(Tổ Quốc) - Chỉ đơn giản trong quá trình chế biến thịt lợn ở nhà, chị N.T.T (SN 1960, Hải Phòng) không may bị trượt tay vào con dao cắt thịt đã bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Nhiễm khuẩn liên cầu lợn vì những lý do không ngờ
Chỉ trong tháng 7/2019, khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận 3 ca bệnh bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Ngày 18/7, chị N.T.T (SN 1960, Thủy Nguyên, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, chóng mặt nhiều.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc gia đình đang sơ chế thịt lợn ở nhà thì chị không may bị trượt tay vào con dao cắt thịt. Không may là sau đó chị T. đã bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Trường hợp khác là chị B.V.H (SN 1977, Thị xã Quảng Yên) nhập viện vào ngày 31/7. Ngoài các triệu chứng như kích thích, lơ mơ, nôn, chị H. còn đại tiểu tiện không tự chủ. Được biết, chị H. hành nghề giết mổ thịt lợn khoảng 15 năm nay nhưng khi làm không mang đồ bảo hộ.
Trường hợp tiếp theo đó là ông N.Đ.P (SN 1937, Quang Trung, TP.Uông Bí). Ông P. bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn vì trước đó một tuần có gặp bạn bè và ăn tiết canh lợn.
Người bệnh thường để lại nhiều di chứng
Bác sĩ Trịnh Thu Hoàn, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, nhiễm liên cầu khuẩn lợn là những bệnh do vi khuẩn Streptococcus (S.suis) gây nên. Bệnh thường có biểu hiện viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp với diễn biến nhanh, nặng nề và để lại nhiều di chứng.
Cả 3 trường hợp trên đều có tiếp xúc với thực phẩm chưa nấu chín hoặc giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, tiếp xúc với thực phẩm hoặc gia súc mang mầm bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ở người.
Cũng theo bác sĩ Hoàn, các trường hợp trên đều được bác sĩ chọc dịch não tủy, điều trị kháng sinh liều cao, chống phù não, bù điện giải. Trong 3 ca bệnh trên thì có một ca là khỏi hoàn toàn không để lại di chứng, 1 ca di chứng liệt nửa người và một ca di chứng giảm thính lực.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, để chủ động phòng tránh nhiễm liên cầu khuẩn lợn cầu thực hiện ăn chín uống sôi, tuyệt đối không ăn tiết canh, không sử dụng thực phẩm từ gia súc ốm, chết. Khi có dấu hiệu bất thường như sốt, đau đầu, buồn nôn…sau khi sử dụng thực phẩm chế biến từ lợn cần đến khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn trong điều trị.
(*Tên nhân vật đã được thay đổi)