(Tổ Quốc) - Trang East Asia Forum mới đăng tải một bài phân tích khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy quá trình phát triển bền vững carbon thấp.
EU có kế hoạch triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đầu tiên trên thế giới từ tháng 10 năm 2023. Trong giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế này sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu báo cáo lượng có trong hàng hóa nhập khẩu của họ. Từ năm 2026, các loại thuế bổ sung sẽ được đánh vào hàng hóa nhập khẩu để thu hẹp khoảng cách giữa giá carbon của EU và giá tại các nước xuất khẩu.
Nhu cầu bức thiết phải giảm phát thải
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt và thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro. Cơ chế này dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến các nền kinh tế đang xuất khẩu nhiều mặt hàng liên quan sang EU. Đối với Việt Nam, CBAM có thể gây ra sự sụt giảm khoảng 100 triệu USD kim ngạch xuất khẩu từ các ngành liên quan.
Ngành thép Việt Nam được ước tính là bị ảnh hưởng nhiều nhất do riêng năm 2022, tổng lượng thép Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn, thì EU chiếm 16% (khoảng 1,3 triệu tấn). Khi CBAM được triển khai, một tấn thép xuất khẩu sang EU có thể phải chịu thêm chi phí khoảng 80 USD, tương đương 10% giá xuất khẩu.
Giá trị xuất khẩu thép có thể giảm tới 3,7%. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng khác bao gồm nhôm và xi măng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ phải chịu thêm chi phí hành chính cho việc theo dõi, báo cáo và xác minh lượng khí thải có trong các sản phẩm xuất khẩu của họ.
Hệ lụy là CBAM sẽ phần nào giảm đi khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Và khi CBAM được triển khai ở cấp độ toàn diện hơn, bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị đầu vào sản xuất thì tác động của cơ chế này còn lớn hơn nữa. Thêm vào đó, nếu các quốc gia khác như Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản theo bước của EU và áp dụng CBAM của riêng họ thì CBAM lúc này dần mang tính chất quy chuẩn quốc tế.
Do đó, việc chuẩn bị sớm cho CBAM là rất quan trọng. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 11 vào EU. Để mở rộng xuất khẩu và gặt hái đầy đủ lợi ích tiềm năng từ các hiệp định thương mại với EU, Việt Nam cần giảm thiểu tác động của CBAM. Điều này có thể đạt được bằng cách giảm cường độ phát thải của các sản phẩm Việt Nam đang xuất khẩu.
Nhiều khuyến nghị khử carbon ngành điện và phát triển năng lượng tái tạo
Vì các ngành CBAM tiêu thụ một lượng lớn điện năng, việc khử cacbon trong ngành điện sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải trong các ngành này. Một tín hiệu tốt là Việt Nam có tiềm năng to lớn để khai thác năng lượng mặt trời và gió để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khử cacbon điện. Tiềm năng kết hợp của năng lượng mặt trời và năng lượng gió cao hơn khoảng 46 lần so với công suất đã lắp đặt vào năm 2022.
Việt Nam có thể tập trung vào việc tăng cường điện mặt trời và điện gió. Đẩy nhanh quá trình nâng cấp hệ thống lưới điện là rất quan trọng để loại bỏ các rào cản hiện tại đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm cả việc cắt giảm sản lượng năng lượng mặt trời và gió do công suất lưới điện hạn chế. Nếu được xây dựng, một tuyến cáp điện ngầm dưới biển Nam-Bắc có thể hỗ trợ quản lý lưới điện và đảm bảo tận dụng được các nguồn điện với chi phí tối ưu nhất.
Cải cách thị trường điện, bao gồm cả việc cho phép các thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, cũng giúp các ngành công nghiệp mua năng lượng mặt trời và năng lượng gió trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo độc lập. Khi đó, thị trường sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm bớt gánh nặng cho chính phủ trong việc duy trì an ninh năng lượng.
Các biện pháp khác để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo có thể bao gồm đặt ra các mục tiêu lớn cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió trong Quy hoạch tổng thể phát triển điện lực quốc gia lần thứ tám sắp tới. Việc thiết lập các quy định để cấp phép và cho thuê các dự án điện gió ngoài khơi sẽ giải phóng nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng lớn này, trong đó Việt Nam có tiềm năng lớn nhất ở Đông Nam Á. Cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua đổi mới công nghệ và thực hành tốt trong công nghiệp cũng có thể giúp đạt được mục tiêu này.
Loại bỏ dần điện than cũng sẽ góp phần giảm phát thải. Việc định giá phát thải carbon có thể tạo thêm nguồn thu cho nền kinh tế và sử dụng nguồn tiền này để hỗ trợ các sáng kiến như đổi mới công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia CBAM sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi đầu vào sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo như hydro xanh và áp dụng các công nghệ sử dụng và lưu trữ carbon.
Về làm việc với EU, trước mắt, Việt Nam cần tăng cường năng lực giám sát, báo cáo và xác minh, cũng như tham gia đối thoại mang tính xây dựng với EU để tìm kiếm các điều kiện thuận lợi để thực thi CBAM.
Như vậy, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm thiểu tác động của CBAM mà còn góp phần đạt được mục tiêu lớn của Việt Nam là đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Các lợi ích khác của quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ bao gồm đóng góp vào các cam kết khí hậu của Việt Nam, bao gồm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm ô nhiễm không khí tại địa phương và phát triển ngành năng lượng tái tạo trong nước. Bằng cách thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể thiết lập một nền tảng vững chắc để theo đuổi tăng trưởng xanh và bền vững.