(Tổ Quốc) - Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội.
Có nữ đại biểu con chưa cai sữa đã phải mang cùng đến Thủ đô Hà Nội dự họp Quốc hội
Chia sẻ với báo chí nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, với sự tham gia tích cực, chủ động của nữ đại biểu, các cơ quan dân cử đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vì lợi ích của cử tri. Năng lực, tầm nhìn và sự đóng góp của các nữ đại biểu đã góp phần tạo nên những dấu ấn tích cực cho hoạt động chung.
Qua các nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng đại biểu nữ ngày một tăng lên. Tỷ lệ trúng cử của nữ đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt cao nhất từ trước tới nay. Trong đó nữ đại biểu Quốc hội là 151 đại biểu (đạt 30,26%); nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 1079 đại biểu (đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 2,44%); nữ đại biểu HĐND cấp huyện là 6557 đại biểu (đạt 29,08%, cao hơn nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 1,58%; nữ đại biểu HĐND cấp xã là 68256 đại biểu (đạt 28,48% cao hơn nhiệm kỳ trước 1,89%)
Bên cạnh số lượng các nữ ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tăng qua các nhiệm kỳ thì chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu cũng ngày một chuyên nghiệp và nâng cao hơn. Nhiều đại biểu nữ giữ vai trò, trọng trách quan trọng trong các cơ quan dân cử; là các Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn chuyên trách các đoàn ĐBQH, là lãnh đạo các Uỷ ban và các cơ quan của Quốc hội.
Đặc biệt, các nữ ĐBQH khoá XV hoạt động vô cùng tích cực và hiệu quả, từ việc tham gia phát biểu trên nghị trường đến các hoạt động khác của Quốc hội. Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nữ ĐBQH trong hoạt động xây dựng pháp luật và các vấn đề trọng đại của đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các nữ đại biểu quốc hội và HĐND các cấp luôn nỗ lực không ngừng, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Có những khó khăn rất đặc trưng về giới mà các đại biểu nam không gặp phải. Ví dụ như nhiều nữ đại biểu tuổi còn rất trẻ, trong thời gian làm đại biểu dân cử còn mang trọng trách sinh con, nuôi con nhỏ rất vất vả.
Là ĐBQH từ khoá XIV, đại biểu Việt Nga cho biết bà đã từng chứng kiến có những nữ ĐBQH mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ khi là ĐBQH, đặc biệt trong các kỳ họp tập trung, các bà mẹ có con chưa cai sữa đã phải mang con cùng đến Thủ đô Hà Nội dự họp.
Đó là cả một nỗ lực lớn. Việc tham gia các kỳ họp tập trung của Quốc hội thường diễn ra trong khoảng từ 4- 6 tuần, mỗi năm có hai kỳ họp. Là người phụ nữ lo toan mọi công việc gia đình, để “đi vắng” trong ngần ấy thời gian, mỗi chị em đều phải thu xếp, toan lo rất nhiều. Thế nhưng trên nghị trường, chúng ta đều chứng kiến sự hết mình vì công việc của các nữ ĐBQH.
Với các đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu Việt Nga cho rằng, riêng việc thu xếp thời gian để vừa đảm bảo việc gia đình, vừa đảm bảo việc chuyên môn ở cơ quan, vừa hoàn thành tốt trách nhiệm người đại biểu nhân dân quả là một bài toán không hề đơn giản, trong khi thời gian vật chất của mỗi người là như nhau. Những trọng trách về giới của người phụ nữ như mang thai, sinh con, nuôi dạy con, chăm sóc, thu vén gia đình chiếm rất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực rất lớn.
"Hơn thế nữa, để vượt qua được những rào cản vô hình là định kiến giới để hoạt động tích cực, cống hiến cho công việc và sự nghiệp cũng là điều mỗi nữ đại biểu dân cử phải rất bản lĩnh và cố gắng. Việt Nam là nước có nhiều thành tích đáng tự hào trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, nhưng cũng phải nói thêm rằng cho đến ngày hôm nay, rào cản định kiến giới vẫn còn là thách thức đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ làm chính trị nói riêng" - đại biểu Việt Nga bày tỏ.
Quốc hội nên khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật bằng cách định hình các chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất và thúc đẩy các tác phẩm
Đề cập đến những đóng góp của phụ nữ cho nền nghệ thuật Việt Nam từ xưa đến nay, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các nghệ sĩ nữ của Việt Nam đã có những đóng góp một cách to lớn vào sự phát triển nghệ thuật, lan tỏa tác động sang các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông qua sức sáng tạo, biểu diễn, làm nguồn cảm hứng cho sự tự hào của phụ nữ, giúp nghệ thuật trở nên đa dạng, phong phú, và mang tính nhân văn cao hơn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, một số quan điểm và nhận thức còn tồn tại trong xã hội về vai trò và khả năng của nghệ sĩ nữ so với nghệ sĩ nam, đặc biệt trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống và biểu diễn. Có thể thấy rằng các nghệ sĩ nữ thường phải đối mặt với áp lực và kỳ thị về vấn đề ngoại hình, tuổi tác, và vai trò giới tính trong lĩnh vực nghệ thuật.
Điều đó đến từ việc dường như có một tiêu chuẩn về ngoại hình đẹp được xã hội đặt ra, và các nghệ sĩ nữ thường phải đối mặt với áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn này. Họ có thể phải đối mặt với sự kỳ vọng về việc giữ gìn ngoại hình để xuất hiện trên sân khấu hoặc trong các bức ảnh quảng cáo.
"Cũng tương tự như vậy, xã hội luôn trông đợi nghệ sĩ nữ phải giữ gìn tuổi trẻ để tiếp tục thành công trong nghệ thuật. Tôi nghĩ, tất cả những áp lực và kỳ thị này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin, tinh thần đối với nghệ sĩ nữ" - ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cũng với sự tiến bộ và sự thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật, ngày càng có nhiều nghệ sĩ nữ được công nhận và tôn vinh vì tài năng và đóng góp của họ vào sự đa dạng và phong phú trong nghệ thuật. Điều này không chỉ có ý ngĩa tích cực đối với phụ nữ, mà còn với cả với sự phát triển chung của đất nước.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy vai trò của nghệ sĩ nữ không chỉ giúp thúc đẩy phát triển nghệ thuật mà còn giúp giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra một môi trường công bằng và đa dạng cho tất cả các nghệ sĩ.
Đầu tiên là thông qua chính sách và luật pháp. Quốc hội có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành nghệ thuật bằng các chính sách và luật pháp hỗ trợ cho nghệ sĩ nữ, như xem xét về những chính sách khuyến khích các nguồn tài trợ và hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật, bảo vệ quyền lợi và cơ hội cho nghệ sĩ nữ, cũng như thúc đẩy đa dạng và bình đẳng giới trong ngành nghệ thuật.
Thứ hai, trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, hay trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, cũng như xem xét đầu tư, Quốc hội có thể xem xét cung cấp một nguồn tài chính để hỗ trợ cho việc đào tạo, phát triển và sản xuất các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ nữ, trong đó có cả quỹ hỗ trợ, học bổng và chương trình đào tạo đặc biệt cho nghệ sĩ nữ.
Thứ ba, theo đại biểu, Quốc hội nên khuyến khích sự sáng tạo và thúc đẩy đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật bằng cách định hình các chính sách và khuyến nghị hỗ trợ cho việc sản xuất và thúc đẩy các tác phẩm của nghệ sĩ nữ, đồng thời khuyến khích việc đa dạng trong biểu diễn và sáng tác của họ.
Bảo Trân