• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Không tranh thủ những thế mạnh như tiền bạc, chức quyền để vận động bầu cử”

Thời sự 28/04/2021 15:40

(Tổ Quốc) - Danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước vừa được Ủy ban bầu cử Quốc gia công bố vào chiều 27/4. Từ danh sách này, các ứng cử viên sẽ đưa ra những chương hành động của mình để cử tri lựa chọn vào ngày toàn quốc đi bầu cử 23/5 sắp tới.

“Không tranh thủ những thế mạnh như tiền bạc, chức quyền để vận động tranh cử” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Viết Chức - Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ quốc liên quan đến một số nội dung về công tác vận động bầu cử.

- Sau khi Ủy ban bầu cử Quốc gia công bố danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XV, các ứng cử viên sẽ có một thời gian ngắn để vận động trước khi đến ngày bầu cử vào 23/5 sắp tới. Ông có thể cho biết, trong công tác vận động bầu cử các ứng viên được làm gì?

Trong vận động bầu cử, mỗi ứng viên phải đưa ra được chương trình hành động của mình, khẳng định có đầy đủ thời gian, năng lực cũng như phẩm chất, đạo đức để đại diện ý chí, nguyện vọng cho cử tri nếu trúng cử đại biểu Quốc hội.

Cụ thể hơn, các ứng viên phải làm rõ vì sao lại mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội và khi trúng cử rồi thì sẽ làm gì. 

Quá trình vận động thì ứng cử viên phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật. Trong đó sự minh bạch, công khai, công bằng cần phải thực hiện nghiêm minh.

Chúng ta đã có quy định rất rõ ràng mỗi ứng cử viên được nói bao nhiêu phút trong những lần tiếp xúc cử tri, đặc biệt là không tranh thủ những thế mạnh như tiền bạc, chức quyền để vận động bầu cử.

- Những người ứng cử được sử dụng hình thức vận động bầu cử nào thưa ông?

Theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có 2 hình thức vận động bầu cử, đó là qua hội nghị tiếp xúc cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

"Để đảm bảo công bằng bình đẳng cho các ứng cử viên, không được lạm dụng chức vụ quyền hạn để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Đặc biệt, người ứng cử không sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri".

Ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam

Đối với hình thức vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, từng người được giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH.

Sau khi cử tri sẽ nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng, những người ứng cử và cử tri sẽ trao đổi dân chủ, thẳng thắn về những vấn đề đó.

Về hình thức vận động bầu cử qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử sẽ trình bày về chương trình hành động của mình khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các trang thông tin điện tử về bầu cử.

- Làm thế nào để phân biệt được giữa vận động bầu cử trong sáng và không trong sáng, thưa ông?

Tôi cho rằng, cử tri và nhân dân có đủ trình độ để nhận biết được những hoạt động vận động không trong sáng.

Qua kinh nghiệm 5 năm làm ĐBQH khóa XI thuộc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, tôi cho rằng, trong vận động bầu cử thì các ứng cử viên không nên hứa hẹn quá nhiều. Đặc biệt là những lời hứa hẹn vi phạm pháp luật như: hứa xây nhà, hứa cho tiền…

Chức năng của Quốc hội là quyết định những vấn đề quan trọng, giám sát tối cao và lập pháp. Chính vì vậy, cá nhân các ứng cử viên ĐBQH cần phải cho cử tri thấy được khi trúng cử ĐBQH thì phải làm thể nào để tham gia cùng Quốc hội hoạch định những chính sách để giúp người dân, doanh nghiệp có được điều kiện phát triển.

- Để không lọt vào Quốc hội khóa XV những người không đủ tiêu chuẩn, các ứng cử viên phải cho cử tri thấy được những thông tin gì trong hồ sơ của họ thưa ông?

Thông qua những lần hiệp thương thì các thông tin người ứng cử đã được chuẩn bị đầy đủ như lý lịch, quá trình công tác, nhận xét của địa phương.

"Cần ngăn chặn việc các ứng viên đưa quyền lợi vật chất ra để mua phiếu cử tri, chẳng hạn như phát tiền để cử tri ủng hộ mình hoặc hứa sẽ xây trường, làm cầu đường. Nếu thực hiện trong thời gian ứng cử sẽ trở thành vận động không trong sáng, gây thiệt thòi cho những ứng viên khác không có điều kiện".

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Ở quá trình vận động này thì cũng phải thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin cho cử tri để họ lựa chọn được người có đức và có tài năng, hết lòng phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì mỗi cử tri cũng phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ của ứng viên, để từ đó đi đến những quyết định đúng đắn nhất thông qua lá phiếu của mình.


- Trong hồ sơ của các ứng cử viên thì vấn đề tài sản cá nhân có được đề cập không thưa ông?

Theo quy định, trong hồ sơ ứng viên tranh cử ĐBQH phải có bản kê khai tài sản cá nhân. Bởi, đối với những người tham gia ĐBQH thì vấn đề tài sản không còn là quyền riêng tư nữa.

Việc công khai tài sản hay công khai bằng cấp và công khai các yếu tố về nhân thân sẽ giúp cử tri giám sát, lựa chọn bầu ra những người xứng đáng nhất.

Tuy nhiên, việc công khai tài sản cũng cần được thực hiện thận trọng và có quy định cụ thể, không phải chỗ nào cũng có thể dán và niêm yết công khai tài sản của các ứng viên.

Xin cảm ơn ông!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ