(Tổ Quốc) - Đó là ý kiến phát biểu của ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Hội thảo phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn vùng Tây Bắc – tiềm năng, thách thức và giải pháp. Hội thảo được tổ chức sáng ngày 6/9, tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh Nam Nguyễn |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, với chủ trương đúng đắn của Đảng, tác động tích cực của Luật HTX năm 2012, sự vào cuộc và hỗ trợ của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX có bước phát triển từ năm 2013 đến nay. Số lượng HTX, THT thành lập mới và hiệu quả hoạt động tăng lên qua hằng năm; các loại hình HTX phát triển đa dạng, năng lực tài chính và quản trị HTX được cải thiện; liên kết và lợi ích của thành viên HTX tăng lên thông qua cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra. Các HTX mới thành lập từ năm 2016 đến nay hoạt động có hiệu quả, nhiều HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các cơ quan Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị về vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, HTX được nâng lên. Chính phủ ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có tác động phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ HTX, tích cực tham mưu cho Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp phát triển kinh tế hợp tác, HTX.
Đến tháng 6/2018, cả nước có 21.212 HTX (12.799 HTX nông nghiệp, 7.231 HTX phi nông nghiệp và 1.182 quỹ tín dụng nhân dân), 94.270 THT và 61 liên hiệp HTX; các HTX có 6,6 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động thường xuyên, tổng vốn điều lệ hơn 35.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 80.000 tỷ đồng; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt hơn 40%.
Vùng Tây Bắc là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới giáp với Lào, Trung Quốc, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh để phát triển các ngành kinh tế đa dạng, có hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị ở trong nước và khu vực…
Hội thảo lần này quy tụ đông đảo đại diện liên minh HTX trên cả nước về tham dự. Đây là cơ hội để thúc đẩy giao lưu, hợp tác của các liên minh HTX - Ảnh Nam Nguyễn |
Ông Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Tỉnh uỷ đã ban hành Kết luận số 947-KL/TU ngày 23/8/2013 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; chỉ đạo các ngành, đoàn thể ban hành kế hoạch thực hiện.
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 74 về phê duyệt Đề án phát triển Hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 76 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. UBND tỉnh chỉ đạo cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho việc thành lập, tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đến nay Sơn La đã có 514 HTX và 04 Liên hiệp HTX hoạt động theo luật HTX năm 2012 (Trong đó 7 tháng đầu năm 2018 thành lập được 86 HTX và 01 Liên hiệp HTX). Trong đó có 344 HTX dịch vụ nông nghiệp; 64 HTX thủy sản; 21 HTX tiểu thủ công nghiệp; 20 HTX xây dựng; 08 Quỹ tín dụng nhân dân; 53 HTX thương mại, du lịch; 04 HTX vận tải và 04 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Đã hình thành 57 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định gồm 18 chuỗi rau, 31 chuỗi quả, 04 chuỗi thủy sản, 02 chuỗi thịt, 02 chuỗi mật ong. Đã có 11 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ; trong 4 tháng cuối năm 2018 tiếp tục công bố thương hiệu 06 sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ đăng ký thương hiệu cho 04 sản phẩm tiếp theo. Hộ gia đình trồng cây ăn quả có thu nhập cao nhất là: Chanh leo tím 600 triệu/ha; nhãn ghép 360 triệu/ha; xoài ghép 500 triệu/ha; na ghép 900 triệu/ha.
HTX Chanh leo Mộc Châu thành lập năm 2015, với 7 thành viên, diện tích 188 ha, năm 2018 dự kiến sản lượng 1.600 tấn và xuất khẩu toàn bộ sản phẩm, doanh thu 15 tỷ; HTX Ngọc Lan, huyện Mai Sơn, với 52 thành viên, diện tích 100 ha, năm 2018 dự kiến sản lượng 1.080 tấn và xuất khẩu được 100 tấn, doanh thu 17 tỷ; Liên hiệp HTX thủy sản Sông Đà thành lập năm 2017, với 8 thành viên, năm 2018 có 1.801 lồng nuôi cá và dự kiến sản lượng đạt 450 tấn, doanh thu 24,5 tỷ đồng, lợi nhận sau thuế 4,2 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình và đánh giá cao sáng kiến, ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực của Hội thảo đem lại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo - Ảnh Nam Nguyễn |
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo.Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng khu vực kinh tế hợp tác, HTX của cả nước tiếp tục phát triển, nhất là từ sau khi Quốc hội ban hành Luật HTX năm 2012. Khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang từng bước tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng trong mục tiêu quốc gia giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.
“Hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau, vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều” , Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Về tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc trong việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, thủy điện, công nghiệp chế biến, du lịch, kinh tế cửa khẩu... Trong những năm qua, các cấp, các ngành trung ương và địa phương đã quan tâm, trên cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của vùng, kết hợp với huy động nguồn lực ở trong nước và nước ngoài để đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy thủy điện công suất lớn, công nghiệp chế biến lâm sản, khoáng sản, phát triển vùng chuyên canh rau củ quả (chè, nhãn, soài, quế, rau đặc sản...), chăn nuôi giá súc, gia cầm của hộ gia đình, trang trại, HTX qui mô ngày càng lớn. Đầu tư các công trình điện đường, trường, trạm và thành lập các HTX theo các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo.
Vi Phong