(Tổ Quốc)- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch góp phần làm tan tỏa những giá trị tốt đẹp
(Tổ Quốc)- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch góp phần làm tan tỏa những giá trị tốt đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, của văn hóa và con người Việt Nam nói chung.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi ở và làm việc của Bác từ năm 1954 đến năm 1969 được lưu giữ gần như nguyên trạng không chỉ là địa chỉ có sức thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, những hình ảnh về cuộc sống bình dị của vị Chủ tịch nước còn là trường học trực quan, sinh động về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Những cán bộ, nhân viên ở Khu di tích- những người trực tiếp giữ gìn, trông coi di tích đã và đang nỗ lực hết mình đưa di tích đến gần công chúng, góp phần làm tan tỏa những giá trị tốt đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, của văn hóa và con người Việt Nam nói chung. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cán bộ nhân viên Khu Di tích Hồ Chí Minh cũng là một trong những đơn vị xuất sắc của Bộ VHTTDL.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà sàn- minh chứng về cuộc đời giản dị
Tháng 5, dòng người vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu di tích đặc biệt này đông hơn thường lệ. Người thăm thú cảnh quan, người tìm hiểu các tư liệu, hiện vật gắn bó với quá trình hoạt động cách mạng và cuộc sống sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giới thiệu với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Công Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng công trình hiện hữu trong Khu di tích đều gắn bó mật thiết với vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Nhà sàn mộc mạc nằm ở góc vườn Phủ Chủ tịch được giữ gìn như Bác chưa từng đi xa. Tầng dưới nhà sàn Bác dùng để làm việc, tiếp khách và họp. Tầng trên có 2 phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng khoảng hơn 10m2 còn nguyên những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của Bác như bàn ghế, giá sách, giường đơn, máy chữ… Cũng chính tại nhà sàn này, vào khoảng thời gian giữa tháng 5 từ năm 1965 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tài liệu tuyệt đối bí mật (Di chúc), để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết.
Nhà sàn của Bác trong Khu di tích
Ông Công cũng chia sẻ: “Nhiều người thắc mắc rằng sao Bác lại chọn nhà sàn để ở mà ít biết, trước đó, Trung ương Đảng đã mời Bác về ở tại Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây, nhưng Bác từ chối”.
Cũng theo ông Công cho biết: Năm 1948, Bác tiếp đoàn cán bộ tỉnh Cao Bằng, Bác có hỏi: “Ngôi nhà Bác ở trước đây có còn không”? Đoàn cán bộ trả lời: Thưa Bác, do nhà tranh tre nứa lá, mưa bão nên đã hỏng rồi.
Sau đó, Bác có chuyến đi thăm đồng bào chiến sĩ ở Đại Từ, Thái Nguyên, Bác thấy đời sống đồng bào dân tộc khá hơn, bản làng có những nếp nhà mới. Bác nói với thư ký là nhiều lần Trung ương đề nghị làm cho Bác một ngôi nhà mới. Vậy Bác đề nghị làm cho Bác một ngôi nhà sàn nhỏ, ở phía bên kia ao cá. Bác nhấn mạnh, làm nhỏ, một người ở, gỗ thường, tầng dưới để thoáng, nhưng cầu tháng phải rộng để hai người đi cùng một lúc được. Hành lang rộng để đọc sách, tiện sinh hoạt…
“Bác đã sống, gắn bó với đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc trong hàng chục năm trời. Đồng bào dân tộc miền núi Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… đã cưu mang cách mạng, cưu mang Bác. Nhà sàn là minh chứng về đời sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, với đời sống đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc của Bác”- ông Nguyễn Văn Công nhận định.
Phòng họp Bộ Chính trị
Trong 5 năm qua, Khu di tích Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào giới thiệu với nhân dân cả nước và du khách quốc tế nhà 54 (AK1) - nơi Bác ở và làm việc từ tháng 12 năm 1954 đến tháng 5 năm 1958. Nhà họp Bộ Chính trị gắn liền với sự kiện Bác và Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Nhà BK1 là nơi Bác tiếp cán bộ đến báo cáo công việc và ký các sắc lệnh… Ông Nguyễn Văn Công đánh giá, toàn bộ hiện vật, cảnh quan được lưu giữ tại Khu di tích không chỉ phản ánh tư tưởng lỗi lạc, tri thức uyên bác, thiên tài lãnh đạo của Người đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, mà còn cho chúng ta thấy những phẩm chất cao quý của đạo đức Hồ Chí Minh- tấm gương hết lòng phục vụ lợi ích nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bởi thế, Khu di tích được coi là một bảo tàng đặc biệt, là trường học trực quan, sinh động về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Nơi lan tỏa đạo đức Hồ Chí Minh
Để có thể lưu giữ gần như toàn bộ các hiện vật gốc về Người; đồng thời phục vụ chu đáo hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm, đội ngũ cán bộ, nhân viên Khu di tích có phương châm làm việc: “Làm trước khi khách đến, sau khi khách đi, tất cả các ngày trong năm”.
Hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan Khu di tích mỗi năm
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phòng Tuyên truyền- Giáo dục chia sẻ về công việc của mình: “Lượng khách tham quan Khu di tích vừa đông, vừa đa dạng về trình độ, nhận thức và ngôn ngữ, đòi hỏi cán bộ Khu di tích phải không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng ứng xử để có thể giúp hàng triệu lượt người hiểu hơn về Bác, về đất nước, con người Việt Nam”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Phòng Bảo quản Di tích cho biết thêm: Các công trình, tài liệu, hiện vật của Khu di tích nằm giữa vườn cây bốn mùa xanh mát nhưng là sự thách thức với những người làm công tác bảo quản. Hàng ngày, cán bộ phòng Bảo quản phải đi làm từ sáng sớm và trở về nhà khi trời đã tối để làm công tác vệ sinh sàn nhà, hiện vật trước và sau giờ đón khách mới có thể “chống lại” sự tấn công của mối mọt, côn trùng và khí hậu nóng ẩm. Vất vả hơn nữa là công việc của những người làm công tác sưu tầm, kiểm kê tư liệu, hiện vật vì mọi thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, trong khi nhân chứng không còn nhiều.
Tuy vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc bảo quản, giữ gìn, phát huy hệ giá trị về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là vinh dự và trách nhiệm của mình. Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Khu di tích, ngày 18/5, tại cuộc Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cán bộ nhân viên Khu Di tích Hồ Chí Minh đã được Đảng bộ Bộ VHTTDL tặng Bằng khen là một trong những đơn vị xuất sắc của Bộ.
Trong không khí cả nước thi đua thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức lễ báo công dâng Bác, lễ kết nạp Đoàn, Đội và sinh hoạt chính trị. Điều đó thêm một lần khẳng định, nơi đây là địa chỉ đỏ, là “bảo tàng sống”, là nơi lan tỏa về tấm gương đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những giá trị nhân văn, tiến bộ, khoa học trong tư tưởng của Người./.
Hồng Hà
Ảnh: Đăng Huy