Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)
|
Hội nghị tTriển khai kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016, diễn ra chiều 13/7 tại Hà Nội có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Vệt Nam, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể ở Trung ương.
Người dân phải đồng hành trong cuộc chiến đảm bảo ATTP
Ngày 30/3/2016, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ đã ký kết chương trình phối hợp Vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là chương trình phối hợp số 90).
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, ATTP là vấn đề bức xúc kéo dài, không thể làm trong một năm, không thể làm trong một cơ quan mà phải là cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận các cấp và toàn thể nhân dân. Do đó, chúng ta phải đặt ít nhất trong 5 năm thì mới tạo chuyển biến căn bản. Để triển khai chương trình vừa dài, vừa rộng, vừa sâu như vậy, bên cạnh chương trình ký kết 5 năm thì việc chuẩn bị các yêu cầu cần thiết để triển khai cụ thể là hết sức quan trọng.
Một thực trạng đang tồn tại hiện nay là việc người dân trực tiếp nuôi trồng và sản xuất thực phẩm nhưng không thực sự tuân thủ ATTP đã không còn là chuyện hiếm, điều này nếu tiếp tục diễn ra, người trực tiếp sản xuất sẽ trở thành những người đối đầu với hệ thống chính quyền cũng như Mặt trận. Do đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chúng ta không thể kéo dài sự đối đầu giữa người trực tiếp sản xuất thực phẩm không tuân thủ ATTP với hệ thống chính quyền. Người dân phải là người đồng hành chứ không phải là người đối đầu trong cuộc chiến đảm bảo ATTP”.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề đặt ra là người trong cuộc phải thay đổi nhận thức. Muốn làm được điều đó thì cần đẩy mạnh công tác truyền thông và vận động đến từng hộ gia đình. Đồng thời, phải có quy trình hướng dẫn sản xuất sạch, kinh doanh sạch và phải giám sát được các quy trình này. Trên thực tế, đã có nhiều quy trình nhưng cũng có quy trình không đúng hoặc là đã lạc hậu.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năm 2016 đặt ra yêu cầu, quý 3, các bộ, ban, ngành liên quan ban hành được hướng dẫn quy trình sản xuất sạch, đảm bảo ATTP. Nhưng do hiện nay chúng ta chưa có chế tài đến từng hộ nông dân, vì vậy, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, trước hết chúng ta phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn. Cùng với việc tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể phải nâng cao trách nhiệm giám sát vì quyền lợi người dân nhưng giám sát phải có quy trình.
Đẩy mạnh thanh tra, giám sát ATTP
Trình bày dự thảo Kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Việc phối hợp phải đồng bộ, kịp thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội để đạt mục tiêu Chương trình phối hợp số 90 về ATTP, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.
Theo kế hoạch, kết thúc năm 2016, các bộ, ngành trung ương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để năm 2017 triển khai đồng bộ ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số 90 về ATTP giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch năm 2016. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành sẽ phối hợp với một số địa phương triển khai trong năm 2016 để rút kinh nghiệm.
Theo kế hoạch này, các bộ, ngành cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công. Kết luận thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP sẽ được thường xuyên cung cấp cho báo chí để tuyên truyền những trường hợp chấp hành tốt hoặc giám sát việc xử lý, khắc phục thiệt hại do vi phạm ATTP gây ra theo kết luận đã công bố. Sẽ công bố trên báo chí tên và việc xử lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về ATTP. Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh, MTTQ các cấp sẽ đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực này đến tận cơ sở.
Theo đó, bộ, ngành sẽ cung cấp các tài liệu hướng dẫn, vận động thực hiện quy trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó chỉ rõ những loại hình cơ sở nào bắt buộc phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP thì mới được sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, Bộ NN&PTNT cung cấp các tài liệu hướng dẫn về quy trình sản xuất, chế biến nông sản, thủy hải sản đáp ứng tiêu chuẩn về ATTP.
Bộ Y tế biên soạn tài liệu về kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm; quy trình kiểm soát thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các khu công nghiệp, khu du lịch, dịp lễ hội, sự kiện lớn.
Bộ Công thương hướng dẫn về quy trình sản xuất và kiểm soát ngăn chặn rượu, nước giải khát, bánh kẹo giả, kém chất lượng nhập lậu; về kiểm soát gian lận thương mại trong kinh doanh; về kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Các tài liệu này sẽ được hoàn thành trong quý III/2016 và công bố rộng rãi.
Cùng với đó, các bộ, ngành cũng sẽ ban hành tiêu chí ATTP đồng bộ với tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh (bổ sung nội dung ATTP trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; tiêu chí ATTP tại các chợ đầu mối nông, hải sản và chợ đấu giá nông, hải sản; tiêu chí ATTP tại các chợ, siêu thị, trừ các chợ đầu mối, chợ đấu giá nông hải sản; tiêu chí ATTP cho các phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; tiêu chí ATTP trong việc đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”…
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Mặt trận cùng các đoàn thể sẽ vận động các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến cấp xã, cộng đồng khu dân cư trong cả nước, trước hết là hộ nông dân cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Cùng với đó, tổ chức giám sát về ATTP năm 2016 tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Lào Cai, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Cà Mau…
Hình thành nếp sống văn hóa nông dân Việt Nam là người sản xuất an toàn
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều ý kiến và thống nhất các nội dung kế hoạch vận động giám sát ATTP năm 2016; chương trình phối hợp vận động giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2017, hằng năm 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát ATTP; vận động ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP. Đến năm 2020, vận động ít nhất 90% hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, làm sao để các hộ sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP là rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống, nhất là các đoàn thể. Lần này, phải làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong lĩnh vực ATTP. Từng bộ, ngành phải có hướng dẫn riêng cho từng ngành hàng của mình. Khi phát hiện vi phạm thì phải công khai kịp thời để dân biết, tẩy chay thực phẩm bẩn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để vận động và giám sát bảo đảm ATTP thì việc thực thi ở địa phương rất quan trọng. Do đó nên đưa mục trách nhiệm của UBND các địa phương đậm hơn, trong đó nhấn mạnh vai trò người đứng đầu. Cùng với đó, bỏ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch mà chỉ thực hiện đột xuất vì thanh tra theo kế hoạch đối với ATTP là không có tác dụng. Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh 3 trọng điểm, bài học rút ra từ kinh nghiệm của Bộ NN&PTNT, đó là tăng cường công tác truyền thông; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với sản xuất kinh doanh, buôn bán vật tư đầu vào; xây dựng chuỗi sản xuất an toàn và kết nối được với người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho rằng, mặt hàng nông sản thì giá cả chi phối hết. Do đó phải làm rõ nội dung nếu thực hiện đúng quy trình thì giá bán cỡ nào và ai chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn đó. Bởi vì mô hình sản xuất hiện nay chưa đồng bộ. Phải làm rõ điều đó thì khi thực hiện giám sát mới có đủ các chế tài để xử lý nếu vi phạm. Đồng thời phải làm rõ, khi giám sát làm sao nói là không đạt tiêu chuẩn; thời gian mang sản phẩm đi kiểm tra là bao lâu và khi kiểm nghiệm không có vấn đề gì thì sản phẩm trong ngày không bán được ai sẽ chịu trách nhiệm?.... Kế hoạch rất hay nhưng đặt ra phải căn cơ mới khả thi.
Các đại biểu nhấn mạnh, để chuyển biến về ATTP, trách nhiệm thực thi ở cơ sở là rất quan trọng, phải nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp. Đặc biệt, phải xây dựng được chuỗi sản xuất an toàn…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngay sau khi có kế hoạch thống nhất, các bộ, ngành cần tập trung hướng dẫn triển khai theo ngành dọc. Việc xây dựng chế tài xử phạt sẽ được thực hiện theo từng bước, tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. 5 tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tuyên truyền vận động đối với từng hộ dân, trong đó quan trọng nhất là xã hội cần lên án những đối tượng vi phạm ATTP; khơi dậy "Tòa án lương tâm". Bản chất ATTP không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề văn hóa. Phải hình thành nếp sống văn hóa nông dân Việt Nam là người sản xuất an toàn, người Việt Nam được dùng thực phẩm an toàn... Kết thúc năm 2016, các bộ, ngành Trung ương cần hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, tạo chuyển biến và các điều kiện pháp lý để năm 2017 triển khai đồng bộ ở các tỉnh, thành trên cả nước./.
Nguồn: dangcongsan.vn