu không được trả cổ tức tiền mặt chẳng khác nào "tác động kép" mà họ phải gánh chịu. Họ đầu tư vào cổ phiếu bao nhiêu vốn liếng, đến nay dịch bệnh đã bị thiệt hại lại không được nhận tiền cổ tức - vốn mỗi năm chỉ có một lần cho số tiền mà họ đã gửi gắm vào ngân hàng. Thậm chí có nhà đầu tư còn băn khoăn liệu việc không cho chi trả cổ tức tiền mặt có thực sự giúp giảm lãi suất cho vay hay không.
Một số cổ đông cá nhân của ngân hàng ACB, VPB, TCB, MBB, BID còn chia sẻ với chúng tôi, đâu chỉ khách hàng khó khăn mà các cổ đông cũng vậy. Giá cổ phiếu thì lao dốc và giờ còn không được nhận cổ tức tiền mặt. Vị cổ đông này cho rằng, việc chia cổ tức nên để các ngân hàng tự cân đối về tỷ lệ chia dựa trên khả năng tài chính và tình hình kinh doanh.
Chuyên gia nói gì?
Đem vấn đề trên đi tham vấn ý kiến chuyên gia, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Bùi Quang Tín cho chúng tôi biết, nếu không chia cổ tức bằng tiền mặt thì ngân hàng vẫn có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu. Khi đó, ngân hàng sẽ giữ lại được tiền mặt, nằm trong phần lợi nhuận của ngân hàng. Theo đó, cổ tức này sẽ chuyển một phần vào vốn điều lệ. Khi giữ lại được lợi nhuận, số tiền này có thể xem như nguồn vốn này có lãi suất bằng 0. Như vậy, thay vì phải đi vay vốn trên thị trường 1 phải mất lãi suất, hay đi vay NHNN cũng vậy thì ngân hàng thương mại có được nguồn vốn không lãi suất, có cơ hội cho vay giá rẻ cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, nếu việc cắt giảm các chi phí hoạt động dễ dàng hơn thì việc không chia cổ tức bằng tiền mặt lại khiến các ngân hàng phải đắn đo khá nhiều. Cổ đông của nhiều ngân hàng đã phải nhiều năm liền không được chia cổ tức do tái cơ cấu, và khi ngân hàng làm ăn khấm khá lên vẫn phải nhận "cổ tức bằng giấy". Lời hứa hẹn sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt giờ càng xa vời.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt có thể giúp các ngân hàng có nguồn lực để giảm lãi suất trước mắt, nhưng sẽ tạo tâm lý không hài lòng lên các cổ đông.
"Đầu tư vào một ngân hàng, vì tình hình dịch bệnh mà không được chia cổ tức, cổ đông có thể rất bất mãn và tìm cách bán cổ phiếu này. Nhiều ngân hàng đang dời lại cuộc họp ĐHĐCĐ, nhưng nếu không chia cổ tức thì có thể không được cổ đông đồng ý, từ đó những kế hoạch tăng vốn trong tương lai của các ngân hàng sẽ gặp trở ngại, thậm chí có những cổ đông rút vốn", vị chuyên gia này nhận định.
Thay vì không chia cổ tức tiền mặt và tiết giảm chi phí, có nên tính giảm lãi suất huy động?
Cắt giảm lương thưởng hay tạm thời không chia cổ tức chỉ là một trong những biện pháp gợi ý. Trên thực tế, ngành ngân hàng đang dùng mọi biện pháp để có phục vụ mục tiêu quan trọng nhất là giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Như tại cuộc họp giữa NHNN và các ngân hàng thương mại chiều 31/3, đã có 20 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ cho vay nên kinh tế) đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đây có thể nói là đợt giảm lãi suất "sâu" nhất kể từ khủng hoảng năm 2009. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Ngân hàng Nhà nước và cố gắng lớn của các ngân hàng. Đến nay, theo tổng hợp của chúng tôi, nhiều ngân hàng lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, ACB, VPBank, VIB, SHB, HDBank, TPBank, Kienlongbank,…đã có công bố chính thức các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp. Trong đó, nhiều ngân hàng giảm dư nợ cho vay hiện hữu, có ngân hàng giảm lãi suất tới 4,5%/năm,...
Theo ông Bùi Quang Tín, tuy nói là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng cũng là hỗ trợ cho chính ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay là nhu cầu của xã hội chứ không chỉ xuất phát từ yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay không hề đơn giản, các ngân hàng sẽ phải cân đối lại chi phí, bao gồm chi phí huy động cho đến chi phí lương, thưởng, chi phí mặt bằng, chi phí công nghệ thông tin,…
Ông Tín chia sẻ thêm rằng, giảm chi phí nhân viên hay công nghệ thông tin là cực kỳ khó giảm, do đó, giảm chi phí huy động là tốt nhất.
"Lãi suất huy động dễ giảm nhất, vì kinh doanh khó khăn, làm cái gì cũng lỗ thì người dân sẽ chọn ngân hàng để gửi tiền hơn là đổ tiền vào chứng khoán hay bất động sản. Do đó, dù lãi suất huy động giảm, người dân vẫn sẽ gửi tiền ngân hàng, bởi lúc này, không phải vàng, hay chứng khoán, hay bất động sản,..mà tiền mặt là vua", vị chuyên gia nhận định. Chưa kể, trong những năm qua, lạm phát luôn được duy trì ở mức thấp, sự an toàn của hệ thống ngân hàng Việt ngày càng được củng cố và tạo niềm tin cho người dân.