• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Không phải cứ đăng ký cắt giảm 50%-60% thủ tục hành chính là xong"

Thời sự 18/11/2018 07:52

(Tổ Quốc) - “Không phải cứ đăng ký cắt giảm 50- 60% thủ tục là xong đâu. Phải soát xét từng loại thủ tục, từng loại hàng hoá, tránh trường hợp cắt bỏ các thủ tục cần thiết cho quản lý nhà nước trong bảo đảm vệ sinh an toàn, giữ gìn văn hoá, truyền thống.”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Không phải cứ đăng ký cắt giảm 50%-60% thủ tục hành chính là xong - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ GTVT- Ảnh: Thành Chung

Sáng 17/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về một cửa ASEAN, một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 4 năm qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ GTVT là cơ quan đầu tiên Uỷ ban sẽ tiến hành làm việc liên quan tới đơn giản, chuẩn hoá hoá thủ tục hành chính và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm triển khai Quyết định số 1254/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu.

Chủ tịch Uỷ ban nhấn mạnh: "Từ năm 2019, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hải quan chuyên ngành phải tiến hành thực chất hơn, tức là không có chuyện hình thức nữa. Quan trọng là sự tương tác tới cảm xúc, sự hài lòng của người dân chứ không phải là những thay đổi trên văn bản".

Với Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý các lĩnh vực hàng không, thuỷ nội địa, đường bộ, đăng kiểm, hàng hải và một phần logistics, Phó Thủ tướng cho rằng đều trực tiếp liên quan tới người dân và doanh nghiệp, không chỉ trong nước và quốc tế, nên việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa có ý nghĩa rất lớn trong giảm thời gian và chi phí tuân thủ của xã hội.

Thực tế thì Bộ GTVT là Bộ luôn đi đầu trong kết nối với một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. 4 năm trước, Bộ GTVT là Bộ đầu tiên tham gia Cơ chế 1 cửa quốc gia, cung cấp 12 thủ tục hành chính của lĩnh vực hàng hải, thuỷ nội địa trong  giai đoạn thí điểm 2014- 2017.

Theo Tổng cục Hải quan, tới hết năm 2017, số hồ sơ của Bộ GTVT chiếm 25,34% tổng số hồ sơ và số doanh nghiệp chiếm 38,58% tổng số doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia.

Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2016, Bộ sẽ triển khai tiếp 75 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa từ năm 2018- 2020. Tuy nhiên tới nay, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 70 thủ tục hành chính. Dự kiến tới hết tháng 11/2018, Bộ sẽ hoàn thành nốt 5 thủ tục lĩnh vực đường bộ, hoàn thành 100% thủ tục của cả giai đoạn 2018- 2020.

Nhiều thủ tục đưa vào hệ thống một cửa quốc gia đã giúp thủ tục đăng ký trực tuyến tăng nhanh như đăng kiểm và hiện nay không còn hồ sơ giấy, nhóm thủ tục hàng hải tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến luôn ở mức cao, trên 90%

Đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả công tác của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các cơ quan thuộc Bộ đã có chung nhận thức và đồng lòng triển khai một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thông quan hàng hoá, đi lại, giảm thiểu chi phí cho xã hội. Chính vì vậy, những kết quả của Bộ GTVT cũng là tốt nhất trong tất cả các Bộ, ngành.

Chủ tịch Uỷ ban cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức trong triển khai đơn giản hoá, kết nối thủ tục hành chính về hàng hoá, phương tiện, con người thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh với một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1, hoàn thành 100% các thủ tục này vào năm 2020, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với kết nối với một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng các bộ, ngành phải thực hiện thực chất việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm bảo đảm mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nhưng vẫn bảo đảm được sự quản lý của nhà nước.

"Không phải cứ đăng ký cắt giảm 50- 60% thủ tục là xong đâu. Phải soát xét từng loại thủ tục, từng loại hàng hoá, tránh trường hợp cắt bỏ các thủ tục cần thiết cho quản lý nhà nước trong bảo đảm vệ sinh an toàn, giữ gìn văn hoá, truyền thống.", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Cũng trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng việc cắt giảm thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng cho rằng cần loại bỏ dần việc "tiền kiểm" hàng hoá sang "hậu kiểm" dựa trên các nguyên tắc quản trị rủi ro: "Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thì lần sau cứ để hàng hoá của họ đi luồng xanh. Không doanh nghiệp nào dại dột mà lại để mất đi uy tín và quyền lợi của mình, thậm chí là bị truy tố hình sự. Nhưng cũng cũng loại hàng hoá bắt buộc phải kiểm tra ngay tại cửa khẩu chứ không thể "hậu kiểm" khi được lưu, phân phối trong nội địa được".

Không phải cứ đăng ký cắt giảm 50%-60% thủ tục hành chính là xong - Ảnh 2.

Ảnh: Thành Chung

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan nêu ý kiến sửa đổi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo hướng chỉ kiểm tra mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại, đại diện cho từng kiểu xe đối với tất cả các lô hàng, thay vì áp dụng cho từng lô xe nhập khẩu.

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết thời gian đầu các doanh nghiệp nhập khẩu gặp một số khó khăn nhất định do chưa nắm rõ yêu cầu quy định về Giáy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu và lo ngại việc tăng thời gian, chi phí khi thực hiện kiểm tra theo từng lô hàng nhập khẩu.

Sau 1 năm tích cực phối hợp, hướng dẫn triển khai Nghị định, Bộ GTVT cho biết hầu hết ô tô từ các thị trường khác nhau cũng đã nhập khẩu về Việt Nam mà không gặp khó khăn, vướng mắc. Việc kiểm tra, thử nghiệm theo lô trên thực tế cũng không quá phức tạp, tốn kém kinh phí và thời gian như phản ánh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật cho biết việc sửa đổi Nghị định 116 cần cân nhắc việc tạo ra kẽ hở cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng loạt xe và chỉ đăng ký kiểm rta cho một lô đại diện (có thể là một xe duy nhất do doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất) để cơ quan kiểm tra, cấp chứng nhận và sau đó, doanh nghiệp tiếp tục đăng ký cho các lô nhập khẩu sau với số lượng không hạn chế trong 3 năm. Do đó, cơ quan quản lý sẽ không kiểm soát được an toàn chất lượng linh kiện trên xe nhập khẩu, ảnh hưởng tới an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ