• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”

Thời sự 10/08/2020 14:19

(Tổ Quốc) - "Không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”, bảo đảm “mọi hành vi vi phạm hành chính (VPHC) phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.

Sáng ngày 10/8, theo chương trình phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngay sau kỳ họp, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.

Không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại” - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp. (Nguồn: Quochoi.vn)

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành tăng mức tiền phạt tối đa của các lĩnh vực như Chính phủ đã trình; một số ý kiến đề nghị tăng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực khác bên cạnh các lĩnh vực mà Chính phủ đã trình, như hôn nhân gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng...; một số ý kiến đề nghị cân nhắc không tăng mức tiền phạt tối đa.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trên cơ sở thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt VPHC, Chính phủ đã đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức tiền phạt tối đa thấp, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC. Đối với các lĩnh vực khác, qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức tiền phạt tối đa.

Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt VPHC, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi VPHC tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử phạt VPHC, áp dụng đồng bộ không chỉ hình thức phạt tiền mà cả các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”, bảo đảm “mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện (sửa đổi bổ sung các điều từ 38 đến 49 của Luật XLVPHC), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến đề nghị rà soát lại quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC để bảo đảm quyền lực được giới hạn theo từng cấp, tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của Luật XLVPHC hiện hành, về cơ bản các chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có giá trị không vượt quá mức tiền phạt theo thẩm quyền của chức danh đó; chỉ các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng thì có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Thực tiễn thi hành quy định này đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm phải chuyển lên cấp trên để ra quyết định xử phạt, gây tình trạng quá tải, một số vụ việc không được xử lý kịp thời.

Do vậy, để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, vừa bảo đảm quyền lực được kiểm soát và giới hạn, tương xứng với nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Bên cạnh thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC của các chức danh là cấp cuối cùng của mỗi lực lượng đã được Luật XLVPHC hiện hành quy định, dự thảo Luật bổ sung thêm 08 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC (bổ sung Điểm đ Khoản 2 Điều 86 của Luật XLVPHC), trong quá trình tiếp thu chỉnh lý còn hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”. Loại ý kiến này cho rằng, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để xem xét, quyết định khi sửa đổi toàn diện Luật này.

Không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại” - Ảnh 2.

Nguồn: Quochoi.vn

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt VPHC chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, loại ý kiến này cho rằng quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do vậy, đề nghị tiếp thu theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội quy định rõ biện pháp này chỉ được áp dụng tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; đồng thời giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong 02 lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường...

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành loại ý kiến thứ nhất.

Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với Cơ quan soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội giữ cách quy định như hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 đến nay, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Về biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, có ý kiến đề nghị cân nhắc không bổ sung trường hợp tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc VPHC để tránh hạn chế quyền cơ bản của công dân trong trường hợp không cần thiết.../.


Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ