(Tổ Quốc) - "Không phải tất cả thầy cô đều vì tiền. Có nhiều những người thầy cô ở các cấp khác nhau có đạo đức trong sáng, cống hiến, say sưa với nghề. Có những người thầy về hưu rồi vẫn đi dạy thêm miễn phí mặc dù họ không giàu”, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khoá XIII chia sẻ.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục lại được dư luận xã hội quan tâm như thời điểm này, đặc biệt là từ khi xảy ra hàng loạt sự việc tiêu cực tại một số trường mầm non, gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT... trong thời gian gần đây. Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Thị An về vấn đề này:
PGS.TS Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khoá XIII: “Không phải tất cả thầy cô đều vì tiền, có rất nhiều người tâm huyết”. (Nguồn: Một thế giới) |
-Thưa bà, đạo đức giáo dục đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Nhiều quan điểm cho rằng, ngành giáo dục cần phải chấn chỉnh về vấn đề này. Vậy quan điểm của bà về như thế nào?
+ Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI (2011- 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986- 2016); Mục tiêu tổng quát và động lực phát triển đất nước 5 năm (2016- 2020), Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đề cập những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, có nêu: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... chưa được ngăn chặn và đẩy lùi”.
Tôi cho rằng, ngành giáo dục cũng là một thành tố của xã hội, của quốc gia nên những tiêu cực của xã hội cũng sẽ ảnh hưởng đến giáo dục. Và trong giáo dục chắc chắn sẽ không tránh khỏi có những trường hợp công chức, viên chức có những thói xấu, suy đồi đạo đức.
Vì sao ngành giáo dục lại bộc lộ vấn đề này rõ hơn các ngành khác? Bởi vì đây là lĩnh vực được cả xã hội quan tâm, cả xã hội hướng tới và cả xã hội cần. Giáo dục là nền tảng phát triển xã hội bền vững. Những vấn đề của ngành giáo dục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm là con người nên nếu đạo đức giáo dục xuống cấp thì sẽ mang lại hệ luỵ rất nhiều. Cũng chính vì thế, một bộ phận cán bộ suy đồi đạo đức trong ngành giáo dục càng bộc lộ rõ.
Theo quan điểm của tôi, muốn triệt tiêu tiêu cực trong ngành giáo dục thì phải đồng thời triệt tiêu những tiêu cực trong xã hội.
- “Chất lượng giáo dục phải xuất phát từ người thầy”. Vậy theo bà, chúng ta có nên mong chờ vào chất lượng của nền giáo dục hiện nay khi mà còn những người thầy, cô như trong vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giặt rẻ lau bảng, thầy giáo nâng điểm khống tại Hà Giang, Sơn La...?
+ Tôi rất buồn nhưng không ngạc nhiên bởi vì tiêu cực của ngành giáo dục cũng nằm trong tiêu cực chung của xã hội. Dù vậy khi biết thông tin về những vụ việc trên tôi cũng rất sốc bởi tôi nghĩ rằng mọi quy trình đều đã được giám sát đầy đủ và chặt chẽ. Vậy mà tại sao vẫn để xảy ra tiêu cực?
Tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây là do con người. Như tôi đã nói, những con người trong ngành giáo dục cũng là những công chức, viên chức nhà nước, cho nên “bộ phận không nhỏ cán bộ suy đồi đạo đức...” cũng bao gồm cả ngành giáo dục.
Để ngành giáo dục đào tạo phát triển thì việc đầu tiên là phải đầu tư cho ngành đủ ngưỡng. Đầu tiên là phải đầu tư cho đội ngũ cán bộ, từ lãnh đạo đến đội ngũ chuyên môn phải có đạo đức, có tư cách, có trình độ chuyên môn... thì mới đi dạy được người khác.
Việc tuyển đầu vào ngành sư phạm phải có cơ chế, chế độ cụ thể: Bao nhiêu điểm được vào ngành sư phạm? Chế độ như thế nào? Ra trường thì có mức lương như thế nào?... Nói chung phải có chế độ đặc biệt để tuyển chọn những sinh viên vào ngành sư phạm. Để khi họ ra trường họ có đầy đủ phẩm cách, chuyên môn.
Thầy cô là giáo cụ trực quan sống đối với học sinh, đặc biệt là đối với những học sinh nhỏ tuổi đang hình thành tính cách. Sự phát triển trong xã hội hiện đại khiến những ông bố bà mẹ bận cả ngày nên các con tiếp xúc với thầy cô là chính. Mà thầy cô là những người truyền đạt nhân cách cho học sinh để học sinh hình thành tính cách, vậy nên thầy cô phải là những người có đạo đức, nhân cách.
Vì thế, phải chú ý đầu tư đủ ngưỡng cho giáo dục, vì giáo dục không chỉ của riêng ngành giáo dục mà là của toàn xã hội, là bắt đầu của tất cả sự phát triển bền vững. Giáo dục liên quan đến chất lượng nguồn lực, chất lượng con người và con người quyết định tất cả.
Tất nhiên trong ngành giáo dục hiện nay vẫn có những người thầy cô ở các cấp khác nhau có đạo đức trong sáng, họ cống hiến, say sưa với nghề. Có những thầy giáo về hưu rồi vẫn đi dạy miễn phí mặc dù họ không giàu.
Không phải tất cả thầy cô đều vì tiền. Có rất nhiều thầy cô tâm huyết.
-Vụ việc nâng điểm khống xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua gây nhiều bức xúc cho xã hội. Có thể nói đây là “vết nhơ” trong ngành giáo dục. Những người liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, qua những sự việc tiêu cực như thế này cũng cho thấy vai trò của người lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà trường... quan trọng như thế nào. Bà nhận định thế nào về điều này?
+ Về vụ việc nâng điểm khống tại Hà Giang, Sơn La... Bộ Giáo dục đã cử các đoàn đi kiểm tra rất tích cực và kịp thời để xác định tiêu cực, chỉ ra các nguyên nhân...
Còn cụ thể trách nhiệm của ai đến đâu thì đang trong quá trình điều tra. Tôi được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sẽ xử lý đúng người, đúng trách nhiệm... và có xử lý cả hình sự đối với một số đối tượng. Tôi nghĩ mọi việc sẽ được công khai rõ ràng.
Đương nhiên, trong tất cả vụ việc tiêu cực xảy ra, theo quan điểm của tôi thì người đứng đầu ngành và người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, nhân dân...
-Xin cảm ơn bà!
Hà Giang