(Tổ Quốc) - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, với Bộ trưởng Y tế mới, không thể kỳ vọng một ngày một bữa và có cây "đũa thần" để xử lý hết những khó khăn, vướng mắc.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thiếu thuốc, thiết bị y tế, nhân viên y tế nghỉ việc là vấn đề nghiêm trọng
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, vấn đề thiếu thuốc, thiết bị y tế, nhân viên y tế nghỉ việc và những việc xảy ra với ngành y tế hiện nay là nghiêm trọng.
"Hiện cứ mỗi người dân, kể cả bạn bè của tôi, ai cũng nói đi vào bệnh viện quá thiếu thốn, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân phải chịu đau đớn, tự đi mua thì bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy, đã tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, làm giảm đi giá trị bảo hiểm y tế, chưa hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần nhìn nhận vấn đề, phân tích, đánh giá tổng thể về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc cũng như thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH Bình Phước) cho biết, chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 thành công, tuy nhiên "tổn thương" sau đại dịch vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại các bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ Y tế đánh giá thêm về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở tuyến cơ sở.
Về mua sắm thuốc, đại biểu chỉ ra nguyên nhân do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; tâm lý e dè không dám mua sắm; khâu giải quyết hồ sơ…
Không thể kỳ vọng Bộ trưởng Y tế một ngày, một bữa có cây "đũa thần" để xử lý hết khó khăn
Bên cạnh tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu các vấn đề như việc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tỉ lệ người dân tham gia BHYT đang bị chững lại.
Đại biểu dẫn số liệu tại Bình Phước cho biết, có hơn 5.800 người (chủ yếu người dân tộc thiểu số) không được hưởng chính sách BHYT nên đề nghị Bộ trưởng Y tế trong thời gian tới quan tâm hơn.
Ngoài ra, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2022 tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92% dân số theo như Nghị quyết của Quốc hội giao thì chúng ta phải phấn đấu tăng lên hơn 5 triệu người.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Đây cũng là một nhiệm vụ và vấn đề cấp bách cần quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang cho hay, sau hơn 2 năm thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh như giãn cách xã hội… thì nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng rất cao.
Nếu không có BHYT sẽ khiến cho nhiều người dân, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người lao động phi chính thức, nông dân gặp khá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Đại biểu đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc bao phủ BHYT, BHXH.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Ngành y tế cũng rất khó khăn. Không thể kỳ vọng Bộ trưởng mới một ngày một bữa và có cây "đũa thần" để xử lý hết những khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ một mình ngành y tế sẽ rất khó".
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đối với tư nhân, cá nhân, việc mua sắm rất dễ nhưng với nhà nước, các thủ tục kèm theo phải làm đúng quy định pháp luật. Mà đúng quy định pháp luật thì thời gian sẽ bị chậm đi, nên nhiều cái chúng ta phải xử lý rốt ráo.