(Toquoc)- Thảo luận về dự Luật tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu phải có quy định để không làm cho cơ quan tiếp dân bị “hành chính hoá” và các ngành chức năng không “đùn đẩy” việc tiếp dân.
(Toquoc)- Thảo luận về dự Luật tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu phải có quy định không làm cho cơ quan tiếp dân bị “hành chính hoá” và các ngành chức năng không “đùn đẩy” việc tiếp dân.
Ngày làm việc tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tiếp công dân.
Thảo luận về dự án Luật tiếp công dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật có quy định về hoạt động tiếp công dân như Luật khiếu nại, Luật Tố cáo. Tuy nhiên, nội dung, cách thức tổ chức tiếp công dân theo các văn bản quy phạm pháp luật này chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Theo Ủy ban Pháp luật, cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật chỉ nên tập trung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, việc bố trí vị trí của trụ sở, địa điểm tiếp công dân, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân, trách nhiệm quản lý trụ sở tiếp công dân cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, địa điểm tiếp công dân...
Để tránh việc các cơ quan, tổ chức đơn vị xây dựng các trụ sở tiếp công dân nằm ngoài trụ sở làm việc của cơ quan một cách tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, dự thảo Luật cần quy định rõ các cơ quan nào thì có trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân riêng, các cơ quan nào thì tổ chức tiếp công dân ngay tại trụ sở cơ quan mình, báo cáo thẩm tra chỉ rõ.
Tiếp dân định kỳ ở Hà Tĩnh (Nguồn: Internet)
Qua nghiên cứu các chương, điều trong dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng: dự thảo Luật mới chỉ tập trung quy định về công tác tiếp công dân trong các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Trong khi các cơ quan này lại có chức năng, nhiệm vụ khác nhau trong việc tiếp công dân. Vì vậy đề nghị cần nghiên cứu cụ thể quy định tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước khác trong Luật này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao việc dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân. Đặc biệt, dự thảo quy định bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ phải trực tiếp đứng ra tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng. Lãnh đạo cấp tỉnh phải tiếp dân 2 ngày trong tháng.
Tuy nhiên, một số quy định trong dự án Luật còn rườm rà, có nhiều nội dung trùng lặp giữa các chương hoặc nhắc lại quy định đã có trong các văn bản luật khác, đặc biệt là Luật khiếu nại và Luật tố cáo. Nhiều quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp dân mới dừng ở mức độ chung chung chứ chưa có những thay đổi, cải tiến mang tính đột phá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý cần có cách quy định để người dân đi góp ý, khiếu nại, tố cáo… đến đúng được cơ quan tiếp dân trực tiếp giải quyết yêu cầu của mình, hoặc nếu cơ quan tiếp dân tiếp nhận ý kiến của nhân dân rồi chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời và cơ quan tiếp dân có quyền “giao hẹn” với cơ quan có thẩm quyền khi nào có kết quả trả lời người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định như vậy sẽ không làm cho cơ quan tiếp dân bị “hành chính hoá” và các ngành chức năng không “đùn đẩy” việc tiếp dân cho các cơ quan này.
Dự thảo Luật Tiếp công dân sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới.
Nhị Giang