(Tổ Quốc) - Ba nữ nhà văn: Tống Ngọc Hân, Nguyệt Chu và Lữ Thị Mai vừa được NXB Văn học "đỡ đầu" ra mắt những tập truyện ngắn mới nhất trong hành trình cầm bút của mình đến với độc giả.
Với "Bức phù điêu mạ vàng", nhà văn Tống Ngọc Hân không còn gói gọn vào một mảng đề tài đặc thù như những tập truyện ngắn trước đó nữa mà mở biên độ không gian và thời gian. Bạn đọc sẽ nhận thấy ở Tống Ngọc Hân cái chất miền núi hoang dã, đậm đà và riêng biệt qua "Áo Tết", "Chiếc vòng của thần sắt", "Khóc một lần thôi", "Hai con chào mào lửa", "Những đêm mưa", "Cổ tích miền sa khoáng"... đồng thời cũng sẽ nhận ra sự hiện diện của yêu thương, gắn bó máu thịt, của đồng điệu từ mảnh đất nơi chị sinh ra và lớn lên đang trở về góp mặt qua "Gà chín cựa", "Bủ Thung", "Sen trắng", "Cái cối trầu bằng đồng", "Ngoại ô"…
Những tập truyện ngắn mới của 3 nữ tác giả được ấn hành tại NXB Văn học
Tống Ngọc Hân rất ít khi đào sâu quá khứ, nhưng trong bối cảnh hiện thực ngồn ngộn ấy, người đọc vẫn thấy thấp thoáng những sự trở trăn tìm kiếm lý giải ở chị. Phải chăng, tất cả mọi thứ thuộc về ngày hôm nay, đều có sợi dây ràng buộc chặt chẽ với ngày hôm trước, năm trước, thế kỷ trước, thiên niên kỷ trước, mà con người vẫn như nhìn thấy? Khi bạn đọc "Bức phù điêu mạ vàng" hay "Mộng giao long", hẳn bạn sẽ tự hỏi chúng ta đang ở đâu trong cái không gian rất ảo và cũng rất thật ấy. Bức phù điêu mạ vàng ấy có thật không? Giấc mộng giao long có thật không?
Còn với tập truyện ngắn "Chiếc khăn của mẹ" của tác giả Nguyệt Chu bao trùm là nỗi buồn với những cái kết đầy dang dở, nhưng ẩn sâu trong từng câu chữ, thông qua số phận của mỗi nhân vật là lòng tin yêu con người và khát vọng sống mãnh liệt.
Trong tập truyện này, tác giả Nguyệt Chu đã khai thác triệt để thân phận người phụ nữ, những khao khát được là mình, được sống cho mình trong một đời sống bị bủa vây bởi nỗi đau, nỗi cô đơn khủng khiếp.
Truyện ngắn "Chiếc khăn của mẹ" được lấy làm nhan đề cho cả tập truyện. Câu chuyện là những ám ảnh về tuổi thơ, là khát khao vượt thoát, bung tỏa của những người đàn bà nhưng cuối cùng vẫn bị nhấn chìm vào thế giới tù túng, quẩn quanh, thế giới sặc mùi dầu đèn hôi rình và nhếch nhác đến thảm hại; thế giới của sự lẫn lộn thật giả - những hoài nghi không bao giờ được giải đáp....Thế giới ấy cứa ngang tuổi thơ thành một vết xước vừa đau đớn cũng vừa ngọt ngào.
Với 16 truyện ngắn hiện diện trong Linh hồ của Lữ Mai lại mang đến cho độc giả bên cạnh những câu chuyện về ký ức, làng quê, hậu chiến... còn có những mảng đời sống đương đại đứt gãy, ngột ngạt, day dứt... Các câu chuyện được kể bởi giọng văn có phần liêu trai, ma mị, ám ảnh.
Thân phận người phụ nữ là một trong những điểm nhấn trong truyện ngắn của Lữ Mai. Đó có thể là những phụ nữ quê mùa, chân chất, bất hạnh và cũng có thể là những kiếp đàn bà phố thị nuột nà ẩn giấu mong manh, trắc ẩn.
Các chủ đề khác đang được quan tâm như: ngoại cảm, đồng giới, mại dâm... cũng được tác giả khai thác tinh tế theo cách riêng, nhiều ẩn dụ.
Bên cạnh một chân dung thơ tinh tế, sâu lắng... Lữ Mai xuất hiện dữ dội, dị biệt và khó đoán hơn trong những truyện ngắn nhiều lớp lang, ẩn dụ.