• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu theo kịch bản xấu của dịch Covid-19: Ba triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc

Thời sự 27/03/2020 19:19

(Tổ Quốc) - Khoảng 350 đến 400 nghìn lao động trong các doanh nghiệp sẽ bị mất việc làm. Và 2-3 triệu lao động nguy cơ bị ngừng việc trong quý II/2020 nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn.

Đó là con số ước tính của Bộ LĐTB&XH theo kịch bản xấu của dịch Covid-19. Cũng theo Bộ này,  các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ bị chịu tác động lớn nhất. Số người bị ảnh hưởng trong các ngành này chiếm khoảng 75 - 85% tổng số người bị ảnh hưởng theo ước tính trên.

Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, thì mức độ chịu tác động sẽ ít hơn. Theo đó sẽ có trên 250 nghìn lao động bị mất việc làm. Số lao động bị ngừng việc vẫn nằm ở con số hàng triệu.

Doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất

Trong tháng 2/2020, báo cáo nhanh từ các doanh nghiệp cho biết khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đến đầu tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn thì  số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.

Việc cắt giảm quy mô sản xuất tập trung vào các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật. Tuy số lao động bị mất việc không nhiều nhưng thu nhập của người lao động đêu bị giảm sút.

Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500 ngàn lao động đang làm việc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện ngành vận tải hàng không đã thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí. Các ngành dịch vụ này tuy chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Kịch bản xấu của dịch Covid-19: Ba triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc vì dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1.

Hình ảnh nữ quản lý khách sạn chia tay nhân viên nghỉ 4 tháng vì Covid 19 gây xúc động

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và nhà hàng cũng đang gặp tình trạng tương tự.

Nhìn chung, việc giảm quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng mất việc làm, ngừng việc đối với người lao động. Tuy vậy, các DN này vẫn còn đó những khó khăn như  vốn vay, lãi xuất ngân hàng, gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng, tiền đóng BHXH, BHTN, trả lương cho người lao động…Họ cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Vượt qua khủng hoảng bằng chính sách

Cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Số lao động làm trong các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động. Đa số các lao động này làm việc ở cả khu vực chính thức và phi chính thức và họ đang bị ảnh hưởng tới việc làm, tiền lương do dịch COVID-19 gây ra.

Vậy Việt Nam có thể đưa ra những giải pháp và chính sách đồng bộ ra sao để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp, ngừng việc như một số nước đã từng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009?

Hiện các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những chương trình, kế hoạch hỗ trợ đến doanh nghiệp (DN) nhằm giảm thiểu thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất cho họ.  Hàng loạt chính sách đã được đề xuất như miễn, tạm dừng đóng BHXH,BHTN, hỗ trợ mất việc, đào tạo năng cao kỹ năng nghề…

Trước mắt,  các giải pháp tập trung đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp khó khăn… Một số nơi như TP.HCM đã đưa chính sách hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Giao các trung tâm giới thiệu việc làm tích cực  hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác. Có thể chỉ là công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh. Một số doanh nghiệp cũng đã thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương chờ quay lại làm việc.

Mặt khác, có DN còn  tạo điều kiện chia sẻ về mặt kinh tế với những người mất việc làm bên cạnh các chính sách chi trả theo quy định như tự nguyện thỏa thuận hỗ trợ người lao động mất việc: hỗ trợ một nửa tháng lương, tiền tàu xe về quê, hay bất kỳ khoản chi phí nào khác cho cuộc sống của lao động thất nghiệp. Kêu gọi người lao động chủ động trong tìm kiếm công việc mới phù hợp với mục tiêu tạo ra thu nhập đồng thời chi tiêu tiết kiệm, góp phần chống dịch hiệu quả …

Lý Hà

Lý Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ