• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch hình thể Kiều sẽ có bóng dáng Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương

15/06/2011 10:58

(Toquoc)- Sau thành công bất ngờ của Tâm linh Việt - vở kịch hình thể khai thác chất liệu các giá hầu đồng trong nghệ thuật hầu văn, NSND Lan Hương đang tiếp tục với một dự án gây sốc khác: Chuyển thể Truyện Kiều thành kịch hình thể. Chị đã chia sẻ những ý tưởng về vở diễn này với Báo điện tử Tổ Quốc.

(Toquoc)- Sau thành công bất ngờ của Tâm linh Việt - vở kịch hình thể khai thác chất liệu các giá hầu đồng trong nghệ thuật hầu văn, NSND Lan Hương đang tiếp tục với một dự án gây sốc khác: Chuyển thể Truyện Kiều thành kịch hình thể. Chị đã chia sẻ những ý tưởng về vở diễn này với Báo điện tử Tổ Quốc.

+ Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được cải lương khai thác “thâm canh” hàng chục năm nay và rất thành công. Trong khi ấy, kịch hình thể - một loại hình sân khấu không dùng đến ngôn ngữ để diễn đạt - có phải là sự mạo hiểm không khi mà cái hay nhất của Truyện Kiều là lời thơ?

- Cách đây 7-8 năm, tôi có rủ anh Lê Hùng (NSND Lê Hùng) làm Kiều nhưng mà anh ấy bảo chắc làm chả hay được nên thôi. Năm 2006, tôi cũng mang Kiều sang Tây Ban Nha cho họ dựng. Nhưng họ chẳng quan tâm đến lời thơ, chỉ biết cốt truyện vậy rồi dựng thành một vở theo kiểu bạo hành gia đình, chả liên quan gì đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Tôi ấm ức lắm, cãi nhau với ông đạo diễn rồi bỏ về, không làm nữa. Định bụng sẽ dựng một vở Kiều cho ra Kiều. Nhưng bẵng đi một thời gian, sau Tâm linh Việt, khi thấy cái đề tài dân tộc được khán giả yêu thích, tôi mới quay trở lại với ý tưởng đó.

"Tôi nghĩ khán giả đã bắt đầu quen với kịch hình thể. Đó là tín hiệu rất đáng mừng"-
NSND Lan Hương
 (Ảnh: Internet)

Nói là mạo hiểm thì cũng không sai. Vì làm sao để đưa được lời thơ vào kịch một cách nhuần nhuyễn là cả vấn đề lớn. Nếu như cải lương chỉ đưa một số câu Kiều và hát thì chúng tôi dự định sẽ đưa rất nhiều, bằng cách chuyển thể những đoạn thơ hay nhất trong truyện Kiều thành các làn điệu dân tộc như ca trù, xẩm, chèo, hát phường Vải… Sinh thời Nguyễn Du rất thích đi hát phường Vải nên âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh sẽ có nhiều trong phần âm nhạc của vở.

+ Nhưng một tác phẩm đồ sộ như Kiều với quá nhiều diễn biến và kịch tính sẽ được khai thác như thế nào với hình thức kịch hình thể?

- Chúng tôi sẽ không đơn thuần chạy theo nội dung diễn biến của Truyện Kiều mà sẽ đi theo tuyến chính là 3 lần đám cưới của Kiều. Đám cưới đầu tiên tưởng là lấy chồng để chuộc cha nhưng lại bị lừa vào lầu xanh, đám cưới thứ 2 tưởng là làm vợ Thúc Sinh thì lại thành con hầu, đám cưới thứ 3 tưởng là an toàn bên một anh hùng thì lại bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến dẫn đến cái chết của Từ Hải và bản thân nhảy xuống sông Từ Đường tự vẫn theo lời mộng với Đạm Tiên năm xưa. Bên cạnh đó, tôi sẽ đưa cả bóng dáng của Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương vào. Mở đầu vở kịch có thể là mối liên hệ giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Dù trong lịch sử, tình duyên giữa hai người có thật hay không thì vẫn có một mối liên hệ chung giữa họ là những người cùng thời và cùng chung một quan tâm là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

+ Một trong những yếu tố quan trọng nhất của kịch hình thể là âm nhạc. Với vở này, phần âm nhạc chuyển thể từ lời thơ của Truyện Kiều sẽ không đơn giản như các vở kịch hình thể chuyển thể từ kịch nói trước đây hay lấy chất liệu âm nhạc có sẵn của hầu văn như Tâm linh Việt. Chị xử lý vấn đề này như thế nào?

- Chúng tôi sẽ thuê một nhạc sỹ ‘mix’ lại các làn điệu dân ca như chèo, xẩm, ca trù… sao cho nó mới một chút, hiện đại một chút, mục đích là cải biên nó đi cho dễ nghe hơn với đa số công chúng, nhất là công chúng trẻ. Bên cạnh đó là làm sao thống nhất tất cả các làn điệu vào một phong cách âm nhạc, để khán giả nghe - xem không cảm giác là sự chắp vá chúng vào với nhau trong một vở kịch. Về phần hát, chúng tôi sẽ mời nghệ sỹ Văn Chương, Hoài Thu và Ánh Tuyết. Hoài Thu đã hát thử một đoạn thơ đoạn Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn bằng giọng xẩm chợ, vừa hát vừa khóc, nghe mê lắm. Hoài Thu cũng đóng vai Hoạn Thư luôn.

Dĩ nhiên, nếu có kinh phí mà thuê được một nhạc sỹ viết luôn tác phẩm mang phong cách dân gian đương đại trên lời thơ của Kiều thì vẫn hay nhất. Nhưng vì mình không có tiền, nên đành phải dùng cách trộn, ‘mix’ lại trên chất liệu có sẵn. Cách làm này được dùng ngay từ vở kịch hình thể đầu tiên, làm nhiều lại thấy ổn, lại có nhiều người đi xem khen hay.

+ Hiện tại chị có tự tin về cách diễn hình thể của các diễn viên trong đoàn không khi đã có khá nhiều lời khen tiếng chê về đội ngũ không được đào tạo chuyên nghiệp này?

- Đúng là thời gian đầu thì có sự chuệch choạc vì diễn viên toàn người không chuyên, phải tự bươn trải, học hỏi nhưng hiện tại thì tôi hoàn toàn tự tin. Tôi đang cho các diễn viên nghe phần nhạc để ngấm thật kỹ  trước khi vào vai. Ngoài các diễn viên trong đoàn đảm nhận, tôi còn mời thêm chị Lê Khanh vào vai Hồ Xuân Hương. Lê Khanh quá đẹp và quá hợp với vai này.

Vở kịch hình thể Kiều sẽ tham gia Hội diễn sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2011 (Ảnh minh họa)

+ NSND Lan Hương ngoài vai trò đạo diễn có tham gia vào nhân vật nào trong vở?

- Tôi thì chắc chỉ đóng Tú Bà (cười). Tôi cũng sẽ đảm nhận một vai… bí mật nhưng sẽ chỉ diễn trong kíp 1 để diễn báo cáo. Còn khi công diễn thì sẽ có một diễn viên múa trẻ được đào tạo múa tính cách bên Trung Quốc đảm nhận vai của tôi.

+ Chị có tự tin vào sự thành công của Kiều?

- Nội dung của Kiều thì đã hay rồi, quan trọng là dựng theo phong cách nào để hấp dẫn người xem. Theo cảm tính của tôi thì khán giả sẽ thích xem một vở kịch hình thể có cốt truyện, có xung đột, có số phận, có nhiều giai điệu. Có thể cảm tính của tôi sai. Tuy nhiên, sau nhiều lần dàn dựng, nhất là thành công của vở Tâm linh Việt gần đây, tôi nghĩ là mình đã nắm bắt được tâm lý của khán giả. Tâm linh Việt gần như là chỉ có múa mà bán vé được 10 buổi. NSƯT Anh Tú trêu tôi là “siêu thật” vì múa mà cũng bán được vé.

+ Thực tế, khán giả đón nhận các vở kịch hình thể của chị không mặn mà cho lắm mà chủ yếu từ giới chuyên môn. Điều gì khiến chị liên tiếp dựng hết vở này đến vở khác?

- Đúng là thế đấy nhưng tôi nghĩ phải làm nhiều thì mình mới biết khẩu vị của khán giả là gì để đáp ứng. Vở đầu tiên tôi làm là Nhật nguyệt thực không bán được cái vé nào dù mời các Đại sứ quán đi xem thì họ cũng khen hay. Vở thứ hai là Hàn Mặc Tử bán được 2-3 vé. Vở Con bệnh bí hiểm thì bán được 4 buổi, mỗi buổi khoảng dưới 20 vé, duy nhất một buổi bán sạch vé là do em rể tôi mua cho cả công ty đi xem. Nhưng mà họ xem được 2/3 vở thì bỏ về gần hết vì sốt ruột quá. Vở thứ 4 là Từ một ngã tư được khen lắm, người dân đến xem tổng duyệt rất đông nhưng tôi không đủ can đảm để bán vé. Vở Biến vỹ của tình yêu cũng vậy. Đến Tâm linh Việt thì lần đầu tiên bán được vé 10 buổi liền, không quá ồ ạt nhưng thế là giỏi lắm rồi. Và khi người ta xem Tâm linh Việt, người ta lại có nhu cầu xem các vở trước đây. Kết quả là tháng 7 này chúng tôi sẽ đi lưu diễn lại các vở đã dựng như Biến vỹ của tình yêu, Từ một ngã tư tại miền Trung và miền Nam. Tôi nghĩ khán giả đã bắt đầu quen với kịch hình thể. Đó là tín hiệu rất đáng mừng.

+ Đến bây giờ chị đã thực sự tự tin vào thể loại kịch mới mà mình là người đầu tiên khai phá tại Việt Nam chưa?

- Thực ra bây giờ kịch hình thể vẫn chưa ra được cái gọi là thể loại. Hiện nay tôi làm kịch hình thể hoàn toàn theo bản năng, vẫn chưa có lý luận, chưa định hình rõ cái cốt mã của nó là gì, vũ đạo thì đi vay mượn, phong cách biểu diễn theo kiểu gì, kịch bản cho kịch hình thể phải như thế nào thì vẫn chưa tìm ra nguyên tắc. Khi nào kịch hình thể trở thành một thể loại của sân khấu kịch Việt Nam thì chắc lúc đó tôi sẽ phải ra sách (cười).

+ Dự kiến bao giờ vở kịch hình thể Kiều sẽ ra mắt khán giả?

- Khoảng tháng 8, vở kịch sẽ khởi công, tháng 11 sẽ diễn tổng duyệt để tháng 12 tham gia Hội diễn sân khấu thử nghiệm toàn quốc. Sau đó sẽ công diễn phục vụ khán giả.

+ Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Thái Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ