• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Văn hoá 24/10/2019 09:14

Từ những lò hóa vàng luôn rực lửa, những mâm lễ ngồn ngộn đồ vàng mã..., đến nay, tại nhiều cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội đã giảm hẳn việc đốt số lượng lớn vàng mã, đồ mã. Thậm chí, tại nhiều ngôi chùa, cơ sở thờ tự đã thẳng thắn “nói không” với đồ vàng mã.

Khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động - Ảnh 1.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động, đông đảo người dân và các phật tử, khách hành hương khi tới các đền chùa, di tích đã không còn suy nghĩ bày tỏ lòng thành bằng những mâm lễ chất ngất đồ vàng mã.

Thay đổi quan niệm sai lệch

TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, công tác tuyên truyền, định hướng với những vấn đề văn hóa như nhìn nhận về đốt vàng mã, đồ mã nơi thờ tự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong mùa lễ hội năm 2018 hay mùa lễ Vu Lan năm 2019, với sự vào cuộc của GHPGVN với các văn bản yêu cầu bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, nhu cầu mua và sử dụng đồ vàng mã của người dân đã giảm đáng kể.

Nhận định này đã được kiểm chứng từ chính đời sống thực tiễn. Với số lượng hàng hóa sản xuất, cung ứng cũng như tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, người dân tại các làng nghề sản xuất đồ mã, vàng mã như Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) hay Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết sẽ hạn chế, không sản xuất tràn lan các mặt hàng mã như nhiều năm trước. Phố Hàng Mã, thị trường thường xuyên nhộn nhịn vào mùa lễ hội, lễ Vu Lan..., gần đây cũng đã tìm cách thay thế việc chuyên bán vàng mã, đồ mã bằng những mặt hàng khác.

Song song với những văn bản định hướng, chỉ đạo từ Bộ VHTTDL và GHPGVN, công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức trong các phật tử và nhân dân cũng đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương, cơ sở thờ tự. Đơn cử, tại Hà Nội, một vấn đề trọng tâm được ngành văn hóa Thủ đô tập trung nhằm tạo chuyển biến trong công tác quản lý lễ hội là tăng cường quản lý việc đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Nội dung này cũng được triển khai gắn với tuyên truyền về quy tắc ứng xử trong lễ hội mà Hà Nội đang đẩy mạnh. Đáng mừng là những thay đổi, khắc phục quan niệm sai lệch về đốt vàng mã cũng đang diễn ra tích cực ở ngay trong nhận thức của người dân. Bà Nguyễn Thị Nga, cư dân ở phố Hàng Cót, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lý bởi đốt vàng mã là sự lãng phí lớn về tiền của và công sức của người dân. Chia sẻ việc từng chứng kiến nhiều người chi hàng chục triệu đồng để mua ô tô, nhà lầu, vàng mã... để dâng lễ và đốt tại các đền, chùa, thậm chí đốt ngay tại nhà, bà Nga nói: “Tôi thường đi lễ chùa và nhận thấy việc đốt vàng mã đang được người dân dần thay đổi, đặc biệt sau những khuyến cáo của GHPGVN và các vị trụ trì nhà chùa. Ngoài việc khắc phục lãng phí về tiền của, hạn chế sử dụng vàng mã còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm ô nhiễm môi trường...”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam lưu ý, đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là sử dụng như những đồ dâng cúng mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Cho nên, sự xuất hiện của những mặt hàng vàng mã biến tướng và cách bao biện “trần sao âm vậy”, suy cho cùng chỉ là sự lệch lạc, biến tướng về nhận thức. Để việc khuyến nghị người dân hạn chế sử dụng vàng mã tràn lan đạt hiệu quả, PGS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, cần nhìn nhận lại gốc rễ của tập tục này, đặc biệt trong nhận thức rằng việc đốt vàng mã có những tác hại nhất định, đặc biệt khi lạm dụng đốt quá nhiều.

Phát huy sức mạnh truyền thông

Nhấn mạnh việc hạn chế, dần loại bỏ đốt vàng mã phải bắt đầu từ thay đổi ý thức của người dân, cùng với việc ban hành những văn bản, thông tư khuyến cáo, thời gian qua các chức sắc của GHPGVN cũng nhiều lần lên tiếng trên truyền thông nhằm thay đổi nhận thức về việc đốt vàng mã. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục cho phật tử hiểu rằng tục đốt vàng mã không phải chánh pháp, đức Phật cũng không dạy điều đó. Là phật tử, làm như vậy là không đúng nên cần phải hướng dẫn nhân dân loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

TS Trần Hữu Sơn cho rằng, để vận động người dân hạn chế, không sử dụng và đốt vàng mã với số lượng và quy mô lớn cũng cần có nhiều thời gian. Tuy nhiên, không nên vì tâm lý xem việc đốt vàng mã là tập tục tín ngưỡng của người dân mà e ngại khi vận động, khuyến cáo cũng như đưa ra các chế tài quản lý. Theo ông Sơn, như với việc hạn chế đốt vàng mã ở các điểm di tích thì cần gắn với trách nhiệm của Ban quản lý di tích cũng như cán bộ văn hóa tại địa bàn đó.

Ở góc độ này, đại diện BQL Di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa - Bia Bà (quận Hà Đông) chia sẻ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân luôn là giải pháp mang lại hiệu quả tích cực. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa - Bia Bà, hằng năm UBND phường đều có văn bản giao BQL di tích đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về việc cấm bày mã lớn và nhiều mã tại khu di tích. Nhờ vậy, đến nay thực trạng này cơ bản đã được khắc phục. “Tuy nhiên, để loại bỏ ngay việc đốt vàng mã tại nơi thờ tự là điều không dễ làm trong một sớm một chiều bởi đây là thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ lâu đời. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, chính quyền các cấp, đặc biệt là các nơi thờ tự cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không mua và đốt vàng mã...”, BQL Di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa - Bia Bà chia sẻ.

Các nhà quản lý cũng cho rằng, một giải pháp quan trọng khác là phát huy sức mạnh truyền thông. Chẳng hạn, trước các hiện tượng biến tướng từ tục đốt vàng mã, nếu dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì sẽ có thể đẩy lùi được. Ví dụ như việc sản xuất nhà lầu, xe hơi, máy bay, biệt thự, thậm chí cả bikini bằng mã..., đều là biểu hiện xuất phát từ tâm lý thời kinh tế thị trường. “Những biểu hiện đó không thể từ cuộc đời thực mà đưa vào đời sống tâm linh, càng không được đưa đến các di tích đình, đền, chùa. Do vậy, trước khi có chế tài để điều chỉnh những hành vi lệch lạc thì dư luận xã hội sẽ là phương thức điều chỉnh khả thi, hiệu quả...”, TS Trần Hữu Sơn lưu ý.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo: Các chùa cần quán triệt tinh thần của GHPGVN

Công văn mùa lễ hội trước của GHPGVN có nội dung đề nghị bỏ đốt vàng mã lẽ ra nên ban hành sớm hơn, đỡ gây ô nhiễm và lãng phí tiền bạc. Tuy nhiên, những nội dung tích cực của công văn đã góp phần mang lại những chuyển biến rõ nét trong cộng đồng. Số tiền mà người dân mua vàng mã mang vào chùa đốt có thể giúp đỡ được nhiều người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nếu thay đổi được quan niệm và thói quen đó thì những giá trị tích cực sẽ tăng lên. P.V

Chùa Quán Sứ: Lượng vàng mã dâng cúng ngày càng giảm

Là cơ sở thờ tự nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội, chùa Quán Sứ những dịp ngày Rằm, mồng một hay dịp lễ Tết thường xuyên thu hút rất đông người dân đến lễ chùa. Theo ghi nhận, số lượng vàng mã được dâng cúng, hóa sớ đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước. Đây cũng là chuyển biến được ghi nhận ở nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo khác trên địa bàn Thủ đô. Nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, GHPGVN đã hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, tục đốt vàng mã. Nhờ vậy, đến nay nhiều ngôi chùa đã không còn vàng mã. P.V

Theo Báo Văn hóa

NỔI BẬT TRANG CHỦ