• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

KIÊN GIANG - Núi Đá Dựng

07/08/2015 12:20

(Cinet-DL)- Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn. Thuở đất Hà Tiên (nay là Kiên Giang) còn hoang sơ, cư dân Phù Nam cổ đã từng cư trú ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, dần dà do nhiều nguyên nhân, các của nả trên bị thất lạc theo thời gian.

(Cinet-DL)- Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn. Thuở đất Hà Tiên (nay là Kiên Giang) còn hoang sơ, cư dân Phù Nam cổ đã từng cư trú ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, dần dà do nhiều nguyên nhân, các của nả trên bị thất lạc theo thời gian.

1. Tên di sản/Di tích: Núi Đá Dựng.



2. Thời gian: Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn. Thuở đất Hà Tiên (nay là Kiên Giang) còn hoang sơ, cư dân Phù Nam cổ đã từng cư trú ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, dần dà do nhiều nguyên nhân, các của nả trên bị thất lạc theo thời gian. Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ 17, thỉnh thoảng nông dân ở đây có nhặt được ngọc quí tại Đá Dựng, nên ông gọi là núi Châu Nham, có nghĩa là “Núi Ngọc”.

Núi Đá Dựng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại mang dấu ấn thưở tiền nhân ta khai mở đất phương Nam. Ngoài ra, Đá Dựng cùng với ‘Hà Tiên thập cảnh” là nơi ghi dấu nhiều sự kiện văn hoá, lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Hà Tiên.

3. Năm công nhận: Ngày 03 tháng 8 năm 2007, Nhà nước đã ra quyết định số 44/2007/QĐ- BVHTT công nhận Núi Đá Dựng là Danh thắng cấp quốc gia. 

4. Vị trí/Địa hình: Núi Đá Dựng thuộc Ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức, Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Di tích nằm ở một điểm tương đối quan trọng về quốc phòng, cách thị xã Hà Tiên khoảng 7 km về phía Bắc, cách biên giới Việt Nam- Campuchia khoảng 4 km về phía Nam

Đường đi đến di tích: Di tích nằm sát biên giới và có đường bộ đi tới di tích. Từ thị xã Hà Tiên đi ô tô theo đường quốc lộ 80 (đường đi cửa khẩu quốc tế Xà Xía) đến gần Thạch Động (khoảng 7 km) rẽ phải đi khoảng 7km nữa là đến núi Đá Dựng

Sự kiện, nhân vật lịch sử và đặc điểm của di tích: Núi Đá dựng là một kiệt tác của thiên nhiên, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang; đồng thời Đá Dựng nằm ở một vị trí quan trọng nên gắn liền với nhiều truyền thuyết, nhiều sự kiện lịch sử của vùng đất Hà Tiên, kiên Giang.

Hà Tiên có chung lịch sử địa chất với đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, trước đây vùng đất này là một địa hào, trong suốt quá trình nhiều đợt biển tiến và biển thoái mới dần ổn định vào khoảng 600 năm nay và vì thế mà dấu vết xâm thực của nó còn in lên hầu hết các núi vùng Hà Tiên như núi Ông Cọp, Đá Dựng, Moso…

Núi Đá Dựng nằm ở cực Bắc bán đảo Lộc Trĩ, là một khối đá vôi cao khoảng 100m. Vì các vách đá đứng đứng nên được gọi là núi Đá Dựng. Do tác động của thiên nhiên, núi Đá Dựng bị xâm thực tái tạo như một lâu đài cổ với các lầu canh, lỗ châu mai, tháp vọng gác, đường ngầm…theo địa chất học, Đá dựng là một khối đá vôi nặng khoảng 6 triệu tấn; Nó phản ứng dưới nước mưa tạo thành màu đen với các vân trắng trông rất đẹp mắt.

5. Thổ nhưỡng: Kiên Giang có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Trong đó, phần đất liền có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ đông bắc xuống tây nam. Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 27 – 27,50C. Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 – 2.000 mm ở đất liền và 2.400 – 2.800 mm ở vùng đảo Phú Quốc. Khí hậu Kiên Giang rất ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.

Kiên Giang có 4 vùng đất đai chính là vùng phù sa ngọt thuộc tây sông Hậu, vùng phèn ngập lũ thuộc tứ giác Long Xuyên, vùng nhiễm mặn thuộc bán đảo Cà Mau và vùng đồi núi, hải đảo ở hai huyện Phú Quốc và Kiên Hải. Trong đó, Đất nông nghiệp, chiếm 64,2% diện tích tự nhiên, đất rừng chiếm 122,8 nghìn ha, đất chuyên dùng 35,4 nghìn ha, đất ở 10,1 nghìn ha. Ngoài ra tỉnh còn có trên 70 nghìn ha đất hoang hoá và sản xuất chưa ổn định với hơn 25 nghìn ha vườn tạp. Rừng tại Kiên Giang rất ít, chủ yếu là rừng phòng hộ. Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng khoáng sản tương đối lớn mặc dù đang ở mức thăm dò, nghiên cứu nhưng bước đầu đã xác định được 152 điểm quặng và 23 mỏ khoáng sản các loại khác. Trữ lượng đá vôi toàn tỉnh hiện có 440 triệu tấn, có khả năng khai thác 342 triệu tấn, trong đó trữ lượng khai thác công nghiệp là 235 triệu tấn, đủ nguyên liệu để sản xuất 4,6 triệu tấn clinker/năm trong suốt 40 năm. Than bùn, ước tính còn khoảng 150 triệu tấn.

6. Khí hậu: Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm. Mưa, bão tập trung vào từ tháng 8 đến tháng 10 với lượng mưa trung bình hàng năm là 2.146,8mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26,40C đến 280C, tháng lạnh nhất là tháng 12; không có hiện tượng sương muối xảy ra. Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể, nhất là vào cuối mùa mưa. Điều kiện khí hậu thời tiết của Kiên Giang có những thuận lợi cơ bản mà các tỉnh khác ở vùng ĐBSCL không có được như: ít thiên tai, không rét, không có bão đổ bộ trực tiếp, ánh sáng và nhiệt lượng dồi dào, nên rất thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi sinh trưởng.

7. Dân cư: Tính đến năm 2012, dân số toàn tỉnh Kiên Giang đạt gần 1.726.200 người, mật độ dân số đạt 272 người/km Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 471.200 người, dân số sống tại nông thôn đạt 1.255.000 người. Dân số nam đạt 861.600 người, trong khi đó nữ đạt 852.500 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 10,8 ‰

Về dân tộc và tôn giáo, Kiên Giang là địa bàn cư trú của hơn 15 dân tộc khác nhau. Trong đó, người Kinh chiếm khoảng 85,5%, Người Khmer chiếm khoảng 12,2% dân số tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Gò Quao. Người Hoa chiếm khoảng 2,2% dân số sinh sống ở thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành. Còn lại là một số dân tộc khác như: Chăm, Tày, Mường, Nùng.... Về tôn giáo, theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, trên địa bàn tỉnh có 489.609 người theo tôn giáo, chiếm khoảng 32,7% tổng số dân, trong đó Phật giáo chiếm 25%, Công giáo chiếm 5,7%, còn lại là các tôn giáo khác như Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo.....

8. Tóm tắt nội dung: - Giá trị lịch sử:

Ngày nay núi Đá Dựng hãy còn vẽ hoang sơ, và có cả thảy 14 hang động lớn nhỏ (có hang lớn, như hang Bồng Lai, có thể chứa hàng trăm người) gắn với nhiều huyền thoại, gồm: hang Mẹ Sanh, hang Lê Công Gia, hang Biệt Động, hang Bồng Lai, hang Thần Kim Quy, hang Khổ Qua, hang Trống Ngực, hang Xã Lộc Kỳ, hang Cổng Trời, hang Thác Bạc, hang Chỉ Huy và 3 hang chưa có tên. Tất cả do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài mà thành. Và trong các hang hốc ấy, hiện còn nhiều vỏ hào, vỏ ốc…dính lại trên vách đá, chứng tỏ xưa kia nơi đây đã từng bị ngập nước. Ngoài ra, căn cứ trong sách cũ, thì ngày xưa ở Đá Dựng từng có một sân chim (Điểu Đình) với một số lượng lớn cò trắng đến cư trú.

Do có nhiều hang động và ở một vị trí quan trọng (gần biên giới), nên ngay từ thế kỷ 18, Đá Dựng đã là tiền đồn của nhân dân Hà Tiên chống quân Xiêm La. Đặc biệt, trong hai cuộc chiến tranh trước năm 1975, Đá Dựng là một cơ sở hoạt động cách mạng, là cầu nối của tuyến đường 1C, và là nơi xảy ra những trận giao tranh ác liệt... Ở các năm 1977 - 1978, đây cũng là một tiền đồn trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam...

Núi đá Dựng gắn với truyền thuyết ly kỳ được lưu truyền cho đến ngày nay là truyện Thạch Sanh - Lý Thông. Tục truyền rằng ngày xưa Thạch Sanh vì mắc mưu Lý Thông đã dùng đàn đá để tiêu sầu. Âm thanh tiếng đàn theo gió bay đến tận cung điện nhà vua khiến cho công chúa Huỳnh Nga nghe được và xin vua cha cho quân lính đi cứu chàng

Có một hang động người tra gọi là “Cội hàng đa”, ngoài cửa hang có dấu vết như nhiều mảng đá ráp lại hợp thành mái che, tục truyền rằng đó là nơi Thạch Sanh sinh sống lúc thiếu thời và đó cũng là nơi về sau chàng ngồi suy ngẫm sự đời và chợt nhìn thấy chim đại bàng cắp nằng công chúa bay qua; với lòng trung nghĩa chàng đã giương cung bắn trúng chim rồi lần theo vết máu cứu Huỳnh Nga

Núi Đá Dựng còn được gọi là Châu Nham (núi ngọc) vì thạch nhũ ở đây sáng long lanh như châu ngọc. Vào cuối thế kỉ XVII, khi Mạc Cửu đến đây mở đất lập trấn Hà Tiên rồi truyền đến đời con cháu của mình cai quản, tô điểm cho những mảnh đất thiêng ngày thêm giàu đẹp.

Thời Mạc Thiên Tích thi phú phát triển, tao đàn chiêu Anh Các ra đời, Đá Dựng được đi vào thơ ca với bài thơ nổi tiếng “Châu Nham Lạc Lộ”.

Cò về núi ngọc

Bóng rợp mây dầm phủ núi non

Bay la bay lả trắng hoàng hôn

Góc trời thế trận giăng cây cỏ

Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn

Trắng dãi non treo làn thác đỗ

Chiều tà cát lẫn ánh mây tuôn

Trên đường cò nhảy bay xuôi ngược

Nghỉ cánh dừng chân bến nước còn

    Mạc Thiên Tích

(Tao đàn chiêu Anh Các)

Núi Đá Dựng không chỉ là một danh lam thắng cảnh với truyền thuyết ly kỳ, đây còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vùng đất Hà Tiên. Suốt cả chiều dài lịch sử gần 300 năm, Hà Tiên đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng lúc nào cũng khẳng định vị trí của mình như một điểm son của miền đất Tây Nam của Tổ quốc; Với thiên nhiên cẩm tú, với một nền văn học ngời sáng và những chiến công hiển hách mà thể hiện rõ nhất là qua những năm tháng chống Pháp và diệt Mỹ; Đảng bộ và quân dân Hà Tiên đã nêu cao khí phách anh hùng, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công rực rỡ. Mỗi điạ danh của Hà Tiên đều gắn liền với sự tích anh hùng mãi mãi đi vào lòng người, trong đó Đá Dựng góp một vai trò không nhỏ. Với địa thế hiểm trở nằm sát biên giới Campuchia nên khi có chiến tranh xảy ra Đá Dựng luôn là điểm nóng. Ngay từ thế kỉ XVIII Đá Dựng đã là tiền đồn của nhân dân Hà Tiên chống giặc Xiêm. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, Đá Dựng là cơ sở hoạt động cách mạng, là cầu nối của tuyến đường 1C và những trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch đã diễn ra tại nơi đây.

Đầu năm 1970, Mĩ mở cuộc kháng chiến sang Campuchia, chúng đã đánh mạnh vào Đá Dựng. Chúng sử dụng lực lượng mạnh cả về xe tăng lẫn máy bay với cả 1 trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn 21. Ta chỉ có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ; với lòng dũng cảm và mưu trí; trong 27 ngày đêm ta đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch, bắn rơi 7 máy bay, phá hỏng nhiều xe tăng và loại khỏi vòng chiến gần 500 tên giặc. Sau ngày giải phóng đất nước, Đá Dựng với 12 hang chính và nhiều hang nhỏ như là một pháo đài, một điểm chốt biên giới quan trọng; góp phần không nhỏ vào việc bảo toàn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự xã hội của tỉnh nhà.

Đá Dựng ngày nay không còn hiện vật nào nhưng nó có giá trị lịch sử, khoa học, văn hoá, nghệ thuật lớn: Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử chống ngoại xâm từ 300 năm nay, là tiền đồn bảo vệ vẹn toàn biên giới lãnh thổ nước ta trước kia, hiện nay và mãi mãi sau này.

Các hang động Đá Dựng là những tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng, vì thế đây là một di tích danh lam thắng cảnh có giá trị của Kiêng Giang và cả nước, đồng thời, vì thế Đá Dựng là nguồn cảm hứng vô tận của các thi sĩ từ cổ chí kim.

Ngoài ra, Đá Dựng còn có giá trị to lớn về du lịch, là nơi hấp dẫn khách tham quan trong và ngoài nước và đây cũng là nơi giáo dục truyền thống chiến đấu, khơi dậy lòng yêu nước, yêu thiên nhiên cho mọi thế hệ.

Một số hình ảnh Núi Đá Dựng (nguồn: sưu tầm internet)



Đỗ Khắc Tình (Tổng Hợp)

Nguồn tài liệu tham khảo: 

http://ditichlichsuvanhoa.com/; vi.wikipedia.org/wiki/Kiên_Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ