• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không có tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu trong ngày đầu Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16

Kinh tế 24/07/2021 12:48

(Tổ Quốc) - Ngày 24/7, TP Hà Nội bước vào ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ghi nhận, lượng hàng hóa tại các siêu thị lớn trên địa bàn vẫn đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu của người dân.

Không có tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu trong ngày đầu Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16 - Ảnh 1.

Tại các siêu thị lớn trên địa bàn, thực phẩm luôn đảm bảo tươi ngon, đầy đủ cho nhu cầu của người dân.

Sẵn hàng hóa thiết yếu ở siêu thị

Tại hệ thống siêu thị Vinmart sáng nay, lượng hàng hóa đã được chuẩn bị sẵn sàng. Nhân viên liên tục xếp hàng lên các kệ để phục vụ nhu cầu người dân. Khu vực thanh toán cũng được tăng cường nhân viên để hỗ trợ người dân.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Vận hành Công ty VinCommerce (VCM) cho biết: Tại Hà Nội, VCM có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+. Hệ thống đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống.

Được biết Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt....

Hệ thống siêu thị Big C (thuộc tập đoàn Central Retail) cũng đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động đến 22h, nếu sắp tới cần thiết sẽ kéo dài thêm để phục vụ khách hàng mua sắm tạo điều kiện mua sắm giãn cách. Về nguồn cung hàng hoá, Big C đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Đối với hàng thực phẩm khô, BigC đã dự trữ tăng 30-50% với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Đối với hàng tươi sống, BigC đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên 200-300% so với thông thường.

Người dân không nên tích trữ

Theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trước diễn biến tình hình COVID-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%- 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công Thương thường xuyên rà soát, cập nhật các phương án đảm bảo hàng hóa trên cơ sở dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa trong và ngoài thành phố để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.

"Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 Trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn", Sở Công Thương Hà Nội thông tin.

Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, mặc dù đang phải đối mặt với khó khăn song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng. Sở cũng yêu cầu phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, tăng cường khuyến khích, vận động người dân tích cực thanh toán không dùng tiền mặt.

"Sở Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh. Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân" - lãnh đạo Sở Công nói.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ