(Tổ Quốc) - Với việc đang hoàn thiện các bước để trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, cùng với Yên Tử (Quảng Ninh), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Côn Sơn- Kiếp Bạc đang hoàn thiện đề án phát triển đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 với nhiều đột phá, sáng tạo nhằm thu hút du khách, bảo tồn, phát huy giá trị di sản độc đáo của văn hóa xứ Đông.
- 25.02.2024 Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024
- 11.01.2024 Củng cố, phát huy và khai thác giá trị khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
- 15.03.2023 Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề cử "Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới
- 29.01.2023 Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) có những gì mà níu chân du khách suốt 4 mùa
- 03.08.2020 Du khách phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi tham quan Côn Sơn - Kiếp Bạc
Kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc là một vùng thiên nhiên kỳ thú với hình sông, thế núi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian linh thiêng và huyền bí. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn còn giữ trong mình rất nhiều lớp trầm tích văn hóa vô cùng đặc sắc của các triều đại kế tiếp nhau.
Côn Sơn – Kiếp Bạc là một quần thể di tích rộng lớn, bao gồm nhiều công trình kiến trúc cổ kính, trong đó tiêu biểu nhất là chùa Côn Sơn (Thiên Tư Phúc Tự) và đền Kiếp Bạc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, phản ánh văn hóa nghệ thuật thời Trần. Năm 1962, quần thể di tích được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, đến năm 2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Nhắc đến Côn Sơn - Kiếp Bạc là nhắc đến các danh nhân văn hóa, quân sự kiệt xuất của dân tộc như Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán... Cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân này đã gắn bó mật thiết với Côn Sơn – Kiếp Bạc. Chùa Côn Sơn còn gọi là liêu Kỳ Lân, tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi chùa Hun. Tương truyền chùa khởi dựng từ thế kỷ X, mở rộng, hoàn chỉnh ở thế kỷ XIV. Cuối thế kỷ XIII, Đệ nhất thánh tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dựng liêu Kỳ Lân để đào tạo tăng ni, phát triển đạo pháp. Năm 1329, Đệ nhị thánh tổ Pháp Loa xây dựng và mở rộng phong cảnh Côn Sơn. Năm 1330 - 1334, Đệ tam thánh tổ Huyền Quang về chùa Côn Sơn trụ trì và thuyết pháp. Tại đây, Ngài đã tôn tạo mở rộng chùa Côn Sơn, xây dựng Cửu Phẩm liên hoa, soạn nhiều kinh sách, đào tạo hàng ngàn tăng ni, trước tác ra nhiều kinh điển; soạn nhiều khoa cúng Phật như: "Thuỷ Lục Chư Khoa"… Nổi tiếng hơn cả là "Đại khoa cúng Phật, dâng lục cúng Dàng - Mông Sơn thí thực chẩn tế cô hồn, kỳ nguyện quốc thái dân an". Đây là di sản có giá trị đặc biệt của đất nước.
Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, trở thành một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần ngay khi Ngài qua đời. Vạn Kiếp là đầu mối huyết mạch giao thông thuỷ, bộ trấn giữ cửa ngõ phía đông kinh thành Thăng Long. Nơi đây trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thuỷ, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, 6 sông đổ về chung đúc khí thiêng, địa linh nhân kiệt, danh sơn huyền thoại…
Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp lập đại bản doanh, xây dựng phòng tuyến quân sự vùng đông bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông... Trong đó, căn cứ địa Vạn Kiếp là trung tâm chỉ huy. Đây là trận đồ "thuỷ bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ" để chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Ra đời và tồn tại lâu dài cùng lịch sử, hội tụ văn hóa của các vùng miền, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, là kết tinh của biết bao công sức, tư tưởng, trí tuệ, tình cảm... của các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, giữ gìn bảo vệ đến ngày nay. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng tồn tại, phát triển trên một vùng đất, thờ tự 2 tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng hòa đồng tạo nên một bản thể văn hóa tâm linh hoàn chỉnh, thống nhất. Chính vì thế, hơn 7 thế kỷ đã qua, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, đi vào tâm thức người dân.
Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là tác động của các cuộc chiến tranh và môi trường thiên nhiên, nhiều công trình kiến trúc trong khu di tích đã bị phá hủy và xuống cấp. Tuy nhiên, một số di tích ở đây đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm tu bổ, tôn tạo, và tiến hành nghiên cứu, khai quật khảo cổ. Còn lại hầu hết các di tích khác vẫn được tọa lạc nguyên vẹn trên mặt đất hoặc được bảo vệ dưới lòng đất mà chưa được phát lộ. Qua các đợt thăm dò khảo cổ đã phần nào phát lộ và khẳng định tính nguyên gốc của di tích vẫn được giữ nguyên.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, tư tưởng, văn hóa, khoa học... Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc là một bộ phận cấu thành, không thể tách rời của quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc trong hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới.
Đột phá trong xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa
Là khu di tích quốc gia đặc biệt, với thiên nhiên, phong cảnh hữu tình có sông, có núi, nhưng Côn Sơn- Kiếp Bạc vẫn chỉ đón khách mang tính mùa vụ là lễ hội mùa Xuân và lễ hội mùa Thu. Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc cho biết, khu di tích thu hút trên 1 triệu-1.2 triệu du khách/năm, và doanh thu từ 35-37 tỉ/năm. Hiện Côn Sơn- Kiếp Bạc mới khai thác và thu hút du lịch từ 2 loại hình là di tích và lễ hội.
"Hai loại hình này thu hút du khách mang tính mùa vụ. Điểm đặc biệt trong tháng 8 (âm lịch) lễ hội mùa Thu, chỉ duy nhất ở Côn Sơn- Kiếp Bạc mới có là lễ Hội quân trên sông Lục Đầu (Kiếp Bạc), sẽ có 100 chiến thuyền từ các nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh đến diễn lại tích vua Trần đánh quân trên sông Lục Đầu- một trong nghi lễ đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Vì vậy, tháng 8 có thể đón 5 vạn du khách/ngày, nhưng như ngày thường thì chỉ 300 người/ngày. Tính mùa vụ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào hạ tầng dịch vụ, khách sạn... Bởi vậy, hiện tại khu di tích vẫn thiếu dịch vụ, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch…"- ông Lê Duy Mạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó là nỗi lo về nguồn nhân lực du lịch. Dù được đánh giá là đơn vị mạnh ở tỉnh, nhưng so với nhiệm vụ phát triển du lịch thì đội ngũ nhân lực du lịch ở Côn Sơn- Kiếp Bạc vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ông Lê Duy Mạnh cho biết: "Chỉ 1/3 nhân lực ở Khu di tích được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch, còn lại là các ngành khác. Điểm hạn chế nữa là ngoại ngữ, khi có du khách nước ngoài đến khu di tích thì chúng tôi không đáp ứng được đội ngũ thuyết minh, buộc phải thuê bên ngoài. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, không căn cơ, lâu dài".
Hội quân trên sông Lục Đầu- một sản phẩm du lịch lễ hội độc đáo, tôn vinh tinh thần yêu nước, thượng võ, đồng thời góp phần giáo dục lịch sử dân tộc
Ông Lê Duy Mạnh mong muốn, trong thời gian tới, Khu di tích có được chính sách đặc thù, có những ưu đã trong đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ ngoại ngữ.
Cũng theo ông Lê Duy Mạnh, dự kiến khi được UNESCO ghi danh là di sản thế giới, Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc sẽ đón khoảng 4 triệu khách/năm. Điều này đòi hỏi địa phương phải đi trước đón đầu trong đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú. Vì vậy, Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các bên liên quan xây dựng đề án đưa Côn Sơn- Kiếp Bạc thành khu du lịch quốc gia vào giai đoạn năm 2025-2030 đồng thời phối hợp cùng Viện Phát triển du lịch bền vững Việt Nam xây dựng đề án phát triển khu du lịch Côn Sơn- Kiếp Bạc đến năm 2030 định hướng 2045.
Khi các đề án được phê duyệt, nhiều điểm hạn chế tại khu di tích sẽ được tháo gỡ, tạo đà phát triển. Trong đó, khai thác điểm đặc biệt chỉ riêng có tại di tích, rất cần cách làm mới, đầu tư và chiến lược đột phá.
Theo ông Lê Duy Mạnh, để khai thác thế mạnh của khu di tích, Ban quản lý xác định, ở Kiếp Bạc có hệ thống sông Lục Đầu- hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, nơi 6 con sông lớn đều chảy qua. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh xuyên suốt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc từ năm 179 trước công nguyên. "Dự án xây dựng du lịch trên sông Lục Đầu sẽ có mô hình tương tự như Sông Hương (Huế). Theo khảo sát, ven sông Lục Đầu có 60 di tích trên hành trình liên quan đến thờ Đức thánh Trần, bên cạnh đó có rất nhiều sản vật địa phương như cá chép lưng gù, tôm Kiếp Bạc, gà đồi Côn Sơn... Du khách có thể vừa thưởng thức cảnh quan tươi đẹp, vừa thăm các khu di tích, đền thờ, vừa có thể thưởng thức quan họ, chèo... Nếu kết nối với Bắc Giang, Chí Linh có thể đi 2-3 ngày, có lưu trú, kết nối tiêu thụ sản phẩm"- ông Lê Duy Mạnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, loại hình 2 là du lịch thiền gắn với Trúc Lâm Yên Tử, sinh thái, nghỉ dưỡng, đang được tỉnh quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, triển khai đó là dự án sinh thái Hồ Thanh Long có quy mô 1380 ha, trải rộng trên diện tích 2/3 tỉnh Hải dương, 1/3 huyện Lục Nam (Bắc Giang), dự án sẽ tiến hành trong 8 năm với mức đầu tư 10 nghìn tỉ. Khi hoàn thành có thể thu hút 5-7 triệu du khách cho địa phương.
Khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long được xây dựng sẽ hình thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái kết nối với Côn Sơn- Kiếp Bạc, và các điểm di tích ở Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh… kỳ vọng sẽ tạo đà do du lịch xứ Đông cất cánh./