Trước dịp Rằm tháng Bảy năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ban hành Thông tư yêu cầu không đốt, cúng vàng mã trong tổ chức Đại lễ Vu lan, nhu cầu người dân mua, đốt vàng mã đã giảm đáng kể. Thị trường vàng mã, kể cả những "thủ phủ" chuyên kinh doanh và sản xuất mặt hàng này trong nhiều năm cũng trở nên thưa thớt, lác đác người mua.
Sự vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền của Bộ VHTTDL và GHPGVN đã mang đến chuyển biến tích cực, dần đẩy lùi tình trạng lạm dụng, đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã gây lãng phí.
Nhiều hộ kinh doanh chuyển sang bán đồ trang trí thay vì chỉ bán vàng mã
"Thủ phủ" vàng mã thưa thớt người mua
Cách Rằm tháng Bảy chưa đầy một tuần, chúng tôi đến phố Hàng Mã, "thủ phủ" của mặt hàng này. Con phố vốn tấp nập trong dịp Rằm tháng Bảy là thế, nhưng năm nay lại rất thưa vắng người mua. Tiểu thương nghe ngóng thông tin khuyến cáo không đốt vàng mã trong dịp lễ Vu lan năm nay đã chủ động giảm lượng hàng nhập. Suốt dọc phố, cửa hàng bán vàng mã chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán đồ trang trí khác.
Chị Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương trên phố Hàng Mã cho biết, dù gần đến ngày Rằm nhưng lượng khách mua ít hơn hẳn mọi năm. Nhiều gia đình có truyền thống làm vàng mã lâu đời đã chuyển sang làm hàng Trung thu, đồ trang trí. Tiểu thương này cho biết thêm, mỗi năm thị trường vàng mã đều có thêm những mẫu mã mới, tinh xảo như đồ thật. Ví dụ, bên cạnh những mặt hàng vàng mã, quần áo thông thường thì còn có các mặt hàng đặc biệt như váy, túi xách, vòng cổ, hoa tai kim cương..., đúng tâm lý "trần sao âm vậy". Theo quan sát của phóng viên, mặt hàng bán chạy nhất thời gian này là bộ thần linh với giá 80- 120.000 đồng (bao gồm cả ngựa và quần áo) vì nhà nào cũng đốt. Các loại quần áo thời trang được thiết kế tinh xảo có giá cao hơn, từ 120.000 - 200.000 đồng/ bộ. Chưa kể là sự xuất hiện của những mặt hàng loại đặc biệt như Ipad, ô tô, xe máy, biệt thự..., giá bán khoảng vài trăm ngàn đồng. "Tuy mặt hàng ngày càng phong phú, tinh xảo nhưng lượng tiêu thụ không nhiều. Doanh thu của cửa hàng gia đình tôi từ đầu mùa đến giờ chỉ bằng một nửa so với các năm trước", chị Mai cho biết.
Kế bên cửa hàng gia đình chị Mai, ông Trần Văn Hùng cũng là một người kinh doanh trên phố Hàng Mã chia sẻ, vài năm trở lại đây, nhiều chùa khuyên phật tử không đốt vàng mã, gần đây nhất là hướng dẫn của GHPGVN khiến cho thị trường vàng mã tiếp tục giảm nhiệt. Chỉ còn vài ngày nữa đến rằm nhưng nhiều cửa hàng vẫn chỉ lác đác khách hỏi mua. Chị Nguyễn Thanh Hằng (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Năm nào cũng thế, cứ đến dịp Rằm tháng Bảy, tôi lại đến Hàng Mã mua đồ hóa vàng. Gia đình tôi thường cúng gia tiên và tổ tiên thổ địa thổ công để cầu mong an lành, sức khỏe. Tuy nhiên lượng vàng mã chúng tôi mua chỉ tượng trưng, thể hiện lòng thành tâm là chính".
Đốt vàng mã ở nơi thờ tự, trụ trì chịu trách nhiệm
Khác với quang cảnh trên các con phố kinh doanh vàng mã ở Hà Nội, nhiều làng nghề như Phúc Am, Song Hồ vẫn khá nhộn nhịp. Ngoài quần áo, vàng mã thông thường, các làng nghề này còn sản xuất cả ô tô, nhà lầu, xe hơi, thậm chí cả trực thăng, xe phân khối lớn... Một người sản xuất ở xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết, mặt hàng anh chuyên làm là ngựa giấy. Nhưng năm nay, đơn hàng đặt giảm, số lượng sản xuất ít hơn mọi năm. Anh cho biết thêm, cũng có một số đơn hàng đặt làm đồ mã cỡ đại, nhưng chủ yếu phục vụ các đàn lễ ở một số đền, phủ. Còn lại, tại các chùa và tư gia, lượng mua dâng cúng và đốt giảm đi trông thấy. Các gia đình sản xuất vàng mã ở xã Song Hồ cũng nắm bắt thông tin về Thông tư mới của GHPGVN và dự kiến giảm lượng hàng sản xuất từ đầu mùa.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN thừa nhận, một trong những tồn tại cần khắc phục sớm tại các cơ sở thờ tự là đốt vàng mã. Sau công văn 031/CV-HĐTS được GHPGVN ban hành từ tháng 2.2018 đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, việc đốt vàng mã tại các chùa đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể chấm dứt được trong một sớm một chiều. Thông tư 223/TT-HĐTS mới đây của GHPGVN cũng có đề nghị không đốt, cúng vàng mã trong tổ chức Đại lễ Vu lan. Thay vào đó, nên thực hiện các việc làm từ thiện, cứu giúp người nghèo khổ. Sau Thông tư, ở nhiều ngôi chùa lớn nhỏ khắp cả nước, từ Quán Sứ (Hà Nội) tới một số ngôi chùa ở Quảng Ninh, Bắc Ninh..., thực trạng được ghi nhận cho thấy việc đốt vàng mã đã giảm đáng kể.
Về trách nhiệm giám sát đốt vàng mã ở nơi thờ tự, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định sư trụ trì là người chịu trách nhiệm. "Thực tế là khi người dân mang vàng mã đến chùa, các tăng ni không thể cấm được. GHPGVN đề nghị các tăng ni nêu cao ý thức, có trách nhiệm vận động người dân từ bỏ tập tục này, bảo đảm nghi lễ trang nghiêm, tiết kiệm, không làm ảnh hưởng đến văn hóa tốt đẹp trong mùa Vu lan báo hiếu. Nếu xảy ra hiện tượng đốt vàng mã trong các chùa thì trụ trì là người chịu trách nhiệm", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.