• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kiên Giang chính thức đón khách du lịch trở lại

Du lịch 26/04/2020 21:55

(Tổ Quốc) - Kiên Giang chính thức đón khách du lịch trở lại, TP.HCM quảng bá điểm đến qua công nghệ thực tế ảo, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu chuẩn bị đón khách trở lại là tin du lịch đáng chú ý tại 3 tỉnh Nam Bộ mới đây.

Kiên Giang chính thức đón khách du lịch trở lại

Ngày 25/4/2020, Sở Du lịch Kiên Giang đã có văn bản số 153/SDL-QLDL cho phép các đơn vị lữ hành, các khu điểm du lịch được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ được đón khách du lịch nội địa, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đến tham quan du lịch.

Theo đó, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh khi đón và phục vụ khách du lịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế địa phương đối với khách du lịch, cán bộ công nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, người lao động tại đơn vị.

Kiên Giang chính thức đón khách du lịch trở lại - Ảnh 1.

Đảo Phú Quốc - Ảnh minh họa - Nguồn: https://www.vntrip.vn/

Các cơ sở lưu trú tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh các dịch vụ karaoke, xông hơi massage, Spa, quầy bar, vũ trường, phòng tập gym…(nếu có) tại đơn vị cho đến khi có thông báo mới; hạn chế cho thuê phòng nghỉ tập thể, mỗi phòng nghỉ chỉ tối đa 02 người lớn. Không tổ chức các sự kiện tập trung đông người (20 người trở lên); bố trí các bàn ăn khu vực nhà hàng đảm bảo khoảng cách phù hợp. Yêu cầu khai báo y tế (khai báo sức khỏe du lịch) đối với khách lưu trú; đăng ký tạm trú với cơ quan Công an, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe đối với du khách lưu trú tại đơn vị; khuyến cáo khách lưu trú khi ra ngoài phải đeo khẩu trang.

Các đơn vị Lữ hành, các khu, điểm du lịch chỉ được đón khách du lịch nội địa, khách là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam tham quan du lịch. Trong quá trình đón và phục vụ, yêu cầu du khách khai báo y tế (khai báo sức khỏe du lịch), đeo khẩu trang; rửa tay khi lên, xuống phương tiện vận chuyển, sử dụng các trò chơi, dịch vụ vui chơi giải trí; thực hiện giản cách giữa người với người tại các địa điểm tham quan để tránh tập trung đông người; Các phương tiện vận chuyển khách du lịch phải đảm bảo số lượng hành khách, các điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách theo hướng dẫn của ngành giao thông.

Các khu vui chơi giải trí, khu/điểm tham quan thực hiện các biện pháp khử trùng sau mỗi ngày hoạt động.

Tất cả các đơn vị kinh doanh du lịch phải báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh du lịch theo quy định gửi về Phòng Văn hóa và Thông tin địa phương trước ngày 05 hàng tháng.

TP.HCM quảng bá điểm đến qua công nghệ thực tế ảo

Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong quý 1-2020, thành phố đón hơn 1,3 triệu lượt khách quốc tế, giảm 42% so với cùng kỳ. Doanh thu trong quý đạt 25.591 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.

Ngoài những đề xuất UBND TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, Sở nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch thành phố với các phương thức mới đến các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước, đặc biệt ứng dụng các hình thức truyền thông trực tuyến.

Nghiên cứu các thị trường ít chịu ảnh hưởng của COVID-19 và tiềm năng để đặt trọng tâm các hoạt động quảng bá và xúc tiến.

Sở sẽ tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp về xây dựng đề án du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch.

Đồng thời, tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá online để thực hiện công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nghiên cứu, thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch trên địa bàn thành phố bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch…

Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại

Những ngày cuối tháng 1, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó lan đến một số quốc gia ở châu Á, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) nói riêng và cả nước nói chung vẫn tự tin đón và phục vụ du khách. "Điểm đến an toàn" là thông điệp được truyền thông mạnh mẽ để thu hút khách và cũng được xem như giải pháp để giúp ngành du lịch duy trì hoạt động trong tình cảnh khó khăn. Hàng loạt sản phẩm, gói kích cầu được bàn thảo và chính thức được áp dụng để thu hút khách. Nhưng mọi tính toán đều bị "phá vỡ" khi dịch bệnh trở nên khó kiểm soát hơn ở trong nước, kể từ khi phát hiện bệnh nhân thứ 17 về sau. Trên thế giới càng phức tạp hơn, virus SARS-CoV-2 lần lượt lan rộng ra khu vực Trung Đông, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ. Du lịch bị tác động đầu tiên. Khách sụt giảm dần rồi tê liệt hoàn toàn. Đến hiện tại, điểm đến bền vững, không bền vững; hay điểm đến an toàn, không an toàn đang trở thành câu hỏi được đặt ra cho ngành du lịch toàn cầu.

Từ ngày 23/4, khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều cơ sở lưu trú, KDL, điểm vui chơi trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng tất bật chuẩn bị cho ngày đón khách trở lại. Thế nhưng, thời gian khách quay trở lại, vừa kinh doanh vừa phòng dịch, kịch bản phục hồi sau dịch… tất cả cần phải được tính toán cụ thể.

Thời điểm này tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú, vui chơi trên địa bàn tỉnh BR-VT đều tập trung làm vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, thay mới thiết bị hư hỏng, triệu tập nhân viên và lên kế hoạch thu hút khách trở lại. Một mặt chuẩn bị cơ sở, nhân lực cho ngày mở cửa trở lại, mặt khác các khách sạn, KDL tiếp tục chủ động các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, khối khách sạn, KDL trên toàn tỉnh, khách bắt đầu rục rịch tìm hiểu dịch vụ. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới, đón khách, kích cầu như thế nào để cho đúng tinh thần nới lỏng thận trọng, vừa phòng dịch vừa kinh doanh rất cần phải có chiến lược phù hợp.

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT, đây là cuộc khủng hoảng về du lịch lớn nhất mà thế giới, Việt Nam và BR-VT nói riêng từng phải trải qua. Phát triển du lịch một cách bền vững, hạn chế các rủi ro là điều mà sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ phải được ngành du lịch Việt Nam và BR-VT đánh giá lại một cách toàn diện và cụ thể. 

Trong vài ngày tới Hiệp hội Du lịch sẽ ngồi lại bàn giải pháp để có những cơ chế kích cầu đủ mạnh. Trong đó tập trung vào tiêu dùng nội địa với những chính sách khuyến mãi thời hậu dịch. Đối với khách nước ngoài, việc phục hồi lại thị trường sẽ chậm vì diễn biến dịch trên thế giới vẫn phức tạp. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng sẽ chuẩn bị chiến lược quảng bá, truyền thông điểm đến đủ đậm nét, hấp dẫn... Đặc biệt truyền thông qua internet, mạng xã hội và các kênh bán phòng trực tuyến đến những thị trường truyền thống cũng được tính toán để thu hút khách quốc tế trở lại.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ