• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Không khuyến khích người dân xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2

Sức khỏe 20/05/2021 18:43

(Tổ Quốc) - Việc người dân tự đi thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 gây tốn kém không cần thiết và sinh tâm lý chủ quan.

Chỉ xét nghiệm khi buộc phải xét nghiệm

Từ tháng 4/2020, Bộ Y tế đã cho phép nhiều bệnh viện được xét nghiệm COVID-19 (trong đó có cả bệnh viện tư nhân), đồng thời yêu cầu nâng mức độ sàng lọc nhằm đảm bảo phát hiện hiệu quả các ca bệnh trong cộng đồng. 

Trước đó, Chính phủ và Bộ Y tế đã phải thực hiện xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ đối tượng buộc phải xét nghiệm: người có yếu tố dịch tễ (đến từ vùng dịch, có tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc người nghi ngờ bị mắc COVID-19), người có các triệu chứng nghi ngờ. Người dân không thuộc diện phải xét nghiệm bắt buộc, dù có nhu cầu xét nghiệm tự nguyện cũng không được đáp ứng.

Không khuyến khích người dân xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 (ảnh minh họa Nam Nguyễn)

Khi được sự cho phép của Bộ Y tế, các bệnh viện tiến hành xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo yêu cầu. Tuy nhiên, người có nhu cầu xét nghiệm phải trả phí. Mức giá cho mỗi lần xét nghiệm không rẻ, với các bệnh viện quốc tế khoảng từ 3 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào muốn cũng được thực hiện xét nghiệm mà phải qua quy trình khám bệnh. Khi khám bệnh, bác sĩ thấy người bệnh có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp, có tiếp xúc với người nước ngoài, gần khu vực sinh sống có người nhiễm COVID-19 thì mới được thực hiện xét nghiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết gần đây có một số người cho rằng việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhiều đang được khuyến khích, thậm chí có người còn đề nghị thực hiện “5K + vắc xin + xét nghiệm” thay vì "5K + vắc xin" như hiện nay.

Trước thông tin khuyến khích việc xét nghiệm nhiều, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, hiện tại mới chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết.

Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

“Chúng tôi nhắc lại, Bộ Y tế không có quan điểm 5 K+vaccine+xét nghiệm mà tuyệt đối tuân thủ theo phương châm, nguyên tắc mà Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã đề ra là  5 K+vaccine”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.

Sẽ có chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng

Chính phủ, Bộ Y tế khuyên cáo người dân không tự phát đi xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh tinh thần thực hiện xét nghiệm phải rất tiết kiệm vì chi phí rất đắt. Vì vậy, phải có chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng rất khoa học để dự báo trước, cùng với việc đuổi theo, truy vết F1, F2. 

Về việc này GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Hiện tại chúng ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết.

Đối phó với dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương phải chủ động, cảnh giác cao độ, sẵn sàng "trực chiến". Dịch bệnh hiện đã ở trong cộng đồng, khi phát hiện ca là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.

“Phải thiết lập được một hệ thống chuẩn, tiêu chí và công nghệ kèm theo để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo biết được ngày hôm nay trên địa bàn cả nước tình hình dịch bệnh như thế nào, nơi nào nguy cơ cao, nơi nào nguy cơ rất cao, đi kèm với đó là các biện pháp ứng phó. Quan trọng hơn dự báo tình hình trong những ngày tới và đưa ra các khuyến nghị”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tính đến ngày 18/5/2021, cả nước đã thực hiện 3.324.043 xét nghiệm Realtime RT-PCR, tương đương 4.398.533 lượt người được xét nghiệm, trong đó từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện được 548.538 xét nghiệm, tương đương 871.594 lượt người.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 4764 bệnh nhân, trong đó 2.687 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 89 bệnh nhân âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ