(Tổ Quốc) - Từ một địa phương làm giàu từ con tôm, giờ đây, người nuôi tôm Sóc Trăng đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng tỷ phú từ con tôm nuôi đã không còn nhiều.
Khó khăn chồng chất, ngân hàng rời bỏ…
Ông Trần Hữu Mai đã có mấy chục năm nuôi tôm tại xã Lưu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng từ sớm ngày 22/2 đã tới dự hội thảo về nuôi tôm tại huyện Trần Đề.
Nhìn ông Trần Hữu Mai, người ta sẽ nghĩ về việc một cụ già đã đến tuổi được nghỉ ngơi với nhiều vết đồi mồi, mái tóc trắng và đã rất cao tuổi. Nhưng không, ông ngồi ghi chép say sưa các nội dung của hội thảo về tìm cách thức bền vững cho người nuôi tôm tại Sóc Trăng.
Ông Mai chia sẻ thẳng thắn, cả đời ông mấy chục năm nay nuôi tôm và chưa bao giờ lại phải đối mặt với thách thức nhiều như vậy: Biến đổi khí hậu – con tôm rất nhạy cảm với thời tiết. Chuỗi liên kết hiện nay thì theo ông Mai, các đại lý thức ăn, ngân hàng rời bỏ nông dân. Mỗi một ngày nông dân trả hơn 20 triệu tiền mua thức ăn cho tôm, chưa kể giá thức ăn lên xuống liên tục..
Vùng nuôi tôm tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng.
Ngoài ra, người nuôi tôm muốn đầu tư công nghệ lớn, phải vay vốn tín dụng nhưng rất khó tiếp cận vốn vay.
"Trước đây tại vùng này có nhiều đại gia nuôi tôm nhưng giờ đây chỉ còn vài người" – ông Mai chia sẻ.
Theo Sở NNPTNT Sóc Trăng, diện tích nuôi tôm tại tỉnh này cũng liên tục tăng. Tới năm 2018, diện tích nuôi tôm nước lợ thả nuôi 56.160 ha, trong đó nuôi thâm canh tôm sú và thẻ chân trắng chiếm gần 88% với diện tích trên 49.500 ha với sản lượng hơn 133.800 tấn.
Không chỉ gặp các vấn đề mà ông Trần Hữu Mai nêu ra, theo Sở NNPTNT Sóc Trăng, ngành nuôi tôm tại đây còn gặp nhiều vấn đề khác. Lượng giống khai báo có kiểm dịch thấp hơn nhiều so với lượng giống lưu thông thực tế, bên cạnh đó cũng có một lượng giống chưa qua kiểm dịch nhưng không lớn.
Năm 2018, sở tổ chức 67 cuộc kiểm tra tại 83 cơ sở kinh doanh, 5 cơ sở nuôi tôm. Tỉnh đã xử phạt hành chính đối với 44 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Những hành vi vi phạm chủ yếu trong xử phạt vi phạm hành chính: kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng…
"Tình hình bệnh trên tôm nuôi vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong nghề nuôi tôm, ngoài ra, giá tôm thương phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường, điệp khúc được mùa mất giá, mất mùa được giá vẫn còn xảy ra thường xuyên. Phần lớn người nuôi tôm là hộ nuôi nhỏ với diện tích quy mô nhỏ, khả năng về vốn còn yếu" – Đại diện sở NNPTNT cho hay.
Nhen nhóm lối thoát
Hồi tháng 1/2019, Cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry có chuyến làm việc tại Việt Nam. Trong buổi làm việc này, Seafood Watch (SW)– một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đánh giá chất lượng thủy sản nhập khẩu vào thị trường Mỹ, đã chọn Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) làm đối tác phía Việt Nam để tư vấn cho Chính phủ về tiêu chuẩn tôm thương phẩm nếu muốn vào thị trường Mỹ.
Để tìm hướng thoát cho các vấn đề của người nuôi tôm Sóc Trăng đưa ra ở phần đầu bài viết, SW và Ban IV đã đưa ra giải pháp tại buổi hội thảo "Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ" ngày 22/2 tại Sóc Trăng.
Toàn cảnh hội thảo.
Với cách tiếp cận của SW là nghiên cứu hành vi của khách hàng để đưa ra các tiêu chuẩn cho tôm thương phẩm vào thị trường Mỹ. Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình SW, vấn đề hiện nay không phải là mở rộng diện tích nuôi mà cần làm tăng hàm lượng giá trị, chất lượng con tôm và tiêu chuẩn của Mỹ như thế nào để tăng giá trị con nuôi tôm.
Theo các kết quả khảo sát của SW, người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao những sản phẩm tôm thuộc các nhà cung ứng đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
"Người mua hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chuỗi tôm. Phong trào bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngày một lên cao, do vậy khách hàng Mỹ yêu cầu các sản phẩm được tiêu thụ cũng phải đáp ứng được điều đó. Các đối tác của chúng tôi cam kết tăng thu mua các sản phẩm bảo đảm bền vững của môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và với cách làm này, người dân cũng được hưởng lợi"- ông Josh Madeira, cho hay.
Hiện nay, SW đã làm việc với một số đơn vị chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam để thực hiện thử nghiệm những quy trình, tiêu chuẩn cụ thể trong việc nuôi tôm, đảm bảo tôm nuôi của các hộ dân Việt Nam tham gia chương trình có thể đạt thẻ vàng, thẻ xanh khi vào Mỹ.
Tại Sóc Trăng, từ các tiêu chuẩn này, Ban IV, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, SW sẽ lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng, ngân hàng… tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn. Bước đầu sẽ thực hiện thí điểm trên mô hình từ 10-50 ao nuôi tôm để đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm của Việt Nam có thể đạt được thẻ vàng, thẻ xanh vào thị trường Mỹ.
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho hay, hiệp hội sẽ đứng ra lập một tổ giám sát trung gian và đưa hộ nào đạt tiêu chuẩn, đưa vào mô hình này để thúc đẩy hình thành chuỗi. Từ đó, người nông dân có thể tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, tìm được thị trường đầu ra tốt và phân chia tỉ lệ rủi ro để ngành tôm phát triển.
"Ngân hàng – thị trường bắt tay với nhau thì chế biến, dịch vụ hỗ trợ cho ngành nuôi tôm đều có thể tham gia được cuộc chơi này"- ông Võ Quan Huy chia sẻ.
Sau Sóc Trăng, Ban IV và SW sẽ tổ chức hai hội thảo tiếp theo tại Trà Vinh và Cà Mau về cùng chủ đề. Kết quả của các hội thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên hiến kế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phiên Toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tới đây. Sự kiện này tiếp nối những thành tựu của ViEF 2018 đạt được trong một năm qua, đặc biệt trong việc phối hợp công - tư để thúc đẩy những giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tiệm cận với tiêu chuẩn, chất lượng các thị trường có yêu cầu cao./.